Chuyện cắt giảm chi phí mùa dịch ở SeABank

Chủ động trong suy nghĩ, linh hoạt trong kinh doanh, kết nối trong ra ngoài và trách nhiệm trong hành động... là những yếu tố cốt lõi giúp SeABank kiên cường trước những cơn sóng dữ.

Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank (hàng đầu tiên) trong một hoạt động của SeABank.

Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank (hàng đầu tiên) trong một hoạt động của SeABank.

SeABank hiện có giá trị vốn hóa 50.000 tỷ đồng (niêm yết trên HOSE), vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 186.000 tỷ đồng.

Sau 27 năm thành lập, theo Tổng giám đốc SeABank Lê Thu Thủy, điều quan trọng nhất ngân hàng đang hướng tới là 1,6 triệu khách hàng và khát vọng trở thành ngân hàng được yêu thích nhất.

Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu, các ngân hàng cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Đại dịch Covid-19 chính là thời điểm để ban lãnh đạo SeABank xác định có đang đi đúng với định hướng và chiến lược hay không.

Việc tối ưu chi phí là điều mà doanh nghiệp nào cũng nỗ lực thực hiện để đảm bảo hoạt động trong mùa dịch. Tuy nhiên, bà Thủy lại cho rằng, không cần cắt giảm mang tính đột ngột vì có thể gây ra nhiều hệ lụy, thay vào đó, hay xem xét kỹ các mảng đang vận hành để tối ưu một cách hiệu quả.

Bà Thủy cho biết, SeABank đẩy mạnh tối ưu hóa từ những mảng lớn nhất như vận hành, nhân sự và công nghệ thông tin; đồng thời cũng tính toán tối ưu đến những thứ nhỏ nhất, gộp lại tạo ảnh hưởng lớn.

Trong đó, sự cắt giảm chi phí vận hành ở SeABank đạt được nhờ đầu tư vào công nghệ trong khoảng 5 năm gần đây. Việc đầu tư vào công nghệ cũng giúp đảm bảo vận hành liên tục và tương tác với khách hàng không bị gián đoạn.

Ban lãnh đạo SeABank xác định, việc cắt giảm phải tối ưu chứ không tối thiểu. Bà Thủy cho biết, thời điểm này, SeABank tạm để câu chuyện KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn.

Điều này cũng thể hiện rõ từ khóa trách nhiệm - một trong bốn yếu tố cốt lõi đã giúp SeABank kiên cường trước cơn “sóng giữ”. Theo đó, ngân hàng này thực hiện chủ động trong suy nghĩ, linh hoạt trong kinh doanh, kết nối trong ra ngoài và trách nhiệm trong hành động.

"Với tầm nhìn một ngân hàng vì con người và cộng đồng thì chính thời điểm đại dịch như thế này là điểm thử thách cho ngân hàng có đang đi đúng chiến lược không", bà Thủy nói trong sự kiện "Doanh nghiệp kiên cường - vững vàng trong thử thách" do Deloitte Việt Nam phối hợp với Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức.

Trách nhiệm trong hành động

Tổng giám đốc SeABank cho biết, khi dịch bệnh bùng phát lần thứ nhất vào đầu 2020, đội ngũ SeABank nghĩ rằng dịch còn xa và không ảnh hưởng trực tiếp đến họ thì trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, ngân hàng này ghi nhận một số cán bộ nhân là F0, có người mất cả gia đình.

“Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên rất xúc động và cảm thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để cả doanh nghiệp tương trợ lẫn nhau. Tưởng chừng rau là đồ xa xỉ nhưng rất vui mừng khi cán bộ nhân viên nhận được rau chuyển từ Hà Nội”, bà Thủy nói.

SeABank tạm để câu chuyện KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn.

SeABank tạm để câu chuyện KPI sang một bên để giữ công việc cho cán bộ nhân viên, giúp họ vượt qua khó khăn.

Ngân hàng này cũng đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ủng hộ trang thiết bị y tế chuyên dụng, lương thực cho người dân và cán bộ nhân viên ở TP. HCM.

Bà Thủy cho biết, thời gian này doanh số của ngân hàng chắc chắn là thấp hơn và chi phí thậm chí còn cao hơn liên quan đến phòng chống Covid nhưng SeABank vẫn đảm bảo ổn định công việc và thu nhập cho mọi người.

80% nhân viên của SEABank đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ nhất. Theo bà Thủy, đây là nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo ngân hàng, tiếp tục góp một phần vào miễn dịch cộng đồng.

