Chuyện cấp 'cái căn cước' ở Mường Nhé

'Cán bộ cấp 'cái căn cước' cho chúng tôi đi' là câu nói đầy háo hức của đồng bào tại các điểm làm căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn huyện Mường Nhé. Ở nơi cực Tây đầy khó khăn này, chiến dịch cấp căn cước đã và đang diễn ra quyết liệt. Xoay quanh 'cái căn cước', có những câu chuyện cười ra nước mắt…

Những tình tiết… không tên

Đầu giờ chiều một ngày tháng 5, trời nắng như đổ lửa, phòng cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử (CCCD) tại trụ sở Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có rất đông bà con dân bản. Không khí làm việc nhịp nhàng nhưng hết sức khẩn trương.

"Chị Giàng Thị Cá ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn đâu nhỉ, "châu tề" (tiếng Mông nghĩa là "rửa tay") một phút nhé". Nghe Thiếu tá Lò Văn Hường giục giã, chị người Mông sục vội hai tay vào thùng nước để ở góc phòng.

"Ồ không, phải ngâm tay lâu một chút, rồi rửa sạch cái tay trước khi lấy dấu vân tay chứ. Sau đó chị Cá lau khô tay bằng cái khăn kia nhé", Thiếu ta Hường hướng dẫn tỉ mỉ. Nhưng anh vừa nói câu trước, câu sau đã thấy chị người Mông đi thẳng ra phía cổng trụ sở Công an huyện.

Thiếu tá Hường chạy theo gọi với, thì ra chị Cá định đi về, vì cứ nghĩ thế là đã làm CCCD xong xuôi. Đến công đoạn lấy dấu vân tay, chị Cá một tay bế đứa con nhỏ, một tay đặt lên máy, vẻ mặt căng thẳng, tay cứng đơ.

Thiếu tá Hường nhìn chị cười: "Chị Cá phải "ua tê mùa mùa" (tiếng Mông nghĩa là "mềm mại cái tay") thì mới lăn tay được. Đơn giản lắm, không hề đau đâu". Để chị Cá rảnh rang đôi tay, Thiếu tá Hường nhờ một đồng nghiệp đứng bên bế con giúp chị.

Thiếu tá Lò Văn Hường làm căn cước công dân cho bà con.

Thiếu tá Lò Văn Hường làm căn cước công dân cho bà con.

Ở bàn bên cạnh, bộ phận chụp ảnh cũng đang bận túi bụi. "Anh Vàng A Thưa lấy lược chải đầu nhé… Thẳng lưng lên nào. Nhìn máy ảnh chứ không nhìn xuống đất. Xoay mặt sang bên trái một chút, bên trái là bên tôi giơ tay đây nhé. Thế, thế… Đẹp trai nhất bản rồi" - Trung úy Lò Văn Dưỡng kiên nhẫn hướng dẫn từng chút một.

Anh bảo, bà con ít khi được chụp ảnh nên những thao tác tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng lạ lẫm. Phải chỉnh tư thế, trang phục cho bà con đến khi nào máy chụp báo tất cả các tiêu chí về ảnh đã được đáp ứng thì mới chụp được. Chỉ cần một tiêu chí còn báo đỏ là lại phải chỉnh và chụp lại.

Đến lượt chị Giàng Thị Cá chụp ảnh, chị phân trần: "Tôi muốn chụp ảnh phải xinh, cán bộ đừng bắt tôi bỏ tóc xuống". Trung úy Dưỡng cười bảo: "Chị cứ búi tóc thấp xuống một chút, như thế máy ảnh mới chụp được hết gương mặt chị. Máy ảnh này tốt nhất huyện, chị chụp chỉ có xinh". Nghe thế, chị Cá gỡ mái tóc và búi thấp xuống sau gáy và yên tâm chụp ảnh.

Có chứng kiến cảnh các đồng chí ở Đội Cảnh sát QLHC về TTXH công an huyện Mường Nhé làm việc trong những ngày hè oi bức, mới thấy công cuộc cấp CCCD ở vùng cao khó khăn, nhiều chi tiết nhỏ cần xử lý đến nhường nào.

Không hề thấy trên gương mặt các cán bộ làm căn cước ở đây sự khó chịu, cáu gắt, vì họ đã quen với một nghìn lẻ một lí do, tình tiết không tên. Các anh bảo, bà con đã có tinh thần vượt đường xa đến tận đây làm căn cước thì cán bộ phụ trách phải tận tình hướng dẫn, có như vậy thì mới đẩy nhanh tiến độ được.

