Chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm là những giải pháp cơ bản được các ngành chức năng, địa phương tích cực thực hiện, góp phần ngăn chặn hành vi xâm phạm tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Huyện Văn Bàn có diện tích rừng lớn, ngoài ra còn có rừng giáp ranh với tỉnh Yên Bái và tỉnh Lai Châu. Ông Nguyễn Công Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã, chủ rừng được giao rừng ở địa phương và lực lượng chức năng, các đơn vị chủ rừng của 2 tỉnh giáp ranh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Đơn vị cũng tiến hành di chuyển các chốt bảo vệ rừng ở bên ngoài vào sâu phía trong rừng, đưa các tổ nhận khoán bảo vệ rừng để bảo vệ rừng tận gốc. Tại các chốt bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã thí điểm lắp đặt, quản lý, vận hành camera phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, do đó nhiều hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Với quyết tâm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, hằng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn; tập trung lực lượng phối hợp với các chủ rừng tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý các “điểm nóng” về phá rừng, xâm lấn đất rừng, khai thác lâm sản trái phép; tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang nhằm phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ở vùng rừng giáp ranh...

Một yếu tố quan trọng để có được kết quả trên là do những vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp phát hiện thời gian qua đều được xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội. Điển hình là vụ phá rừng trái pháp luật tại phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa). Ông Nguyễn Đắc Thái, tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ đã chặt phá 16.500 m2 rừng tự nhiên sản xuất, phòng hộ, trữ lượng rừng thiệt hại 16,912 m3. Tòa án nhân dân thị xã Sa Pa đã đưa vụ việc này ra xét xử; ông Nguyễn Đắc Thái bị tuyên phạt 7 năm tù giam về tội “Hủy hoại rừng”. Bị cáo còn phải bồi thường hơn 26 triệu đồng.

Hoặc vụ vi phạm tại xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa). Ông Nguyễn Huy Thuận ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn đã thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật, diện tích 2,369 ha rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, chức năng rừng sản xuất. Ông Thuận đã bị xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng, đồng thời phải trồng lại cây đến khi thành rừng đối với 2,369 ha.

Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn, vùng cao, người dân thiếu việc làm nên vào rừng kiếm sinh kế (phát luỗng rừng để trồng sa nhân, thảo quả, săn bắt động vật…); tình trạng gia tăng dân số, thiếu đất sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu, thói quen sống dựa vào sản phẩm sẵn có từ rừng vẫn còn ở một số địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366004-chuyen-bien-trong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-rung