Chủ động trong suy nghĩ

Theo CEO SeABank, nếu khá nhiều doanh nghiệp Việt còn ở thế bị động khi đợt Covid-19 lần thứ nhất xảy đến thì đã tỏ ra chủ động hơn trong làn sóng dịch thứ tư, trong đó có cả SeABank.

Các ủy ban về phòng chống Covid hoạt động linh hoạt và năng động hơn, không chỉ nhận báo cáo mà tạo ra năng lực ứng phó chủ động đến từng đơn vị kinh doanh và từng cá nhân trong hệ thống. SeABank cũng thành lập quỹ phòng chống Covid với sự đóng góp từ cả ngân hàng, đối tác và cán bộ nhân viên. Quỹ đã hỗ trợ gần 100 tỷ đồng cho cộng đồng và nhân viên 2 tỷ đồng.

SeABank cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngân hàng này xây dựng bộ quy tắc làm việc mới dựa trên sự chủ động để đảm bảo hiệu quả khi nhân sự làm việc tại nhà. Một cơ chế linh hoạt được ban hành để phục vụ khách hàng trong giai đoạn này để ứng phó với những gián đoạn do giãn cách hay khách hàng hoặc cán bộ ngân hàng phải thực hiện cách ly.

“Các doanh nghiệp cần xây dựng các kịch bản làm việc cho các trường hợp khác nhau và tạo khả năng thích nghi với hoàn cảnh để có sự chủ động ứng biến linh hoạt”, bà Thủy nói.

Linh hoạt trong kinh doanh

CEO SeABank cho biết trong tình hình khách hàng đang phải thực hiện giãn cách xã hội, tâm trạng không tốt… nhưng vẫn phải tiếp cận với những phương thức bán hàng mới của các tổ chức nên SeABank xác định phải linh hoạt trong triển khai kinh doanh để khách hàng thoải mái, cảm thấy ngân hàng đang cố gắng phục vụ nhu cầu tài chính của khách hàng thay vì ép bán các dịch vụ không cần thiết. Nhờ vậy, tỷ lệ doanh số bán trực tuyến của ngân hàng này đã tăng 30% thời gian qua.

SeABank cũng đã triển khai hệ thống SeA Office, loại bỏ 30% thời gian luân chuyển chứng từ và tiết kiệm chi phí ấn phẩm vận hành. Hiện nay, 95% các loại văn bản ở ngân hàng này đều được xử lý được trên hệ thống, giúp làm tăng thời gian phục vụ khách hàng trong thời gian dịch bệnh.

Hợp tác cả trong lẫn ngoài

SeABank đã ký kết với các đối tác để tăng cường cung ứng các dịch vụ cho khách hàng trong đại dịch. Ví dụ như việc ký kết hợp đồng tín dụng với Vietnam Airlines là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế.

Ký kết hợp tác với IFC cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực môi trường năng lượng xanh và doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ. SeABank cũng hợp tác với VN Post trên kênh điện tử để cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận xã, huyện.

Theo bà Thủy, có thể không tăng trưởng ngay về số lượng khách hàng và không bán được sản phẩm nhưng ngân hàng này muốn hướng dẫn cho người dân sử dụng được kênh điện tử để tiếp tục nhu cầu tài chính. “Những hợp tác này mang tính cộng đồng rất lớn", bà Thủy nói.

Nói về tinh thần đối mặt với những khó khăn do đại dịch gây nên, CEO SeABank nhấn mạnh, cần cứng rắn, quyết liệt biến tiêu cực thành tích cực.

Dù vậy, bà cho rằng người lãnh đạo cũng có những lúc rất đời thường. Là một người lãnh đạo thường xuyên đưa ra những quyết sách rất chắc chắn và có sự suy tính kỹ càng, nhiều lúc, bà cũng thả lỏng lắng nghe bản nhạc của nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn thổi ở sân bệnh viện dã chiến, nghĩ về những các bộ nhân viên đã mất đi người thân, đã trải qua những khó khăn về vật chất và tinh thần…

“Các nhà lãnh đạo đang đứng trước khó khăn hãy dành cho mình những giây phút để cảm thấy mình có thể sống thật với cảm xúc, được truyền cảm hứng và động lực để vững tâm bước tiếp”, lãnh đạo SeABank nói.

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-cat-giam-chi-phi-mua-dich-o-seabank-1629425765914.htm