Chuyển các trung tâm y tế về trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý: Kỳ vọng sớm tháo gỡ được những khó khăn

Từ 1/7/2023, các trung tâm y tế (TTYT) trên địa bàn tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Lý chính thức chuyển về UBND huyện, thị, thành phố quản lý. Việc chuyển các TTYT về trực thuộc UBND các huyện, thị, thành phố tạo thuận lợi trong kiểm tra giám sát, thống nhất sự chỉ đạo của chính quyền và cấp ủy địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt khi chuyển về địa phương quản lý trực tiếp sẽ có sự cụ thể, quyết liệt hơn trong tháo gỡ những khó khăn vốn tồn tại đã lâu ở các TTYT.

Từ 1/7/2023, các trung tâm y tế (TTYT) trên địa bàn tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Lý chính thức chuyển về UBND huyện, thị, thành phố quản lý. Việc chuyển các TTYT về trực thuộc UBND các huyện, thị, thành phố tạo thuận lợi trong kiểm tra giám sát, thống nhất sự chỉ đạo của chính quyền và cấp ủy địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt khi chuyển về địa phương quản lý trực tiếp sẽ có sự cụ thể, quyết liệt hơn trong tháo gỡ những khó khăn vốn tồn tại đã lâu ở các TTYT.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người đều khó

Trước khi chuyển về UBND huyện, thị, thành phố quản lý các TTYT đều tồn tại nhiều khó khăn: Con người thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu. Ông Nguyễn Ngọc Luyện, Giám đốc TTYT thị xã Duy Tiên cho biết, về con người trung tâm thiếu 19 người, ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm cũng như các trạm y tế (TYT). Nhiều TYT không có bác sỹ, trung tâm phải cử bác sỹ của đơn vị xuống tăng cường nhưng cũng chỉ được một số thời gian nhất định trong năm bởi ngay ở trung tâm cũng thiếu nhân lực. Về cơ sở vật chất, các TYT cơ bản đã được xây dựng khang trang, nhưng vẫn còn TYT Đồng Văn xuống cấp trầm trọng chưa được xây dựng mới. Cơ sở vật chất tại TTYT cũng xuống cấp do xây dựng đã lâu. Trang thiết bị vừa cũ vừa thiếu. Ví dụ máy siêu âm phải sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng vẫn cố dùng vì chưa có kinh phí mua máy mới. Cách xa các bệnh viện của tỉnh, trung tâm rất cần một máy chụp cắt lớp CT để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cũng như phục vụ nhu cầu người dân, nhưng đây vẫn chỉ là mơ ước xa vời. Trang thiết bị của trung tâm vừa cũ, vừa thiếu khiến cho nhiều người dân phải đến các bệnh viện, phòng khám tư khu vực Đồng Văn và bên tỉnh bạn Hưng Yên để KCB, vừa xa hơn, chi phí tốn kém hơn. Chính điều này làm cho việc thực hiện tự chủ chi thường xuyên ở trung tâm ngày một khó khi lượng bệnh nhân đến trung tâm KCB giảm. Mỗi ngày trung tâm có khoảng 200-300 lượt người dân đến KCB ngoại trú, số điều trị nội trú khoảng 70 người, ít hơn trước đây.

Khám bệnh cho người dân tại TTYT huyện Thanh Liêm. Ảnh: Đan Vũ

Ông Dương Hữu Duẩn, Giám đốc TTYT Kim Bảng cho biết: Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn cả về con người và trang thiết bị phục vụ KCB. Về nhân lực so với chỉ tiêu còn thiếu, nhất là bác sỹ. Hiện trung tâm có 43 bác sỹ trong khi thực tế cần khoảng 60 bác sỹ. Cơ sở hạ tầng các phòng đã xuống cấp cần sửa chữa, xây dựng mới nhưng chưa có kinh phí. Trang thiết bị sử dụng lâu đã cũ, lạc hậu, hoặc hỏng. Ví dụ máy nội soi tiêu hóa đã hỏng, hiện “đắp chiếu” để một chỗ, chưa có siêu âm màu,... trung tâm chưa có các trang thiết bị hiện đại.

