Chuyện 'cá bé nuốt cá lớn' tại BGI Group (VC7)
Có tiềm lực yếu hơn công ty liên kết là IUC, nhưng BGI Group (doanh nghiệp 'gốc' Vinaconex) vẫn tự tin lên kế hoạch đạt quy mô nghìn tỷ từ năm 2023 nhờ vào tham vọng biến công ty liên kết thành công ty con để hợp nhất kết quả kinh doanh.
Phía sau khoản lãi gấp 22 lần cùng kỳ của BGI Group
Công ty cổ phần Tập đoàn BGI (HNX: VC7) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần tăng 2,4% so với cùng kỳ, lên mức 81,9 tỷ đồng. Giá vốn giảm, biên lợi nhuận gộp tăng, lợi nhuận gộp của BGI ghi nhận mức tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức hơn 10,8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, nhờ khoản “thu nhập khác” trị giá gần 11,7 tỷ đồng (kỳ trước hầu như không có) và phần lãi trong công ty liên kết 6,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 3,7 tỷ đồng), Công ty bất ngờ báo lãi sau thuế gần 22,2 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần so với con số hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị BGI, sở dĩ lợi nhuận tăng như trên là do doanh thu và lãi gộp của Công ty tăng, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm so với quý III/2022.
Đặc biệt, khoản thu nhập khác gần 11,7 tỷ đồng đến từ hoạt động chia lợi nhuận sau thuế của dự án hợp tác đầu tư Chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR1, CTR2 và khai thác quỹ đất xen ghép thuộc khu A Khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phần lãi trong công ty liên kết 6,7 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn IUC.
Sự cải thiện lợi nhuận quý III đóng góp quan trọng vào kết quả 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận lũy kế trước thuế và sau thuế lần lượt là 30 tỷ đồng (tăng 290% so với cùng kỳ) và 29 tỷ đồng (tăng 282%); mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm chỉ đạt 205 tỷ đồng (giảm 9,7% so cùng kỳ).
Có dòng tiền lớn từ hoạt động kinh doanh, song lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng đầu năm của BGI âm hơn 25,4 tỷ đồng, phần lớn do khoản chi 168 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, dư nợ vay tài chính của BGI giảm hơn 20% so với đầu năm còn gần 113,5 tỷ đồng. Trong đó, chiếm hơn 85% là từ các khoản vay ngân hàng trong ngắn hạn.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của BGI là 878 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm, chiếm 48,5% là các khoản phải thu với tổng giá trị 426 tỷ đồng. Toàn bộ khoản phải thu trong dài hạn 240 tỷ đồng đều đến từ hoạt động góp vốn dự án.
Một điều đáng nói nữa về doanh nghiệp này là luôn đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, nhưng những năm gần đây đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Trước đó, trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, công ty này đã kỳ vọng sẽ có quy mô nghìn tỷ vào năm 2023. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng dần qua các năm như sau:
Nhưng thực tế năm 2021, Công ty chỉ đạt doanh thu 124,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 14,9 tỷ đồng. Năm 2022 đạt 325,1 tỷ đồng; lợi nhuận 13 tỷ đồng.
Năm 2023, BGI đã điều chỉnh kế hoạch: doanh thu 417 tỷ đồng (tăng 28%); lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gấp 6,6 lần, đạt trên 85 tỷ đồng. Nếu đạt được chỉ tiêu này, đây sẽ là mức lợi nhuận chưa từng có của BGI và là mức doanh thu cao nhất 10 năm qua.
Tuy nhiên, hiện đã đi hết ba phần tư chặng đường, công ty mới thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và gần 35% chỉ tiêu lợi nhuận.
BGI có tiền thân là Công ty Xây dựng số 7 (Vinaconex 7), trực thuộc Bộ Xây dựng. Doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa vào năm 2001. Ngày 28/12/2007, cổ phiếu VC7 được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Vào năm 2017, sau khi Nhà nước thoái vốn khỏi Vinaconex, rồi Vinaconex cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi VC7. Năm 2020, công ty đổi tên thành BGI Group như hiện nay.
Từ khi niêm yết, sau 7 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của BGI Group đạt mức 480 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp công bố, BGI có 3 mảng hoạt động chính là bất động sản, xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng; trong đó, bất động sản chiếm tỷ trọng trên 70%. Doanh nghiệp đang đầu tư triển khai nhiều dự án tại khu vực miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế ….; trong đó có những dự án lớn như BGI Topaz Downtown nằm tại trung tâm mở rộng của TP. Huế, với quy mô 13,47 ha.
