Chuyện buôn bán hoa, cây cảnh tết

Tết đang đến gần, cây cảnh, đào, quất đã đua nhau khoe sắc ngập tràn trên mọi con phố. Và những người mang tết đến cho mọi nhà lại bắt đầu những ngày buôn bán tất bật, vất vả.

Chợ hoa ngày tết mang lại thu nhập cao cho nhiều người buôn bán cây cảnh.

Thời tiết càng về khuya, kéo chiếc chăn bông chùm kín đầu để dỗ giấc ngủ nhưng anh Thành không tài nào chợp được mắt. Người mệt mỏi bởi cả ngày phải bê vác rồi chào khách, bán hàng, cứ nghĩ đêm xuống đặt lưng vài phút là ngủ, nhưng sao nằm mãi mà anh vẫn thấy đôi mắt tỉnh queo. Nằm trong chiếc lều nhỏ, 4 bên che bằng những tấm bạt mỏng, anh không khỏi sốt ruột mỗi khi có đợt gió lùa về đập mạnh xung quanh, chiếc lều mong manh cứ rung lắc không ngớt. Ngồi bật dậy châm điếu thuốc, anh Thành kéo tấm bạt bước ra ngoài đi vòng quanh dãy quất xếp san sát nhau, lòng nghĩ ngợi và nhiều dự tính cho buổi chợ sáng mai.

Cũng như anh Thành, những người “hàng xóm” ở các gian hàng đào, quất bên cạnh cũng đang đi đi lại lại quan sát, căn chỉnh vị trí đặt từng gốc cây, chậu cảnh. Như quên đi cái lạnh giá đêm đông, dưới ánh sáng của những ngọn đèn cao áp đổ xuống mặt đường, họ cứ mải miết ngắm nhìn hết cây này sang cây khác. Ngay gần đó, mấy người đàn ông trung niên đang cùng nhau hút vài ba điếu thuốc lào rồi cà kê nói chuyện. Từ vài câu hỏi về gia đình, quê quán rồi lại xoay vào chuyện buôn bán, được thua. Nhưng tập trung nhất vẫn là những bàn luận về tình hình diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh COVID–19 đang diễn ra. Ai nấy đều bồn chồn lo lắng dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng đến sức mua, lo vì không bán được hàng.

Anh Trần Đức Kiên, 40 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa tâm sự: “Từ 6 năm nay, cứ đến khoảng đầu tháng 11 âm lịch, tôi lại cùng với một người bạn ra tỉnh Hưng Yên đặt quất về bán tết. Sau khi tham quan, tìm hiểu và lựa chọn được vườn ưng ý, chúng tôi sẽ làm hợp đồng đặt tiền trước với chủ nhà để giữ vườn rồi chờ đến khoảng 15 tháng Chạp mới thuê người “đánh cây” chuyển về các điểm kinh doanh tại TP Thanh Hóa để bán. Năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm, nhiều cây mang về để vài ba ngày chưa bán được lại gặp mưa nắng thất thường nên héo lá, rất mất giá. Nhiều hôm, có những trận gió mạnh quật ngã cả những bầu cây lớn khiến quả rụng lả tả, sáng ra nhìn thấy cây ngả nghiêng rồi đổ rạp, xót lắm. Năm đó, trầy trật mãi đến chiều muộn 30 tết cũng bán xong, về tính đi tính lại hai anh em lãi được 5 triệu đồng. Mười mấy ngày ăn ngủ cùng quất, mỗi người vẻn vẹn 2 triệu rưỡi nhưng vẫn thấy mình còn may chán vì chưa bị lỗ vốn như mấy ông bạn hàng bên cạnh”.

Có đến các điểm bán hoa tết về đêm người ta mới cảm nhận được một cuộc sống rất khác vào dịp cuối năm. Cả một không gian rộng lớn tại Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo tỉnh những ngày này đêm nào cũng tấp nập như một công trường đặc biệt. Dường như sự yên tĩnh của đêm đông đã bị đánh thức bởi những chiếc xe cẩu ra ra vào vào vận chuyển cây cảnh, rồi thì tiếng người trò chuyện, trao đổi, chỉnh cho nhau đặt cây chỗ này, chỗ kia sao cho hợp lý. Mệt đấy, vất vả đấy nhưng ai nấy đều tích cực, chăm chú với công việc. Những người đi buôn thì cẩn thận tháo dây chằng cây rồi nghiêng ngó xem có cây nào bị ảnh hưởng gì trong quá trình vận chuyển không. Những người làm nghề bốc vác cũng tích cực không kém, họ cố sức làm thật nhanh và hiệu quả để kiếm được nhiều chuyến hàng trong đêm.

