Chuyển biến trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Thời gian qua, với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến các địa phương, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng kể, làm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến các địa phương, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng kể, làm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Khu du lịch biển Quất Lâm, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) có nhiều các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, massage..., lực lượng lao động chủ yếu là nữ giới. Đó là những ngành nghề “nhạy cảm” có nguy cơ cao bị lạm dụng hoạt động vi phạm pháp luật. Theo thống kê của các ngành chức năng, từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2021, trên địa bàn thị trấn Quất Lâm, phát hiện khởi tố 30 vụ, 38 đối tượng chứa chấp, môi giới mại dâm; xử lý hành chính 14 vụ, 55 đối tượng đánh bạc, 64 đối tượng về hành vi mua, bán dâm... Số đối tượng gái mại dâm bị bắt giữ, xử lý trong thời gian qua đa số là người ngoại tỉnh; ở các vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, học vấn thấp; sau khi bị xử lý vi phạm lại tiếp tục thực hiện hành vi bán dâm, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Tệ nạn mại dâm còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới các loại tội phạm khác như tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm đánh bạc, hiếp dâm. Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ban TVHU Giao Thủy ban hành Chỉ thị 04; UBND huyện ban hành kế hoạch về “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội tại khu du lịch biển Quất Lâm, thị trấn Quất Lâm năm 2021”. Huyện thành lập Tổ công tác đặc biệt, rà soát lập danh sách các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các đối tượng trong diện quản lý trên địa bàn 17 tổ dân phố và khu du lịch biển Quất Lâm. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như các chủ kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thị trấn Quất Lâm với nhiều hình thức đa dạng như: treo pa nô, khẩu hiệu, tổ chức in, phát tờ rơi, ký cam kết các biện pháp phòng ngừa, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu dân cư, hộ gia đình và 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke, massage, người làm nghề xe ôm, lái xe taxi, lao động thời vụ... Sở LĐ-TB và XH thực hiện dự án xây dựng mô hình “Đảm bảo quyền của người lao động nữ làm công trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trên địa bàn có tệ nạn mại dâm” tại thị trấn Quất Lâm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng lao động này trên địa bàn. Tháng 7 năm 2021, triển khai đợt ra quân cao điểm, các lực lượng chức năng đã phát hiện triệt phá 2 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 1 vụ chứa mại dâm; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội tại khu du lịch biển Quất Lâm, góp phần làm trong sạch địa bàn.
Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Năm 2021, tình hình tệ nạn xã hội, trong đó, tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; nhất là tệ nạn mại dâm tại khu du lịch Quất Lâm (Giao Thủy), khu du lịch Hải Thịnh (Hải hậu) xã Yên Khánh (Ý Yên) - địa bàn giáp ranh giữa Nam Định - Ninh Bình đã giảm hẳn. Trong năm 2021, là cơ quan thường trực của tỉnh về phòng chống tệ nạn mại dâm, Sở LĐ-TB và XH đã chủ động, phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phòng chống mại dâm từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý địa bàn, kiểm tra, đấu tranh xử lý vi phạm không để phát sinh tụ điểm mới, phức tạp. Sở tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh; kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức xã hội đã phối hợp, thực hiện công tác truyền thông, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, thiết thực. Năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện 25 hội nghị truyền thông cho gần 800 người tham gia, tọa đàm trao đổi thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân; treo 10 pa nô, khẩu hiệu; phát hành hơn 25 nghìn tờ rơi, 1.600 tài liệu tuyên truyền về phòng chống tệ nạn mại dâm, phòng chống tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục; dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát đến cộng đồng thôn, xóm, tổ dân phố; xây dựng hơn 30 chương trình phát thanh trên hệ thống đài phát thanh các cấp. Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm mại dâm giai đoạn 2021-2015, gắn với các chương trình, kế hoạch phòng chống tội phạm khác; kết hợp với thực hiện chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm như: Khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long và xã Yên Bằng. Sở GD và ĐT chỉ đạo 100% các trường học lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy, mại dâm và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS vào các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Sở Y tế tổ chức 7 lớp tập huấn về nhạy cảm giới và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 280 cán bộ y tế thôn xóm tại các xã của huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh nhằm nâng cao chất lượng công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ thân thiện cho khách hàng nguy cơ cao nhiễm HIV, trong đó có khách hàng là người hoạt động mại dâm, tiếp viên nhà hàng tại cộng đồng.
Các hoạt động kiểm tra, đấu tranh, phòng ngừa nhằm giảm tệ nạn mại dâm được tăng cường, hoạt động kiểm tra tuân thủ đúng quy định pháp luật. Phát hiện đúng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, đấu tranh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Trong năm 2021, các lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 295 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Phát hiện 60 cơ sở vi phạm hành chính trong quá trình kinh doanh dịch vụ, yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục những tồn tại, thiếu sót, không để lợi dụng hoạt động mại dâm. Công tác đấu tranh, truy quét, triệt phá, truy tố xét xử các đường dây, ổ nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình hoạt động của các đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tệ nạn mại dâm; xác định các tụ điểm, địa bàn phức tạp về mại dâm; các đường dây “gái gọi”, chứa chấp hoặc môi giới mại dâm để tập trung đấu tranh triệt phá. Năm 2021, lực lượng công an đã bắt, xử lý 18 vụ, 88 đối tượng; trong đó có 13 chủ chứa, 6 môi giới, 33 đối tượng bán dâm, 36 khách mua dâm; lập hồ sơ đề nghị truy tố 18 vụ, 19 bị can, xử lý hành chính 69 đối tượng mua, bán dâm.
Đồng chí Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định số 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 138 về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, 100% các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, ít nhất 60% người lao động trong các khu công nghiệp; 70% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm lồng ghép các chương trình của địa phương. Tăng cường hỗ trợ, đầu tư nguồn lực để cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở, mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người làm nghề bán dâm. Đẩy mạnh xã hội hóa; huy động các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng; các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia công tác hỗ trợ xã hội, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người làm nghề bán dâm. Chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em, để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các chính phủ, tổ chức quốc tế; đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật, đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác liên doanh liên kết trong nước và nước ngoài đối với công tác phòng, chống mại dâm./.