Mối quan hệ “chí cốt” giữa BGI Group và IUC Group
BGI và IUC đều từng là thành viên trong hệ sinh thái Vinaconex (IUC tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex - Vinaconex IUC). Năm 2014, Vinaconex thoái vốn tại IUC và năm 2017 thoái vốn tại BGI. IUC có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sàn giao dịch bất động sản, với các dự án của Vinaconex, Vimeco, Vinaconex 1, Vinaconex 3, BGI...
Hiện IUC là chủ đầu tư của một loạt dự án, trong đó có Khu A và Khu E Khu đô thị mới An Vân Dương (Huế), nhưng tất cả các tên thương mại đều lấy BGI. Vốn điều lệ của IUC là 750 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 480 tỷ đồng của BGI.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/10/2023, BGI có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX công bố về việc đã thông qua thực hiện cam kết tuân thủ đầy đủ quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích trong các giao dịch giữa BGI và công ty liên kết là IUC.
Theo đó, tại BGI, Chủ tịch HĐQT Hoàng Trọng Đức (SN 1975) đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 40,21% vốn điều lệ; vợ ông Đức là bà Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1981) nắm giữ 4,92%. Tại IUC, BGI đang sở hữu 39,47%; ông Đức và bà Thu nắm tới 60,08%; trong đó, ông Đức sở hữu 6,39% còn bà Thu sở hữu 53,69%.
Ông Hoàng Trọng Đức từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Vinaconex và một số công ty thành viên như: Kế toán trưởng Vinaconex 10, Tổng giám đốc Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel giai đoạn 2011 – 2017 (trước khi chuyển sang Vinaconex 7), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina 11, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Xuân; Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn IUC, Công ty cổ phần Vimeco (VMC); Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế, kiến trúc và thương mại Bằng Lăng.
Trong khi đó, vợ ông Đức là bà Nguyễn Thị Hoài Thu từng là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của IUC.
Mối quan hệ “chí cốt” như vậy nhưng hai công ty này đã từng là “đối thủ” trong dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, thuộc Khu E - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất của BGI, lên tới 1.800 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2021, cả BGI Group và liên danh IUC – Vinaconex 3 - Vimeco đều tham gia đấu thầu dự án nói trên. Thời điểm này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của IUC. Sau đó, mặc dù liên danh vượt qua vòng sơ tuyển nhưng dự án cuối cùng vẫn về tay BGI Group. Sự việc và mối quan hệ giữa hai nhà thầu đã khiến nhiều người quan tâm.
Mới đây, BGI Group thông báo chào bán 48 triệu cổ phiếu VC7 với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, ở mức 960,9 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được dự kiến sẽ đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương – Thuận An, thuộc khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương thông qua hình thức hợp tác đầu tư với IUC.
Kế hoạch này đã được cổ đông BGI thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra hôm 19/6/2023, cùng với kế hoạch tiếp tục mua cổ phần tại IUC để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%.
Trước đó, tham vọng "cá bé" thâu tóm "cá lớn" của BGI đối với IUC đã được ông Hoàng Trọng Đức công bố tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của BGI hồi tháng 6/2021. Theo đó, ông Đức nói với cổ đông rằng, tại các dự án ở Hòa Bình và Thừa Thiên Huế mà liên danh IUC và BGI đã được phê duyệt làm chủ đầu tư, tỷ lệ sở hữu của BGI là 30% và IUC là 70%. Khi BGI nắm trên 51% cổ phần và IUC sẽ trở thành công ty con, BGI sẽ được hợp nhất kết quả kinh doanh của IUC vào các báo cáo tài chính của mình.
Hiện bà Thu, vợ ông Đức đang nắm giữ tới 53,69% vốn điều lệ của IUC, do đó tham vọng tăng sở hữu của BGI tại IUC lên trên 51% không có cách nào khác là phải được nhận chuyển nhượng cổ phần từ bà Thu.
Sau công bố này, cùng với bản kế hoạch kinh doanh 2023 đầy hi vọng tươi sáng, cổ phiếu VC7 của BGI được coi là “hiện tượng” của thị trường chứng khoán khi tăng giá gần 200%, từ mức 7.000 đồng/cổ phần (phiên 4/5) lên mức 21.400 đồng phiên 12/6, trước khi hạ nhiệt và giao dịch quanh mức 17.400 đồng hiện nay.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (28/11/2023).
Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến sẽ thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.
Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các Doanh nghiệp & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023. Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.
Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-ca-be-nuot-ca-lon-tai-bgi-group-vc7-post332664.html