Chuyện cái nhà vệ sinh
Vấn đề nhà vệ sinh trong trường học vốn đã là đề tài trăn trở, bức xúc từ nhiều năm qua, nhất là mấy năm gần đây.
Không phải chỉ ở cuộc gặp mặt 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương hôm 16/11, các thầy, cô giáo mới chia sẻ, kiến nghị về tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong đó nổi cộm là nhà vệ sinh của học sinh. Vấn đề nhà vệ sinh trong trường học vốn đã là đề tài trăn trở, bức xúc từ nhiều năm qua, nhất là mấy năm gần đây.
Xung quanh cái nhà vệ sinh ở trường học có lẽ có đến 1001 câu chuyện. Rằng có em học sinh ở Hà Nội từng không dám đi vệ sinh ở trường vì bẩn quá, cố gắng nín nhịn, đến nỗi bị bĩnh ra quần trên đường về nhà. Rồi không ít trường mẫu giáo vùng cao như điểm trường Hoa Thiên Lý ở Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) không có nhà vệ sinh, phải sắm bô cho các cháu, phải đi nhờ nhà dân...
Vấn đề nhà vệ sinh cho học sinh thực sự đã rất “nóng”. Trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Đam đã đi khảo sát nhiều nơi và thấy “rất lo lắng khi tận mắt nhìn chứng kiến nhà vệ sinh của các em”.
Vì sao một vấn đề quan trọng, bức xúc, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo? Thực tế có tình trạng như trên là do một thời gian dài, người ta chưa quan tâm, coi trọng đến vai trò thực sự của cái nhà vệ sinh, kể cả nhà ở cũng như trong trường học. Cho đến thời gian gần đây, khi xã hội phát triển, nhu cầu sống cao, thì thấy vai trò, nhu cầu về cái nhà vệ sinh sạch sẽ rất quan trọng…
Cho dù thời gian qua, các cấp, các ngành đã lưu tâm, nhưng chuyện cái nhà vệ sinh trong trường học vẫn chưa hết “nóng”. Năm 2019, tỉnh Gia Lai rà soát thấy phải sửa đến hơn 1.500 nhà vệ sinh, vẫn còn thiếu 1.800 nhà vệ sinh. Hà Nội cũng đã phải đưa ra số kinh phí khoảng 400 tỷ đồng để cải tạo khoảng 2.700 nhà vệ sinh ở các trường học.
Để cho mọi cái nhà vệ sinh trường học sạch sẽ cũng như có đủ nhà vệ sinh cho các em học sinh cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Như cô giáo ở huyện Krông Păk than, “xin miết mà có được đâu, bao nhiêu tờ trình rồi”. Bên cạnh vấn đề kinh phí cũng còn nhiều vấn đề như lãng phí, tiêu cực, hay nhà vệ sinh hiệu trưởng thì sạch sẽ, hiện đại, của học sinh thì bẩn thỉu, sơ sài; rồi việc duy trì bảo quản, giữ gìn vệ sinh hàng ngày; cần thêm giải pháp như xã hội hóa...
Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên vẫn là vấn đề nhận thức. Nếu thật sự quan tâm đến trẻ thơ, mọi khó khăn đều có thể giải quyết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-cai-nha-ve-sinh-524059.html