Thời điểm này, đâu đâu cũng rực rỡ những hoa, những đào, quất mang theo không khí rộn ràng, hân hoan. Người dân tấp nập sắm sửa, người bán cũng tất bật không kém. Gác lại mọi công việc gia đình, đến hẹn, những người buôn cây cảnh lại tập trung mang tết về cho phố phường. Phần lớn họ là những người quê ở các huyện trong tỉnh và cũng có nhiều người đến từ các tỉnh, thành khác như: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình...

Anh Lê Văn Thiện, quê ở TP Nam Định không ngừng vun cát cho những gốc đào, chia sẻ: Gia đình tôi có nghề trồng đào đã lâu năm. Ngoài những vườn đào đã bán sỉ cho khách, năm nào tôi cũng để lại một vườn khoảng 500 gốc để trực tiếp chuyển vào bán ở Thanh Hóa. Trước đây, tôi đã từng đi bán ở nhiều tỉnh, thành khác nhưng từ khi bán ở chợ hoa xứ Thanh, tôi nhận thấy thị trường nơi đây rất sôi động, người dân mua hàng thiện chí nên ít khi chúng tôi bị ra về tay không hoặc ôm lỗ như ở những nơi khác. Đặc biệt, vấn đề an ninh tại các điểm bán hoa rất tốt, không có tình trạng bị trộm cắp hay chèn ép, bảo kê nên người buôn bán chúng tôi rất yên tâm.

Chị Hoa, vợ anh Thiện cũng góp thêm vào câu chuyện: Làm nghề trồng và bán hoa vất vả quanh năm. Từ đầu năm phải xuống giống, tỉ mỉ chăm sóc cây, đây là công việc vất vả của nhà nông nhưng cũng chưa là gì so với dịp cuối năm. Đi chợ tết, ngoài bươn trải khuân vác nặng nhọc, ăn chực nằm chờ tạm bợ thì nỗi lo lời lỗ cũng khiến chúng tôi ròng rã nhiều ngày không được giấc ngủ yên. Năm nào sớm thì 29 hết hàng, còn phần lớn thường ngồi đến chiều 30 tết. Khi mọi nhà chuẩn bị bữa cơm chiều cuối cùng trong năm thì chúng tôi mới sửa soạn lên xe ra về. Thành ra về được đến nhà cũng là lúc giao thừa sắp điểm. Thời gian đầu cũng thấy tủi thân và thương con cái lắm nhưng giờ thì cả gia đình quen rồi, con cái đã lớn nên cũng đỡ lo. Vợ chồng lúc nào cũng tự bảo nhau cố gắng một chút để có kinh tế lo cho những năm sau đủ đầy hơn. Cũng nhờ cái nghề này nên từ chỗ nghèo khó, giờ đây chúng tôi đã khấm khá hơn rất nhiều.

Đi bán hoa, cây cảnh tết, người bán vui vì mang không khí xuân sớm đến mọi nơi, vui vì là mùa làm ăn lớn nhất trong năm với những “mẻ trúng đậm” nhờ đào, quất. Anh Trần Văn Tuấn, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) kể lại: Năm ngoái, bạn anh, người Nam Định rủ nhập cành đào mi ni về bán ở Thanh Hóa. Hai anh em ban đầu nhập 400 cành với giá 60.000 đồng/cành dự tính bán “thử nghiệm” nhưng chỉ trong 1 ngày hàng hết sạch. Thừa thắng, người bạn quay về các nhà vườn nhập tiếp để chuyển cho anh Tuấn đứng bán. Cứ như vậy, hết xe này đến xe khác, hàng về đến đâu là hết đến đó. Vui mừng vì lãi lớn, năm nay các anh lại tiếp tục nhập loại hàng này về bán.

Vất vả có, niềm vui cũng nhiều nhưng điều mà hầu hết người bán đào, bán quất nào cũng phải đối diện là tình trạng ế hàng vào chiều 30 tết. Thời điểm đó, hàng còn nhiều hay ít, người bán cũng đành bán đổ bán tháo cho hết đi chứ tiền thuê xe chở về còn quá tiền cây. Khách vì thế ra sức ép giá. Nhìn cây hoa, cây cảnh mình dày công chăm sóc cả vài năm trời bỗng trở nên rẻ rúng mà xót xa. Đã nhiều trường hợp, vì ức chế mà người bán buộc phải chặt bỏ hết cành, cây còn lại thay vì chấp nhận bán quá rẻ cho người mua vào chiều muộn 30 tết.

Một mùa đào, quất lại về, những người buôn bán cây cảnh lại tiếp tục công việc và hy vọng vào mùa vui dịp cuối năm.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-buon-ban-hoa-cay-canh-tet/131145.htm