Chuyển biến từ phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở huyện Cẩm Thủy
'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (TDĐKXDĐSVH) là phong trào có ý nghĩa nhân văn và tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, suốt 20 năm triển khai thực hiện, huyện Cẩm Thủy đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng đời sống văn hóa mới.
Xây dựng đời sống văn hóa mới góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Cẩm Thủy.
Bám sát các nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH và xuất phát từ thực tiễn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào phát triển. Trước hết, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và nội dung của phong trào đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua loa truyền thanh, qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt thôn, tổ dân phố và qua các đợt kiểm tra khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị... Đặc biệt, gắn việc triển khai thực hiện phong trào theo tinh thần Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Qua 20 năm triển khai, đến nay phong trào giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo đã phát triển rộng khắp. Các xã, thị trấn và nhất là các doanh nghiệp, đã tranh thủ các dự án đầu tư trên địa bàn, để tạo việc làm và thu hút lao động địa phương vào làm việc. Từ đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông lâm sản và sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng. Nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc đã từng bước khôi phục các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm ở Cẩm Thạch, Cẩm Lương, Cẩm Bình, Cẩm Tân, Cẩm Quý, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi và đưa vào nhiều nghề mới, sản xuất theo hình thức tổ hợp, hiệu quả cao...
Cũng từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huyện Cẩm Thủy đã huy động được nguồn lực lớn trong Nhân dân, với hàng ngàn ngày công và hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, qua quỹ vì người nghèo, địa phương đã xây dựng được 174 nhà cho người nghèo, với tổng trị giá 1,035 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 cho 900 hộ dân, với tổng trị giá trên 7,4 tỷ đồng. Cùng với đời sống vật chất từng bước được cải thiện và nâng cao, thì môi trường sống xanh - sạch - đẹp - an toàn cũng được địa phương quan tâm xây dựng. Truyền thống đoàn kết được phát huy; tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt; nếp sống kỷ cương, lối giao tiếp ứng xử văn hóa được coi trọng...
Trong phong trào TDĐKXDĐSVH, thì xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa là những nội dung nòng cốt, trọng tâm và xuyên suốt. Qua 20 năm triển khai, toàn huyện đã có 23.294/24.747 gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 80,5%); 57/103 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 7/17 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% các làng, bản, tổ dân phố xây dựng và thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước. Cũng trong giai đoạn 2000-2020, huyện Cẩm Thủy đã khai trương xây dựng danh hiệu văn hóa cho 119/119 làng, bản, tổ dân phố. Nhiều nơi sau khi khai trương đã từng bước tạo dựng diện mạo mới về kinh tế, văn hóa - xã hội. Điển hình là làng Ngán, xã Cẩm Ngọc; làng Lụa, thị trấn Phong Sơn; làng Muốt, xã Cẩm Thành; làng Do Thượng, xã Cẩm Tân; làng Bùi, xã Cẩm Thạch...
Gắn với phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố văn hóa là việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo đó, địa phương đã bước đầu hình thành nhiều phong tục tập quán mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Điển hình như một số vùng đồng bào Mường, Dao đã bỏ hẳn tục thách cưới và ăn uống dài ngày. Các đám tang không để quá 24h, không phúng cỗ chín, không lăn đường và rải tiền vàng ra đường gây mất mỹ quan, tốn kém. Lễ hội truyền thống được tổ chức đúng quy định và phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc; nhiều trò chơi, trò diễn, văn nghệ dân gian được gìn giữ và duy trì trong các dịp lễ tết, hội hè...
Để góp phần tạo dựng đời sống văn hóa - tinh thần lành mạnh, phong phú, thì việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là một nội dung quan trọng. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đã phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lồng ghép kinh phí và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng mới 1 trung tâm văn hóa – thể thao huyện, 7 trung tâm văn hóa – thể thao xã và 119 nhà văn hóa – khu thể thao thôn. Các thiết chế này đã và đang được khai thác, phát huy hiệu quả, khi trở thành điểm sinh hoạt, sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa và luyện tập thể dục thể thao của người dân.
Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời, nó cũng phần nào cho thấy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Cẩm Thủy về vai trò của văn hóa hay nguồn lực văn hóa, đã và đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.