Những khó khăn trên đã tồn tại từ khá lâu ở các TTYT, và trong mấy năm trở lại đây càng trở nên khó khăn hơn bởi tập trung chống dịch Covid-19 nên nguồn thu bị hạn chế. Cùng đó các TTYT đều bị nợ quỹ bảo hiểm y tế nhiều, dẫn đến không có kinh phí để tái đầu tư. Sau đại dịch Covid-19 các đơn vị: Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm được đầu tư kinh phí tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất nên cũng cơ bản giải quyết được cái khó về hạ tầng. Nhưng các đơn vị còn lại gồm: Duy Tiên, Kim Bảng, Phủ Lý vẫn ở trong tình trạng “khó tứ bề”: Đội ngũ thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ, lạc hậu, hỏng, không đầy đủ.

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương

Sau khi tiếp nhận chuyển giao, cấp ủy và chính quyền các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động tổ chức các cuộc họp với TTYT trên địa bàn quản lý để nắm bắt tình hình, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn, đồng thời nghiên cứu, xem xét để có hướng tháo gỡ, giải quyết. Ông Dương Hữu Duẩn, Giám đốc TTYT Kim Bảng cho biết: Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện đã có buổi làm việc với trung tâm, nghe báo cáo về những thuận lợi, khó khăn, tiếp thu những đề xuất. Thực hiện sự chỉ đạo, các phòng chức năng của huyện đang phối hợp với trung tâm giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, tài chính kế toán, quy hoạch trung tâm... Đơn vị tư vấn đang thực hiện quy hoạch tổng thể TTYT. Theo quy hoạch này trung tâm sẽ rộng hơn, xây dựng thêm nhiều đơn nguyên mới. Trung tâm cũng đang đề xuất mua máy siêu âm màu trong năm 2024, mua ghế răng, dụng cụ khám chuyên khoa mắt, chuyên khoa răng hàm mặt, chuyên khoa tai-mũi-họng, nội soi tiêu hóa với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. Thực tế đang có nhiều khó khăn nhưng bức tranh trước mắt về sự phát triển của trung tâm đang rõ nét dần…

Ông Nguyễn Ngọc Luyện, Giám đốc TTYT thị xã Duy Tiên chia sẻ: Khi chuyển về trực thuộc UBND thị xã gần gũi và trực tiếp hơn, phân trách nhiệm rõ ràng hơn, tôi cũng như anh em ở trung tâm kỳ vọng những khó khăn của đơn vị sớm được quyết liệt tháo gỡ. Và thực tế đúng như thế. Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao thị xã đã chủ động tổ chức họp với trung tâm nắm tình hình, xem xét những khó khăn để sớm có hướng tháo gỡ.

Đối với các TTYT: Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm được đầu tư nguồn kinh phí sau đại dịch Covid-19 để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới phòng ốc, nên khó khăn về cơ sở vật chất đã có hướng giải quyết. Ví dụ như ở TTYT huyện Thanh Liêm nhờ nguồn kinh phí này đang tiến hành xây 1 khu nhà cấp cứu 2 tầng và 1 khu chống nhiễm khuẩn 1 tầng. Khi hoàn thành cơ bản giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, về nhân lực trung tâm vẫn đang thiếu tới 29 người so với chỉ tiêu tỉnh giao và còn nợ quỹ bảo hiểm y tế nhiều,… Thường trực Huyện ủy đã làm việc với trung tâm nắm bắt tình hình, tập trung vào những khó khăn, vướng mắc như thiếu nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị,… Kết luận buổi làm việc Thường trực Huyện ủy đề nghị TTYT phối hợp với các phòng, ban liên quan rà soát, quy hoạch, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ, quy hoạch cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị…

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương sau khi tiếp nhận các TTYT cho thấy chủ trương chuyển các TTYT về trực thuộc UBND huyện, thị, thành phố quản lý bước đầu phát huy hiệu quả. Cán bộ, nhân viên các TTYT cũng như ngành Y tế nói chung và người dân kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc sớm được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, để hệ thống y tế cơ sở có đủ điều kiện thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/y-te/chuyen-cac-trung-tam-y-te-ve-truc-thuoc-ubnd-huyen-thi-xa-thanh-pho-quan-ly-ky-vong-som-thao-go-duoc-nhung-kho-khan-103804.html