'Chuyện buồn không của riêng ai' nhìn từ vụ giải thể Hội cổ động viên Nam Định

Hội cổ động viên bóng đá Nam Định quyết định giải thể sau 10 năm hoạt động không chỉ là chuyện nội bộ của địa phương này.

Trận Nam Định (áo trắng) thua Công an Hà Nội ngày 2/8. Ảnh: VPF.

Trận Nam Định (áo trắng) thua Công an Hà Nội ngày 2/8. Ảnh: VPF.

Đây còn là lời cảnh tỉnh cho nhiều câu lạc bộ khác cũng như chính Ban tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Một lần nữa, vấn đề màu cờ sắc áo, tinh thần thi đấu cao thượng trở thành thử thách tình yêu của những người hâm mộ bóng đá.

“Tình yêu bị phản bội”

Ngày 10/8, ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng ban Truyền thông Hội cổ động viên bóng đá Nam Định, cho biết, 100% thành viên Ban Chấp hành biểu quyết thông qua việc giải thể và dừng mọi hoạt động cổ vũ trên sân.

Ban Chấp hành hội không liên quan đến các hoạt động cổ vũ bóng đá của các thành viên, đồng thời khuyến cáo các thành viên trong lúc tiến hành giải thể, tuyệt đối thực hiện nghiêm chỉnh mọi quy định của Ban tổ chức sân, chính quyền địa phương cũng như quy định của pháp luật Nhà nước.

Về trang Facebook của hội được đổi tên thành “Bóng đá Nam Định Xưa và Nay” nhằm mục đích lưu giữ hình ảnh, phát huy truyền thống phong trào bóng đá Nam Định trong quá khứ, ở hiện tại và tương lai.

Về quyết định giải thể hội, ông Quân cho biết, lý do cụ thể thì đỉnh điểm là ngày 2/8. Đó là trận thua bẽ bàng của câu lạc bộ Nam Định trước câu lạc bộ Công an Hà Nội ở Thiên Trường.

Ông Quân nhấn mạnh: “Đó là trận thua khó hiểu khiến chúng tôi cảm thấy tình yêu, niềm tin bị phản bội. Sau đó, Hội cổ động viên bóng đá Nam Định đã họp và đi đến quyết định giải thể. Chúng tôi nhận thấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rồi. Lên V-League 6 năm thì có 5 năm là những mùa giải đua trụ hạng. Giờ đội Nam Định đã có nhà tài trợ mới, cầu thủ tốt và lương thưởng cao rồi. Nên chúng tôi dừng lại đúng lúc”.

Hội cổ động viên bóng đá Nam Định được hình thành từ năm 2013, tập hợp những người yêu và muốn cống hiến cho bóng đá Nam Định.

Theo ông Quân, những lúc khó khăn, hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, gắn bó chặt chẽ với đội bóng thành Nam trong nhiều hoạt động, đặc biệt là nguồn cổ vũ rất lớn trong những trận đấu trên sân khách.

Nhưng hiện tại giữa câu lạc bộ và hội có khoảng cách rất lớn. Sau trận thua ngày 2/8, lãnh đạo câu lạc bộ cũng như những người có trách nhiệm với đội bóng không gặp gỡ, trao đổi với Hội cổ động viên bóng đá Nam Định, động thái có thể hiểu là “xoa dịu nỗi đau”. Nếu điều đó xảy ra thì có thể không có quyết định giải thể ngày 10/8.

Cổ động viên Nam Định vứt trống xuống đường pitch sân Thiên Trường. Ảnh: Hội CĐV Nam Định.

Cổ động viên Nam Định vứt trống xuống đường pitch sân Thiên Trường. Ảnh: Hội CĐV Nam Định.

Trước trận Nam Định gặp Công an Hà Nội, đội bóng thành Nam đứng thứ năm V-Leauge 2023 với 23 điểm, kém đối thủ 5 điểm và đội dẫn đầu Hà Nội FC 6 điểm. Thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt về lý thuyết còn cơ hội đua vô địch, hoặc sáng cửa lọt vào top 3 khi mùa giải còn 4 vòng đấu nữa.

Theo thống kê, 9.000 khán giả Nam Định đến sân, biến Thiên Trường trở thành sân đấu đông thứ hai vòng đấu này, chỉ sau Hòa Xuân của SHB Đà Nẵng với 1 vạn khán giả. Thế nhưng, Nam Định ra sân với đội hình “không giống ai” với 8 sự thay đổi, nhiều cầu thủ trẻ, ít thi đấu được đá chính.

Thậm chí, sau khi dẫn bàn trước ở phút 63, ban huấn luyện đội bóng này quyết định thay người rất khó hiểu khiến hàng trăm cổ động viên Nam Định bức xúc bỏ về sớm.