Phía ngoài hiên, chị Thầu Thị Sau và bà Mùa Thị Phua ở bản Co Lóc 1, xã Mường Nhé đang đợi đến lượt làm căn cước. Hai người phụ nữ có vẻ thích chụp ảnh, cứ đứng bên cạnh sửa sổ nhìn vào phòng và rúc rích cười.

"Hôm trước cán bộ có đến tận xã làm căn cước nhưng mình bận đi nương. Cả bản đi làm hết rồi, sắp được nhận "cái căn cước" rồi, hôm nay mình phải đi thôi", chị Sau hào hứng kể.

Cạnh phòng làm căn cước là phòng trả thẻ CCCD, cũng nhộn nhịp không kém. Bà con các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì rủ nhau đi bộ từng tốp đến nhận thẻ, nói chuyện bằng tiếng đồng bào rất rôm rả.

Thượng tá Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng Công an huyện đang lấy thông tin và trả thẻ cho bà con. Chị Mùa Thị Ly ở xã Mường Nhé bảo phải giữ gìn "cái căn cước" thật cẩn thận như lời cán bộ dặn, không để mất, không làm gãy hỏng, vì sau này có nhiều việc dùng đến. Ra đến sân mà chị Ly vẫn ngắm nghía chiếc thẻ có in ảnh mình, ra chiều vui lắm.

Bát cháo lúc nửa đêm

23 giờ đêm, điểm làm CCCD ở xã Chung Chải vẫn nhộn nhịp. Bà con đi nương về lúc chập tối là vượt đường xa từ bản đến trung tâm xã làm CCCD, nhiều người chưa kịp ăn tối, áo quần còn lấm lem bùn đất.

Tội nhất là một bà mẹ mang theo ba con nhỏ đi bộ đến đây, lúc làm xong CCCD thì trời đã khuya chẳng thể về nhà, bọn trẻ quấy khóc vì đói. Không thể để bà con nhịn đói được, vậy là các cán bộ công an nhanh chóng phối hợp với xã nấu cháo phục vụ tại chỗ.

Những buổi tối các ngày sau đó, ở nhiều điểm làm CCCD khác, anh em ngoài việc làm căn cước còn mua nước, nấu cháo, phát bánh mỳ phục vụ bà con lúc đêm khuya. Cơn đói qua đi, bà con ấm bụng, hăng hái làm CCCD xuyên đêm.

Đó là câu chuyện mà Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé kể lại những ngày cao điểm triển khai chiến dịch cấp CCCD trên địa bàn huyện.

Anh bảo, để chiến dịch cấp CCCD diễn ra hiệu quả thì trước đó Công an huyện Mường Nhé đã tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền đến từng thôn bản. Nhờ hiểu rõ được những lợi ích của việc làm CCCD nên phần lớn bà con đều hào hứng tham gia.

Từ giữa tháng 3, hai tổ máy làm CCCD bắt đầu vào chiến dịch. Hai tổ phải di chuyển máy đến làm trực tiếp tại tất cả 11 xã của huyện. Để thuận lợi cho bà con, có xã địa bàn rộng thì phải chia thành 2-3 điểm làm.

Những ngày vác máy vào bản là những ngày không thể nào quên. Hẹn bà con đến từ 6 giờ sáng, nên anh em phải dậy từ rất sớm, trời còn mờ tối đã lên đường. Người lái xe máy, người ngồi sau vác lỉnh kỉnh máy móc, đồ đạc, hồ sơ, giấy tờ.

Khó đi nhất là vào các bản ở xã Pá Mỳ cách trung tâm huyện đến 40km. Từ trung tâm xã vào các bản toàn là đường đất hẹp, dốc đứng, địa hình chia cắt nên xe máy không vào được, anh em đành vác bộ.

Xã lại đông dân cư nên tổ căn cước phải mang theo tư trang cắm chốt ở đó cả tuần, nấu ăn và ngủ nhờ. Lo nhất là hôm trời mưa to gió lớn ở bản mất điện nên phụ kiện có thêm cả máy nổ và xăng dầu. Nhiều trường hợp người dân ở xa bị tàn tật, già yếu không thể tự đến, anh em phải nhờ người chở họ đến và cõng họ vào làm CCCD. Hết xã này lại di chuyển sang xã khác, ròng rã nhiều ngày trời…

Vất vả là thế, nhưng khi thấy bà con nghỉ lên nương rẫy, đi bộ từ đêm kéo đến làm căn cước là anh em công an lại có thêm động lực làm việc. Chỉ cần nghe câu nói "Cán bộ làm "cái căn cước" cho chúng tôi đi" là bao nhiêu mệt nhọc vơi bớt.

