Chuyển biến trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Điện Biên

Liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020, Điện Biên ghi nhận tỷ lệ che phủ rừng tăng. Cùng với đó, số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, số vụ cháy rừng cũng giảm. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn được cải thiện từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng.

Người dân xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ chăm sóc và bảo vệ rừng.

Người dân xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ chăm sóc và bảo vệ rừng.

Liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020, Điện Biên ghi nhận tỷ lệ che phủ rừng tăng. Cùng với đó, số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, số vụ cháy rừng cũng giảm. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn được cải thiện từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng.

Trao đổi kết quả công tác bảo vệ, phát triển rừng của Điện Biên trong thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Hà Lương Hồng cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và diện tích quản lý rừng lớn (hơn 694.000 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng), song năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên tiếp tục tăng 0,41% so năm 2019 đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,66%. Tổng kết giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng theo Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đề ra. Kết quả đó không chỉ phản ánh nỗ lực của cán bộ, công chức ngành kiểm lâm mà đồng thời cho thấy ý thức bảo vệ, phát triển rừng của nhân dân các dân tộc, chính quyền các huyện, các ngành đã ngày càng nâng lên. Đặc biệt, với đồng bào các DTTS ở các huyện vùng cao, biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà... thì tỷ lệ che phủ rừng tăng lên, đồng nghĩa với việc đời sống bà con được nâng lên nhờ nguồn quỹ hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Mường Nhé là huyện biên giới nhiều năm "nóng" vì tình trạng dân di cư tự do và phá rừng, song mấy năm gần đây, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn đã được kiểm soát; tình trạng phá rừng làm nương giảm rất nhiều. Tại các xã: Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn... bà con các dân tộc: H’Mông, Hà Nhì, Si La... rất có ý thức với việc bảo vệ, chăm sóc rừng. Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết: Toàn xã có hơn 11.560 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 71%, nhiều năm qua xã không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng hay mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, vì ngoài lực lượng kiểm lâm địa bàn thì mỗi người dân xã Sín Thầu cũng đều là những người giữ rừng. Hiện, toàn xã Sín Thầu có năm gia đình, bảy cộng đồng bản, gồm: A Pa Chải, Lỳ Mạ Tá, Pờ Nhù Khồ, Tả Ko Ki, Tả Ko Khừ, Tá Sú Lình, Tá Miếu được hưởng tiền DVMTR, cho nên bà con sống được nhờ rừng; ý thức bảo vệ, giữ rừng của nhân dân Sín Thầu rất tốt.

Gần với Mường Nhé là huyện biên giới Nậm Pồ có diện tích rừng lớn (hơn 60.000 ha), tỷ lệ che phủ toàn huyện đạt hơn 40% và hai năm qua Nậm Pồ cũng được ghi nhận là địa phương có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Bùi Văn Luyện cho biết: Cùng với tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND huyện còn chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền các xã đã chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm nắm chắc thực trạng rừng để xây dựng phương án bảo vệ theo từng mùa. Đối với 137 chủ rừng đã được chi trả DVMTR thì hằng năm huyện đều yêu cầu ký cam kết phải bảo vệ nghiêm toàn bộ diện tích rừng đã được giao khoán chăm sóc, bảo vệ; thực hiện đúng các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng.

Anh Poòng Văn Phong, người dân bản Pa Tần, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) cho biết: Hằng năm, người dân bản Pa Tần đều được cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ địa chính xã hướng dẫn triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng. Trước mỗi mùa khô, kiểm lâm viên địa bàn còn về từng bản hướng dẫn bà con cách làm đường băng cản lửa để bảo vệ rừng, tránh nguy cơ bị cháy lan khi bà con làm nương. Tiền DVMTR được chi trả hằng năm giúp các gia đình trong bản Pa Tần có đời sống tốt hơn; bà con không còn lo cái ăn cái mặc cho nên yên tâm chăm sóc, giữ rừng. "Như gia đình tôi, năm 2019 được nhận 22 triệu đồng tiền DVMTR, tôi đã mua được máy bừa để sản xuất nông nghiệp; góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động. Nhiều nhà trong bản mua được xe máy, ti-vi hay đầu tư chăn nuôi lợn, gà vươn lên thoát nghèo" - anh Poòng Văn Phong vui vẻ cho biết thêm.

Tại huyện Tủa Chùa những năm gần đây đã giảm rất nhiều số vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép phần do ý thức người dân từng bước được nâng lên, phần nhờ nguồn quỹ DVMTR đã hỗ trợ bà con ổn định đời sống, yên tâm phát triển kinh tế gia đình thay vì "chăm chăm vào rừng chặt gỗ, làm nương như trước". Ông Thào A Chu, chủ rừng ở xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, cho biết: Khi được giao khoán rừng, gia đình tôi luôn ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ rừng của gia đình, cộng đồng. Mỗi năm, gia đình có thêm khoản thu hơn 10 triệu đồng tiền DVMTR cho nên có điều kiện mua sắm vật dụng sinh hoạt, sản xuất.

Đề cập hoạt động nguồn quỹ DVMTR của tỉnh Điện Biên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên Đặng Thị Thu Hiền cho biết: Năm 2020 từ nguồn thu điều phối từ Quỹ DVMTR Việt Nam, thu ủy thác từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã chi trả hơn 161 tỷ đồng cho các chủ rừng, trong đó, thanh toán chi trả DVMTR năm 2019 gần 120 tỷ đồng; tạm ứng năm 2020 gần 40 tỷ đồng. Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua đã góp phần tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Việc chi trả kịp thời tiền DVMTR đã góp phần tạo sự tin tưởng, yên tâm với các chủ rừng; đồng thời khích lệ chủ rừng, nhân dân tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với việc chi trả tiền DVMTR bằng tiền mặt, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thường xuyên phối hợp các cấp hội tại địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử giúp chủ rừng thuận lợi hơn trong việc nhận tiền DVMTR. Trong năm 2020 có thêm 161 chủ rừng mở tài khoản Viettel Pay, nâng tổng số chủ rừng mở tài khoản ngân hàng lên 2.158 người.

Ngoài chi trả đúng, đủ tiền DVMTR đến chủ rừng, trong dịp đầu năm học mới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã tổ chức trao 50 nghìn vở viết, 2.000 ba-lô, 2.000 áo khoác tặng học sinh trường THCS thuộc các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ. Quỹ tổ chức 48 buổi tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn viết sổ tay chi trả DVMTR đến 1.076 chủ rừng là cộng đồng, hộ gia đình thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông... Qua các hoạt động đó, góp phần quan trọng nâng cao ý thức nhân dân với công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/chuyen-bien-trong-cong-tac-bao-ve-phat-trien-rung-o-dien-bien-637961/