Đặc biệt, bên ngoài sân, một cổ động viên đốt chiếc áo màu vàng truyền thống của câu lạc bộ. Thành viên Hội cổ động viên bóng đá Nam Định vứt trống xuống đường pitch khán đài B và ngừng cổ vũ, nhiều vật thể lạ được ném xuống sân cùng những tiếng chửi bới từ khán giả.

Cơn giận dữ và sự thất vọng của người Nam Định lên tới đỉnh điểm khi cầu thủ Ngô Đức Huy để bóng chạm tay “rất vô duyên” trong vòng cấm ở phút bù giờ thứ hai, tình huống khiến Nam Định thua ngược 1 - 2.

Trong những năm qua, sân Chùa Cuối, giờ mang tên Thiên Trường được ví như chảo lửa với sắc vàng rực rỡ của hàng nghìn cổ động viên Nam Định cuồng nhiệt. Và trong hoàn cảnh nào, cầu thủ thứ 12 này cũng luôn mang đến nguồn lực rất lớn cho đội bóng Nam Định.

Những người yêu bóng đá thành Nam từng quyên góp 50 triệu đồng, rồi 200 triệu đồng ủng hộ đội nhà trong giai đoạn thiếu thốn trầm trọng năm 2018. Vậy nên, chiếc áo đấu bị đốt, hay cái trống bị ném không thương tiếc xuống sân trở thành nỗi ám ảnh khắc khoải với người yêu bóng đá Nam Định. Đó là biểu hiện của nỗi đau khôn nguôi, sự thất vọng cùng cực của trái tim bị tổn thương ghê gớm, của niềm tin đã mất.

Nỗi đau của người Nam Định còn ở chỗ, mùa này Nam Định nhận được nguồn tài trợ rất lớn. Những khó khăn về “cơm, áo, gạo, tiền” không còn bủa vây đội bóng.

Chế độ lương thưởng được cải thiện rõ rệt, và đội bóng có điều kiện mua sắm cầu thủ phục vụ cho mục tiêu tranh chấp huy chương chứ không quanh quẩn với nỗi lo trụ hạng. Đội bóng thành Nam được xem là hiện tượng của V-League 2023, thậm chí có những thời điểm vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng.

Nhưng bước vào giai đoạn 2, dành cho những đội nhóm trên đua vô địch, thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt thua nhiều hơn thắng, ngày càng rời xa nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng. Và có những trận thua thật khó cắt nghĩa rõ ràng.

Khán đài sân Thiên Trường trong một trận đấu của Nam Định tại V-League 2023. Ảnh: ITN.

Khán đài sân Thiên Trường trong một trận đấu của Nam Định tại V-League 2023. Ảnh: ITN.

Hồi chuông cảnh báo

Sau trận thua bất thường của Nam Định, Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2023 đã có động thái nhưng cũng chỉ là nhắc nhở và… động viên.

Công văn của Ban tổ chức xác định, trận đấu ngày 2/8 trên sân Thiên Trường cho thấy Nam Định đã thể hiện tinh thần thi đấu không cao, không phản ánh đúng thực lực, trình độ hiện nay của câu lạc bộ, trái với tinh thần nội dung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Điều lệ giải và các quy định liên quan.

Sự việc trên đã gây nên sự phản đối của nhiều cổ động viên, người hâm mộ tại sân thi đấu và khán giả theo dõi trận đấu qua truyền hình. Sự việc này cũng gây ý kiến dư luận truyền thông không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của giải đấu nói chung và của câu lạc bộ Nam Định nói riêng.

Nhìn nhận sự việc như thế, song Ban tổ chức cũng chỉ đưa ra đề nghị lãnh đạo câu lạc bộ Nam Định rút kinh nghiệm trận đấu vừa qua, không để tiếp tục xảy ra sự việc tương tự; câu lạc bộ phải giáo dục, quán triệt và nâng cao ý thức nghề nghiệp cho toàn thể thành viên câu lạc bộ.

Đồng thời động viên các cầu thủ thi đấu nỗ lực, quyết tâm, đảm bảo đúng thực lực chuyên môn thi đấu khi tham dự các trận đấu, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo sự trung thực, công bằng kết quả các trận đấu, góp phần giữ gìn hình ảnh cho giải đấu nói chung và đội Nam Định nói riêng.

Trong khi đó, Ban tổ chức giải có thể căn cứ vào Mục 5 (Tiêu cực và Doping, Quy chế Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) để xem xét trận thua của Nam Định, từ đó có thể đưa ra quyết định mạnh mẽ, mang tính giáo dục hơn chỉ là nhắc nhở.

Bởi theo Điều 52 của Mục 5, thì diễn biến thực tế trên sân, báo cáo của các giám sát, tổ trọng tài, phản ứng của khán giả, ý kiến của công luận và băng ghi hình của trận đấu hoặc chứng cứ khác sẽ được xem xét để đánh giá trận đấu có tiêu cực hay không, và kèm với đó là những hình phạt tương ứng như phạt tiền, trừ điểm, treo giò có thời hạn hoặc vĩnh viễn, thậm chí hủy bỏ kết quả trận đấu.