Chị Thầu Thị Sau và bà Mùa Thị Phua ở bản Co Lóc 1, xã Mường Nhé đi bộ đến trụ sở Công an huyện làm CCCD.

Chị Thầu Thị Sau và bà Mùa Thị Phua ở bản Co Lóc 1, xã Mường Nhé đi bộ đến trụ sở Công an huyện làm CCCD.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Tạo - Phó đội trưởng Đội QLHC về TTXH Công an huyện Mường Nhé bảo với tôi, gần 2 tháng nay, anh em trong Đội đêm ngày theo guồng quay làm căn cước. Cho đến thời điểm này, đã qua thời kì cao điểm, kết quả làm căn cước đã đạt khoảng 85%. Số còn lại, công an huyện đang tiếp tục mở các điểm cụm tại các xã để "làm CCCD vét".

Tưởng "làm vét" với số lượng người dân ít hơn sẽ đỡ vất vả, nhưng cũng chẳng kém lúc cao điểm là mấy. Chiều tối, anh em chia nhau phóng xe máy đi các xã, buổi tối đến từng nhà để rà soát, tìm hiểu lí do người dân chưa đến làm CCCD. Người đang ốm đau, người bận đi nương, người đi làm ăn xa, hoặc các em sinh viên cao đẳng, đại học chưa về địa phương…, mỗi trường hợp lại vận động, giải quyết theo cách riêng.

Hiện tại, khi dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, công an huyện Mường Nhé vừa triển khai chống dịch đồng thời thực hiện giãn cách khi làm CCCD. Công việc vừa gấp rút vừa khó khăn hơn, anh em bảo nhau trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ…

Là người nhiều kinh nghiệm trong công tác QLHC về TTXH ở huyện giáp biên, Thiếu tá Tạo bảo với tôi rằng trong suốt thời gian qua, khi bắt tay vào thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư và bây giờ là cấp CCCD, mới thực sự thấy rõ nhiều khó khăn hạn chế khi triển khai ở vùng cao.

Đơn giản nhất là tờ giấy khai sinh cũng đã gặp khó. Bởi nhiều bà con không giữ được giấy khai sinh, hoặc nội dung khai không đúng với thực tế. Nhiều bà mẹ sinh con một thời gian dài mới đi làm giấy khai sinh nên ngày tháng sinh con không còn chính xác. Bởi vậy, anh chị em cùng bố cùng mẹ mà chỉ cách nhau có 3 tháng, em lại hơn cả tuổi anh chị là "chuyện thường ngày ở huyện".

Anh em công an phải cất công đi điều tra lý lịch để cải chính. Đợt đi làm sổ hộ khẩu, anh em ấn tượng với hộ gia đình có đến 4 thế hệ với 25 nhân khẩu. Phải mất đến 2 quyển sổ hộ khẩu mới khai hết thông tin của đại gia đình này. Trong ngôi nhà sàn nhỏ, bữa ăn thường ngày mà họ phải ngồi thành 4 mâm cơm, nhà lúc nào cũng như có khách.

"Những tờ rơi in cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào được phát đến từng hộ đã khiến bà con hiểu rõ quy trình, ý nghĩa của việc cấp CCCD. Những bát cháo, chiếc bánh mỳ mời bà con lúc đêm muộn để bà con yên tâm chờ đợi làm CCCD. Đó là những ý tưởng, việc làm thiết thực và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa bàn của công an huyện Mường Nhé.

Ở địa bàn khó khăn nhất về kinh tế, về giao thông đi lại, trên 60% là dân cư tự do, sống phân tán, đa thành phần dân tộc, công an huyện Mường Nhé đã quyết liệt, nỗ lực hết sức để triển khai chiến dịch cấp CCCD theo chủ trương của Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Đến nay, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra" - Thiếu tá Vũ Văn Hưng - Trưởng Công an huyện Mường Nhé.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/chuyen-cap-cai-can-cuoc-o-muong-nhe-643080/