Chuyển biến trong việc cưới, việc tang tại xã Hùng Lợi
Trong những năm qua, đội ngũ già làng, người uy tín của xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ này đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, hành động, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đồng chí Linh Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi trao giấy chứng nhận cho các gia đình văn hóa tiêu biểu
tại Ngày hội đại đoàn kết thôn Coóc, xã Hùng Lợi
Ông Linh Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết: Hùng Lợi là xã vùng ATK của huyện Yên Sơn với dân số 7.449 người. Xã có 16 thôn, 12 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 50% dân số. Để việc cưới, việc tang tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét, xã đã đưa việc thực hiện tốt nội dung này vào việc xem xét, ưu tiên hỗ trợ, bình xét các hộ nghèo, cận nghèo, cũng như bình xét công nhận gia đình văn hóa. Xã hiện có 24 người uy tín, già làng. Trong đó, một số người có uy tín tại các thôn Quân, Coóc, Nhùng, Đồng Trang, Lay luôn gương mẫu giáo dục con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hương ước, quy ước của thôn, đoàn kết phát triển kinh tế, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong dòng tộc tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng.
Vừa qua, xã Hùng Lợi đã ra mắt mô hình điểm “Tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống minh trong việc cưới, việc tang trong cộng đồng tín đồ Hội Thánh Hiệp Một, xã Hùng Lợi năm 2022”. Là quản nhiệm Hội Thánh Hiệp Một, mục sư Hoàng Văn Chi cho biết: Cộng đồng Hội Thánh Hiệp Một hiện nay có 150 hộ, 600 nhân khẩu, đều là người Mông. Hiện nay, phần lớn các lễ thức trong đám cưới, đám tang của người Mông đã tiến bộ nhiều so với trước. Đám cưới, đám tang không có tình trạng ồn ào, rượu chè, gây mất trật tự cộng đồng. Nếu trước đây, gia đình có người qua đời, con cháu phải mổ bò, mổ lợn cho ông bà, bố mẹ mang đi làm vốn, rồi việc cả làng tập trung đến giúp đỡ, ăn uống… đã tạo gánh nặng và những hệ lụy về rất lớn về kinh tế cho gia đình người mất. Nhưng nay, các gia đình chỉ làm cơm mời những người đến giúp đám, chứ không tổ chức ăn uống cho cả làng như trước, gia đình cũng không mất tiền chi cho mục sư trong việc lo hậu sự cho người đã khuất… Những nét đẹp văn hóa rất tiến bộ như thay vì cúng giỗ cha mẹ sau khi qua đời thì tập trung hiếu kính, biết ơn, quan tâm chăm lo cho ông bà, cha mẹ ngay khi còn sống; không tổ chức quá nhiều lễ cúng (49, 100 ngày, lễ bỏ tang…). Tùy từng gia đình, sau 14 ngày, một tháng hoặc vài tháng sau khi người nhà mất, gia đình sẽ tổ chức giỗ một lần duy nhất, sau đó sẽ không tổ chức giỗ hàng năm nữa, chỉ những dịp Lễ Tạ ơn, Tết Nguyên đán… con cháu mới mời bố mẹ về nhà cùng ăn Tết.
Trao đổi về những chuyển biến trong việc cưới, việc tang, ông Hoàng Sông Tương, người có uy tín thôn Toòng cho biết, hiện nay, về cơ bản việc cưới, việc tang của các dân tộc trên địa bàn thôn Toòng đều tổ chức theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm. Việc cưới là hôn nhân tự nguyện một vợ, một chồng, không còn tình trạng thách cưới. Việc tang cũng đã hạn chế được việc tổ chức ăn uống dài ngày, gây tốn kém, môi trường văn hóa ở cơ sở ngày càng lành mạnh, văn minh hơn...
Anh Triệu Văn Giáp, sinh năm 1984, trưởng thôn Toạt hào hứng chia sẻ: "Mình là người trẻ, nên những gì thấy đúng, thấy hợp lý, khoa học thì mình tiên phong, gương mẫu đi đầu thực hiện trước. Năm 2021, mình tổ chức đám cưới cho con gái chỉ gói gọn ăn một bữa trưa trong ngày lễ chính". Anh bảo, không chỉ riêng người Dao như gia đình anh, gần đây, gia đình ông Lầu Văn Cải, người Mông ở thôn Toạt; nhà anh Thái ở thôn Chương, anh Dính ở thôn Quân tổ chức đám tang cho người thân cũng rất gọn nhẹ, trang trọng, tiết kiệm. Hay như nhà anh Đình, nhà ông Sinh ở thôn Chương tổ chức đám cưới cho con cũng không rườm rà, tốn kém, lãng phí…
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, sự tuyên truyền, vận động của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản; sự tham gia, hưởng ứng của người dân trên tinh thần giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, cắt bỏ các tập tục lạc hậu, không còn phù hợp… đã góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh trật tự, xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.