Chuyển biến ý thức tạo nền văn hóa giao thông

Chủ đề của Năm an toàn giao thông (ATGT) 2020 là 'Đã uống rượu, bia - không lái xe'. Làm thế nào để thực hiện thành công định hướng này trong thời gian tới là vấn đề được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Kiểm soát trọng tải xe là một trong những biện pháp trọng tâm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: CAO THĂNG

Kiểm soát trọng tải xe là một trong những biện pháp trọng tâm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: CAO THĂNG

PHÓNG VIÊN: Với chủ đề Năm ATGT 2020, những trọng tâm công tác nào cần được đẩy mạnh để đem lại hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Ông NGUYỄN VŨ HẠNH PHÚC: Năm ATGT 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” gắn với chủ đề năm 2020 của thành phố là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Để thực hiện có hiệu quả những nội dung này, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông để mỗi người dân tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT… Qua đó góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” và phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.

Ông có nhận xét gì về thực trạng một bộ phận người tham gia giao thông chưa ý thức được rằng, lái xe sau khi đã uống rượu bia là vi phạm pháp luật nghiêm trọng?

Suy cho cùng, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng chính là lỗi thuộc về ý thức của người điều khiển phương tiện. Ở góc độ xã hội, có thể thấy việc tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia là một vấn nạn với nhiều hệ lụy: người chết, người bị thương, thiệt hại hư hao tài sản…

Điều đáng buồn là có khi người chịu thương vong lại là người chấp hành đúng luật giao thông, tức là họ bị vạ lây do người điều khiển giao thông đã uống rượu bia gây ra. Tuyên truyền, giáo dục nếu được làm tốt, làm sâu rộng sẽ giúp chuyển biến được những nhận thức không đúng đắn nêu trên.

Trong công tác này, chúng tôi cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ mang tính kỹ thuật, như: tăng cường giáo dục nhằm làm thay đổi hành vi với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động; khuyến cáo người điều khiển phương tiện về định lượng, thời gian sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền về quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn trong máu, hơi thở. Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu tại các địa điểm kinh doanh có liên quan đến rượu bia, tại các bãi giữ xe và trên các tuyến đường có kinh doanh rượu bia. Bên cạnh các quy định về quảng cáo rượu bia, tôi nghĩ cũng cần quy định thêm về việc nhà sản xuất rượu bia phải dán các khẩu hiệu, quy định ngay trên bao bì sản phẩm, những câu khuyến cáo như: “Đã uống rượu bia - không lái xe”, “Lái xe sau khi sử dụng rượu bia có thể dẫn đến tai nạn giao thông” hoặc “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”…

Sẽ rất khó xây dựng văn hóa giao thông một khi ý thức tham gia giao thông của người dân chưa chuyển biến. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ý thức chưa cao của người tham gia giao thông là điều rất đáng quan tâm trong thời gian qua. Có thể nhận thấy rõ điều này khi nhìn vào những hành vi vi phạm luật giao thông hoặc gây nguy cơ mất ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông. Những vi phạm diễn ra dưới nhiều dáng vẻ và xảy ra gần như mọi lúc mọi nơi. Đó là những hình ảnh người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ tại giao lộ khi không có cảnh sát giao thông đứng chốt, chạy xe lên vỉa hè, chở hàng hóa cồng kềnh bằng xe thô sơ chạy ngông nghênh trên đường phố, người đi bộ băng qua đường tùy tiện thay vì đi đúng vào vạch sơn dành cho người đi bộ…

Khi phân tích về các vụ tai nạn giao thông, chúng ta thấy có nhiều nguyên nhân gây ra, mà một trong những nguyên nhân đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao. Nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe tải, container. Theo thống kê của Ban ATGT thành phố, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân như: lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Trên tất cả, có đến hơn 70% số vụ tai nạn giao thông là có liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.

Biện pháp đáng chú ý nào sẽ được triển khai trong thời gian tới, để bám sát chủ đề Năm ATGT 2020?

Với chủ đề Năm ATGT 2020, Ban ATGT thành phố xác định, trong thời gian tới sẽ chú trọng làm chuyển biến ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT sẽ tiếp tục được đổi mới và nâng cao hơn nữa. Trên tinh thần ấy, nội dung tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, không hình thức, đúng đối tượng để mỗi người dân tự giác có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tượng được tuyên truyền, nội dung biên tập cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, nhất là hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Với chủ đề của Năm ATGT 2020, công tác tổ chức hoạt động tuyên truyền cũng tập trung vào các vấn đề kiểm soát tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, an toàn đường ngang đường sắt. Trong đó, chú trọng tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện; lưu thông quá tốc độ, chở hàng vượt tải trọng; xe máy lưu thông vào làn đường dành cho ô tô, không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Một số đề nghị của Ban ATGT với các đơn vị chức năng

- Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP: Có kế hoạch phối hợp và tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình thực hiện của các quận huyện và các đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2021”, trong đó tiếp tục tổ chức thực hiện giám sát công tác đảm bảo trật tự ATGT, công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè đối với các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố.

- Liên đoàn Lao động TP: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.

- Hội Cựu chiến binh TP: Tiếp tục phối hợp thực hiện cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông” giai đoạn 2018-2023 trong các cấp hội. Gương mẫu thực hiện và làm nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định về ATGT bằng những mô hình sáng tạo như tổ tự quản, đoạn đường tự quản…

- Thành đoàn TPHCM: Tập trung đổi mới tuyên truyền pháp luật về ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong đoàn viên, thanh niên nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”. Lựa chọn công việc phù hợp để tạo phong trào trong tuổi trẻ, đặc biệt quan tâm xây dựng các giải pháp tuyên truyền về văn hóa giao thông trong học sinh, thanh niên công nhân, thanh niên trên địa bàn dân cư, thanh thiếu niên chậm tiến…

- Hội Liên hiệp Phụ nữ TP: Tăng cường tuyên truyền cho đối tượng là cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Đội nón bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông vì sự an toàn của trẻ”, “Phụ nữ thành phố tích cực tham gia giữ gìn trật tự ATGT”; duy trì và nhân rộng mô hình “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè hành lang giao thông để buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây ách tắc giao thông và tai nạn giao thông”…

- Hội Nông dân TP: Thực hiện công tác giáo dục, vận động và tuyên truyền việc chấp hành luật ATGT, nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân nông thôn và hội viên tại các huyện ngoại thành.

- Ban Dân tộc TP: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả.

TRUNG KHANH thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chuyen-bien-y-thuc-tao-nen-van-hoa-giao-thong-648536.html