Tuy nhiên, dường như Ban tổ chức không thật sự quyết liệt trong quan điểm xử lý cũng như hành động!?

Ở bất cứ đâu, nền bóng đá nào cũng vậy, bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả. Nhìn lại hơn 2 thập kỷ lên chuyên của bóng đá Việt Nam, nhiều đội bóng được hậu thuẫn bởi những doanh nghiệp lớn vẫn không thể tạo dựng được văn hóa, màu cờ sắc áo cũng như niềm tin.

Câu lạc bộ Nam Định trong những năm qua sở hữu tài sản vô giá, đó là tình yêu không giới hạn của người hâm mộ. Nhưng họ đã đánh mất, không dễ gì lấy lại! Vậy nên, Hội cổ động viên bóng đá Nam Định giải thể là gam màu xám không chỉ với bóng đá thành Nam, mà sâu xa hơn là cả nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Nhìn ra thế giới, bóng đá không đơn thuần là môn thể thao giải trí, thực sự nó đã trở thành nhu cầu không thể thiếu ở các quốc gia phát triển và trở thành thứ để hàng triệu triệu người gửi gắm tình yêu, sống chết cùng những vui buồn. Điều đó góp phần tạo ra bộ phận đông đảo cổ động viên trung thành, luôn bên cạnh đội bóng, bất chấp thăng trầm, sự thay đổi của lãnh đạo hay cầu thủ.

Có những gia đình 3, 4 thế hệ cùng yêu một đội bóng và họ đến sân để sống, được vui với tình yêu của mình, kể cả đội nhà xuống hạng. Tình yêu không giới hạn ấy đã góp phần làm nên những đội bóng tên tuổi vượt thời gian, không gian. Như ở Anh, rất nhiều đội bóng có tuổi đời cả thế kỷ, như Man United (ra đời 1878, 145 tuổi), Tottenham Hospur (1882), Arsenal (1886), Liverpool (1892), Chelsea (1905)…

Bóng đá Việt Nam thật hiếm, hay đúng hơn chưa có thứ tình yêu như thế. Nghịch lý ở chỗ, chúng ta không thiếu tình yêu, không ít cổ động viên trung thành.

Song tình cảm thiêng liêng ấy đặt ở đâu? Tình yêu cháy bỏng, trong sáng ấy đã không được giữ gìn, bồi đắp theo thời gian, bởi bóng đá Việt Nam đánh mất bản sắc, truyền thống. Những cái tên như Thể Công, Công an Hà Nội, Công an TPHCM, Công an Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp, Quảng Nam Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn, Hải Quan… từng sở hữu lực lượng đông đảo cổ động viên. Nhưng rồi khi chúng ta lên chuyên, các đội bóng tượng đài dần dần “biến mất”, kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong đó có cổ động viên.

Bên cạnh đó, nhiều đội bóng ra đời và tồn tại chỉ được vài năm như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Hòa Phát HN, Vissai Ninh Bình… hay gần đây như Than Quảng Ninh, Sài Gòn FC thì không thể tạo ra môi trường văn hóa cổ động viên.

Giờ đây, chuyện của Nam Định mùa này, hay Sông Lam Nghệ An mùa trước cho thấy vẫn còn tồn tại tư duy “thiếu chuyên nghiệp” của những người, thành phần đang mang trên mình chiếc áo chuyên nghiệp. Điều đơn giản với cổ động viên chỉ là khao khát được hít thở sân chơi chuyên nghiệp mà ở đó đội bóng con cưng của mình đá sạch, đẹp và cống hiến.

Hội cổ động viên bóng đá Nam Định giải thể một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hạn chế của V-League vẫn đang tồn tại, cũng như truyền tải thông điệp của khán giả về thứ bóng đá sòng phẳng, trung thực. Điều tưởng chừng đơn giản, tất yếu phải thế hiện vẫn còn là khao khát của rất nhiều cổ động viên.

Trưởng ban tổ chức V-League 2023 - ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết, cổ động viên không thể thiếu đối với mỗi đội bóng. Bóng đá thế giới nói chung sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu không có “cầu thủ thứ 12”.

Muốn cầu thủ đặc biệt này sống một cách “khỏe mạnh”, từ công tác tổ chức giải đến các đội bóng phải luôn nỗ lực hết mình, không làm niềm tin của “cầu thủ” đó bị xói mòn.

Các đội bóng cần duy trì sự tập trung, thi đấu hết sức trong suốt mùa giải, trong từng trận đấu. Điều này trước hết là vì danh dự của chính đội bóng, vì niềm tự hào của địa phương, không phụ lại sự yêu mến của khán giả.

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-buon-khong-cua-rieng-ai-nhin-tu-vu-giai-the-hoi-co-dong-vien-nam-dinh-post651412.html