Chuyển biến trong công tác giảm nghèo ở An Hòa

Từng là địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Tam Dương, tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người dân, xã An Hòa đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo hằng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của nhân dân có nhiều khởi sắc.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Yên Thượng, xã An Hòa đã phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi lợn thịt và vươn lên thoát nghèo

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Yên Thượng, xã An Hòa đã phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi lợn thịt và vươn lên thoát nghèo

Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Lê Thanh Niên cho biết: “Căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm UBND huyện giao, xã đã xây dựng các phương án hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, chỉ đạo các tổ chức rà soát các hộ nghèo và nắm bắt nhu cầu của từng hộ.

Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện và triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để các hộ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế”.

Để đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, dự án và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn để bà con khai thác hiệu quả các nguồn vốn, góp phần vào công tác xóa nghèo của địa phương.

Năm 2021, các tổ chức, đoàn thể của xã đã nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện cho 765 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vay vốn với tổng dư nợ hơn 25 tỷ đồng.

Cùng với đó, thông qua các chương trình của Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp còn hỗ trợ 100% người nghèo, người cận nghèo trên địa địa bàn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo với tổng số tiền 130 triệu đồng…

Bên cạnh đó, các đoàn thể thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con có kiến thức lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế của hộ gia đình và phù hợp với thổ nhưỡng ở từng vùng.

Đối với các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, xã tích cực nhân rộng nhằm tạo việc làm cho người nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, mà phải nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Yên Thượng là một trong những điển hình hộ nghèo bền vững được thôn rà soát và công nhận thoát nghèo từ đầu năm nay.

Bà Phượng chia sẻ: “Nhà tôi có 7 nhân khẩu, nhưng chỉ có 2 lao động chính là chồng tôi và con dâu, bản thân tôi mắc bệnh ung thư, con trai bị suy thận nên khả năng lao động bị hạn chế, cuộc sống vì thế rất khó khăn. Mặc dù đã xoay sở đủ cách để có thêm thu nhập cho gia đình, nhưng nhiều năm liền, chúng tôi vẫn bị cái nghèo đeo bám.

Năm 2018, thông qua chương trình của xã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện, gia đình tôi được vay vốn 100 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư chăn nuôi lợn.

Từ 5 con giống ban đầu, dần dần đàn lợn đã phát triển và sinh lãi. Sau khi có nguồn thu nhập ổn định cùng với nhiều nguồn hỗ trợ, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2022”.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã An Hòa có sự chuyển biến đáng kể qua các giai đoạn.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, nếu như giai đoạn 2016-2020, toàn xã có 44 hộ nghèo, chiếm 1,95%; 106 hộ cận nghèo, chiếm 4,98%, thì sang giai đoạn 2021-2025, toàn xã còn 12 hộ nghèo, chiếm 0,53%; 68 hộ cận nghèo, chiếm 2,98%. Tổng giá trị thu nhập năm 2021 toàn xã ước đạt hơn 380 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Lê Thanh Niên cho biết thêm: “Những kết quả mà địa phương đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn mới. Đây còn là minh chứng quan trọng cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Từ đó, xã An Hòa sẽ tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78345/chuyen-bien-trong-cong-tac-giam-ngheo-o-an-hoa.html