Chuyện các bé thú sinh ra ở Thảo Cầm Viên
Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã bước sang tuổi 160, những năm gần đây nhiều bé thú quý hiếm đã được thuận lợi sinh ra tại 'khu rừng nhiệt đới' thu nhỏ giữa lòng TP.
Mới ngày nào, bé gấu Noel còn nhỏ xíu được anh Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên, bế trên tay ru ngủ giờ đã bốn tuổi. Thấy anh Trực đến thăm, Noel đang leo cây vội vàng tuột xuống chạy ra í ới, đưa hai tay về phía trước như đòi bế.
Hạnh phúc khi làm “bảo mẫu”
Anh Trực chia sẻ cái tên Noel của bé gấu là do bé được sinh ra gần đêm Giáng sinh. Việc Noel ra đời cũng đánh dấu sé gấu là do bé được sinh ra gần đêm Giáng sinh. Việc Noel ra đời cũng đánh dấu sưự̣ kiện lần đầu tiên Thảo Cầm Viên cho sinh sản thành công loài gấu chó trong điều kiện nuôi nhốt.
Khi mới sinh ra Noel, gấu mẹ không cho con bú nên bé được “bảo mẫu” là các cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú chăm sóc. Ngày tháng trôi qua, Noel dần lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người.
“Mỗi lần tôi ra thăm, Noel rất muốn được bế, được cho bú bình sữa như ngày còn nhỏ. Song vì quy định không được tiếp xúc gần nên tôi chỉ có thể đứng đó trò chuyện với bé mà thôi” - anh Trực cho hay.
Ngoài Noel, anh Trực còn là “bảo mẫu” của nhiều bé gấu, rái cá, voọc, mèo rừng… bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh ra. “Chăm sóc các bé thú không khác gì chăm con nít. Đêm đến, tôi trải ghế bố nằm cạnh tụi nhỏ, vì có những bé rái cá bú sữa xong muốn phải có người chơi cùng; hay những bé voọc thích leo lên người tôi nằm chơi rồi… ngủ luôn” - anh Trực cười đôn hậu.
Gắn bó với công việc chăm sóc thú, những “bảo mẫu” luôn phải đối diện với những nguy hiểm, rủi ro bị thú tấn công, nguy cơ nhiễm trùng vết thương, đặc biệt là bệnh lây khi tiếp xúc với động vật. “Khi đã yêu nghề thì những thứ kể trên chỉ coi là chuyện nhỏ. Hạnh phúc hơn cả là chúng tôi được làm công việc yêu thích, ngày ngày chăm sóc, nhìn thú khỏe mạnh lớn lên” - anh Trực tâm sự.
Nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập, Thảo Cầm Viên miễn phí vé cho khách tham quan có sinh nhật vào tháng 3. Ngày kỷ niệm thành lập (23 và 24-3), khách tham quan sẽ được tặng một móc khóa, đặc biệt ai có sinh nhật trùng sinh nhật của Thảo Cầm Viên sẽ được nhận thêm một phần quà.
Có thâm niên 27 năm chăm sóc thú tại Thảo Cầm Viên, anh Doãn Duy Hùng coi các con thú ở đây như những người bạn. “Nhiều người thắc mắc sao tôi cứ làm mãi công việc cả ngày chơi với thú? Vậy mà tôi lại vui và yêu công việc này. Tôi tự hào vì mình đã góp sức bảo tồn các loài vật quý hiếm, trong đó nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng” - anh Hùng bày tỏ.
Cũng theo anh Hùng, mỗi lần quay lại Thảo Cầm Viên sau những ngày nghỉ phép, đàn thú lại vui mừng nhảy cẫng lên, quấn quýt bên anh như những đứa trẻ mừng cha đi xa về. “Cảm giác đó ấm áp lắm. Còn vài năm nữa tôi về hưu, chắc chắn tôi sẽ rất nhớ chúng…” - anh trầm giọng.
Liên tục đổi mới để trở thành điểm đến hấp dẫn
Ông Phạm Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhắc mãi về ân tình của người dân, chính quyền TP và cán bộ, nhân viên dành cho Thảo Cầm Viên giai đoạn dịch COVID-19. Nhờ vậy mà dù cách ly, thú vẫn được đảm bảo sức khỏe, số lượng.
Lý giải về những năm gần đây có nhiều bé thú chào đời ở Thảo Cầm Viên, ông Dũng cho hay một phần vì số lượng đàn thú lớn (trên 2.000 con), phần nữa do khẩu phần thức ăn phù hợp, thời tiết thuận lợi, điều kiện chăm sóc tốt nên động vật sinh sản nhiều.
“Đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề như không gian sống, phòng ngừa dịch bệnh, điều kiện chăm sóc… Cạnh đó, các quy định, cơ chế trao đổi, tái thả thú về tự nhiên nên có sự đổi mới để phù hợp với thực tế” - ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, dù có tuổi đời 160 năm nhưng Thảo Cầm Viên vẫn chưa được công nhận là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. “Nếu TP tạo điều kiện để được công nhận thì Thảo Cầm Viên sẽ phát triển mạnh hơn, công tác tái thả dễ hơn” - ông Dũng đề xuất, đồng thời cho hay thời gian tới Thảo Cầm Viên sẽ chú trọng hướng đến các chương trình giáo dục bảo tồn thông qua các mẫu vật trưng bày trong bảo tàng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thảo Cầm Viên trong tương lai, TP.HCM đã chỉ đạo việc quy hoạch xây dựng một vườn động thực vật mới với diện tích gần 487 ha tại hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Hiện ở huyện Củ Chi đã có hệ thống chuồng trại, một số loài đã được đưa lên đó như vượn, chim trĩ, hươu, linh dương Đông Phi… Cạnh đó là một số động vật lớn tuổi nhằm giảm tải số lượng thú tại Thảo Cầm Viên.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn
một trong những vườn thú lâu đời nhất thế giới
Thảo Cầm Viên được xây dựng năm 1864 với tên gọi Vườn Bách Thảo. Người có công xây dựng nên Thảo Cầm Viên là Đô đốc Toàn quyền Đông Dương Pierre-Paul De La Grandìere.
Thời gian đầu mở cửa cho công chúng vào tham quan, vườn có 509 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim và 45 loài bò sát. Đến nay, Thảo Cầm Viên có 2.160 cây xanh với khoảng 382 loài và 2.144 động vật thuộc 128 loài. Trong đó, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như cây gỗ đỏ, giáng hương, trĩ sao, báo lửa, hổ Đông Dương, voi châu Á…
Các loài động vật nhập ngoại cũng sinh trưởng phát triển tốt tại đây như hươu cao cổ, hà mã, ngựa vằn, sư tử, hổ Bengal, hà mã...
VÕ THƠ
Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-cac-be-thu-sinh-ra-o-thao-cam-vien-post781208.html