Chuyện cấm 'cồn' khi lái xe: Đánh trúng thứ 'khoái cảm' vô ý thức bấy lâu!

Suốt một tuần qua, dư luận liên tiếp được 'làm nóng' với thông tin xoay quanh Nghị định 100/2019/NĐ-CP, theo đó xử phạt nặng những lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể mà điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều luồng ý kiến ủng hộ, băn khoăn, tranh luận... nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng nhận ra: Nghị định 100 ra đời đã đánh trúng vào thứ 'khoái cảm' vô ý thức bấy lâu nay của một bộ phận không nhỏ những người tự nhận là phái mạnh!

Buổi sáng, khi bước chân vào hàng phở quen thuộc, tôi tìm được chỗ ngồi là góc bàn vừa có 2 người đàn ông đứng dậy. Nhưng chưa kịp ngồi vào chỗ, tôi đã khựng lại với một ấn tượng khó chịu trước hình ảnh đập vào mắt: Dưới chân ghế là la liệt giấy ăn đã dùng, cùng tăm và vô số loại rác khác!

Điều đáng nói, thùng rác được đặt ngay cạnh đó, ở vị trí "ném ra ngoài còn khó hơn ném vào trong", nhưng họ - những người đàn ông vừa đứng dậy trước tôi - vẫn chọn cách... khó hơn, là ném thẳng rác xuống chân...

Không dễ để kiểm tra những người đã có hơi men, vì không ít người tỏ thái độ "xấu xí" khi bị yêu cầu thổi để kiểm tra nồng độ cồn (ảnh minh họa)

Không dễ để kiểm tra những người đã có hơi men, vì không ít người tỏ thái độ "xấu xí" khi bị yêu cầu thổi để kiểm tra nồng độ cồn (ảnh minh họa)

Buổi chiều, lúc bước vào nhà vệ sinh dành cho nam trong một quán ăn, tôi lại có một ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp, tương tự khi sáng: Nhà hàng cẩn thận tới mức bố trí từng gạt tàn thuốc trên nóc mỗi chiếc bồn, bên cạnh là tờ giấy ghi "Xin hãy bỏ mẩu thuốc, bã kẹo cao su vào đây!". Nhưng, trong chiếc bồn tiểu vẫn có thứ rác vô ý thức đó, bất chấp gạt tàn ở ngay cạnh.

Những lúc như vậy, tôi tự hỏi, tại sao những người tự nhận bản thân là "phái mạnh" đó lại có thể hành động xấu xí đến thế?

Việc phạt nặng lái xe điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong cơ thể đã được đông đảo dư luận ủng hộ

Việc phạt nặng lái xe điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong cơ thể đã được đông đảo dư luận ủng hộ

Tự hỏi thì cũng tự trả lời, tôi ngẫm rằng, có lẽ họ có một khoái cảm riêng, thứ khoái cảm tệ hại có được khi phá vỡ quy tắc chung, bất biết những người khác sẽ nghĩ gì, cảm thấy gì (vì có ai chứng kiến và lên án hành vi đó đâu?).

Nếu không vì thứ khoái cảm "phá luật" đó, thì vì lẽ gì mà họ chọn việc khó làm hơn, xấu xí hơn để thực hiện?

Giờ trở lại câu chuyện "cấm cồn" sôi nổi suốt cả tuần qua! Chỉ cần tìm lấy một vị trí lọt thỏm trong quán bia, quán rượu, bạn sẽ dễ dàng nghe những tiếng hò dô, những lời nói kẻ cả, tự tin thái quá phát ra từ những cái miệng sặc sụa mùi bia rượu, từ những khuôn mặt đỏ tía tai thường trực "câu lệnh": Hết mình! Trăm phần trăm!

Cho tới khi có Nghị định 100, câu tuyên truyền "Uống có trách nhiệm" mới phát huy được tác dụng

Cho tới khi có Nghị định 100, câu tuyên truyền "Uống có trách nhiệm" mới phát huy được tác dụng

Nhìn cách họ uống, cách họ nói năng và biểu đạt thứ "khoái cảm" phá luật và vô trách nhiệm khi lát sau sẽ cầm lái đi về, tôi chợt nghĩ: Nếu không có sự ràng buộc nghiêm khắc của pháp luật, thì chắc chắn những câu khẩu hiệu như "Uống có trách nhiệm!", "Đã uống rượu, bia thì không lái xe!" đều vô nghĩa!

Không thể có sự nương nhẹ nào để rồi trông chờ vào ý thức của những người "nốc" bia, rượu đó!

Còn nhớ, cách đây vài năm, khi xảy ra những vụ TNGT do "ma men" cầm lái, tôi đã ghi nhận luồng ý kiến đề xuất rằng, cần tịch thu phương tiện của người gây tai nạn mà có nồng độ cồn trong cơ thể. Lúc đó, luồng ý kiến phản đối rất mạnh mẽ, vì người ta chưa quen với một biện pháp mạnh tay để giải quyết tình hình.

Sự vắng vẻ của các quán bia, rượu cho thấy một thực tế từng diễn ra: Có rất nhiều người chủ quan và coi thường pháp luật khi sẵn sàng cầm lái sau cuộc nhậu

Sự vắng vẻ của các quán bia, rượu cho thấy một thực tế từng diễn ra: Có rất nhiều người chủ quan và coi thường pháp luật khi sẵn sàng cầm lái sau cuộc nhậu

Đề xuất chìm vào quên lãng, nhưng các vụ TNGT với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn do bia, rượu đứng sau đã khiến dư luận thay đổi. Mức phạt nặng, rất nặng đang được áp dụng đối với những người không tuân thủ luật "cấm cồn" khi tham gia giao thông. Luồng ý kiến ủng hộ đang chiếm tỉ lệ áp đảo... Đó là một chỉ dấu vô cùng đáng mừng, thể hiện được sự văn minh trong ý thức xã hội.

Tôi viết những dòng này khi đã đối mặt với không ít "ma men" vi phạm luật giao thông từng bị chặn dừng. Phản ứng trước ống kính phóng viên, hoặc họ lao vào đòi hành hung, hoặc thách thức, hoặc chửi bới và có những hành vi xấu xí không tiện mô tả ở đây.

Nếu nhìn cách hành xử ấy, mọi người sẽ lập tức nhận ra thứ biểu hiện "khoái cảm" phá luật đã đề cập ở trên...

"Uống có trách nhiệm!" đã là lời kêu gọi vô nghĩa, đối với những người tự nhận là phái mạnh khi bước vào cuộc rượu. Với họ, mạnh tức là uống càng nhiều, thể hiện càng "oai" thì càng tốt (?!), và đương nhiên 2 chữ "trách nhiệm" nhanh chóng bị quên lãng sau những tiếng cạch ly giòn tan. Giờ đây, khi Nghị định 100 đi vào hiệu lực, trách nhiệm đó không còn là sự tự ý thức nữa rồi. Nếu uống rượu, bia vô trách nhiệm, cái giá phải trả là rất nhiều tiền, và cả những điều luật răn đe nghiêm minh nữa!

Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/chuyen-cam-con-khi-lai-xe-danh-trung-thu-khoai-cam-vo-y-thuc-bay-lau/839169.antd