Chuyện chi tiêu vợ chồng trẻ: Vợ có muốn cầm tiền của chồng?
Hiện nay, cuộc sống hôn nhân của các bạn trẻ đã có phần thay đổi. Cả vợ và chồng đều có ý thức về sự độc lập tài chính. Nhiều phụ nữ trẻ mới lập gia đình chia sẻ không muốn 'cầm tiền của chồng' hay làm 'thủ quỹ chi tiêu' trong gia đình.
Không làm thủ quỹ gia đình vì cái tính thích tiêu pha
Mỗi khi rơi vào thế bí, Phương Huệ (Hà Nội) sẽ giơ đôi bàn tay nhỏ của mình, chỉ cho chồng xem khoảng trống giữa các ngón tay và nói: "Số em không giữ được tiền đâu, anh mà không cầm tiền chi tiêu thì gia đình có nguy cơ sạt nghiệp". Không biết Huệ nghe được từ đâu nhưng chỉ biết rằng hễ các ngón tay khít nhau thì chủ nhân của nó mới giữ tiền tốt. Khác với bàn tay của cô, thì chồng Huệ lại có các ngón khít rịt.
Việc Huệ không giữ vai trò tay hòm chìa khóa trong gia đình khác hoàn toàn với điều được mẹ chỉ dạy trước khi về nhà chồng. Nhưng Huệ thì nghĩ khác, để chồng giữ tiền và chi tiêu không phải là chuyện đùa. Huệ còn tính để chồng mình cầm lâu dài vì cô vốn là người vụng tính toán, rất sợ chi tiêu hoang phí thì cả nhà lại phải đi "ăn xin".
"Mình làm ra tiền, mỗi tháng lương từ 15 - 17 triệu nhưng thú thực là mình không biết cách giữ tiền. Trong hai vợ chồng thì mình là người xài sang và ngẫu hứng. Thường xuyên rủ chồng đi ăn ngoài vì lười nấu cơm, còn mong ông bà dưới quê gửi ít đồ lên thôi vì không nấu hỏng bỏ lại phí đi. Mình cũng thích đi du lịch, chơi bời, tụ tập bạn bè nữa. Mới lấy nhau được gần 2 năm, vợ chồng mình "thả" nhưng chưa có con nên việc chơi bời vẫn vui vẻ, thoải mái lắm. Một tháng mình phải kéo chồng hoặc bạn bè đi du lịch 1 lần, số lần ăn ngoài chắc không đếm nổi".
Việc Huệ không giữ vai trò "tay hòm chìa khóa" trong gia đình khác hoàn toàn với điều được mẹ mong mỏi trước khi về nhà chồng. Nhưng Huệ thì nghĩ khác, để chồng giữ tiền và chi tiêu vì cô vốn là người vụng tính toán, rất sợ chi tiêu hoang phí thì cả nhà lại phải đi "ăn xin"
Mặc kệ chuyện tài chính, tiết kiệm thì cả khi lương chưa về cứ rảnh là Huệ sẽ lướt lướt các shop yêu thích, ngó nghiêng mua cái này sắm cái kia. Thấy ưng cái nào là Huệ đặt cho mình, cho chồng, bố mẹ hai bên và bạn bè thân thiết.
Đồ đạc mua cũng có những loại hữu ích nhưng cũng không thiếu thứ bỏ xó chả dùng vào đâu. Có lần nọ, Huệ đang đi trên đường thì phát hiện xe hết xăng, tạt vào cây xăng để đổ thì phát hiện ra không có tiền trong người. Mới đây nhất thì khi shipper giao hàng tới mở ví tiền ra không thấy chỉ còn giấy tờ. Hóa ra Huệ đã tiêu hết những đồng cuối cùng từ lúc nào không hay.
"Mình đâm lo lắng, bởi trước mắt là chặng đường cần chi tiêu nhiều hơn. Nếu có con thì phải cho con đi học nữa. Thấy cả núi những thứ cần tiền. Nếu tiêu xài như mình mà để cầm tiền trong gia đình thì chết dở. Sôi hỏng bỏng không hết. Thấy mình cáu bẳn nên chồng cũng động viên, cứu mình bằng cách cho tiền tiêu vặt. Thế là mình lóe lên hy vọng, tha thiết nhờ chồng đổi vai", Huệ chia sẻ.
Lĩnh lương về Huệ đưa chồng tiền chi tiêu cho việc ăn uống, đi chợ, điện nước, thuê nhà. Số còn lại, Huệ được cầm và chi tiêu cá nhân. Cầm tiền, chồng sẽ kéo Huệ cùng ngồi tính toán chia từng khoản cần chi tiêu. Anh bỏ vào phong bì riêng, đó là tiền chợ, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền dự phòng. Số tiền lương của chồng sẽ bỏ vào khoản tiết kiệm ngầm. Mỗi thẻ 1 mục tiêu, cái thì quỹ đại học cho con, cái thì quỹ đầu tư kinh doanh, cái là quỹ mua xe ô tô.
"Mình thì thích mua nhà, nhưng chồng thì không. Anh nói đi thuê nhà có lợi hơn, nghe phân tích cả chục lý do mình cũng thấy hợp lý nên kệ việc tiết kiệm với mục tiêu gì cho anh. Giờ mỗi tháng mình chỉ còn một khoản cố định để tiêu thôi, nên cứ áng chừng mà mua sắm. Anh để mình đủ tiền chiều chuộng bản thân nhưng không quá phung phí, tiêu hoang. Mình thấy thế là hợp lý rồi, nhàn thân, nhàn cả óc".
Huệ vui sướng vì sở hữu một viên ngọc mà trước đây không biết. Cuộc sống chi tiêu, tài chính của gia đình nề nếp, có quy hoạch hơn nhờ quyết định đúng đắn này. Cứ như vậy Huệ mong chồng cứ tiếp tục cầm giữ quỹ.
Có lương đưa hết cho chồng, chi tiêu bằng thẻ tín dụng rồi thanh toán sau
Mới về sống với nhau được 3 tháng nhưng Thục Hạnh (nhân viên truyền thông ở TP HCM) đã nhanh chóng đưa hết tài sản lớn nhất mỗi tháng, chính là tiền lương cho chồng giữ. Hạnh cho biết, phụ nữ tước giờ luôn là người chăm lo cho tài chính gia đình, nhưng không phải ai cũng khéo vun vén. Trường hợp của Hạnh thì do công việc bận rộn, cũng lười cầm rồi tính toán tiền nong, lại hơi "ghiền" mua sắm nên quyết định luôn từ đầu là cho chồng đứng ra đảm nhận trọng trách này.
"Mình cảm thấy áp lực khi phải tự chi tiêu. Tính cách ẩu đoảng, đi chợ toàn hớ nên thôi đẩy gánh nặng sang cho chồng. Lương về tài khoản mình sẽ chuyển hết cho chồng cầm để anh chi tiêu trong gia đình. Còn mình thì mở riêng 1 thẻ tín dụng để chi tiêu cá nhân. 1 tháng chi tiêu hết bao nhiêu, tháng sau lấy lương thì báo với anh để trả đúng khoản đó. Cuộc sống như vậy mình thấy rất dễ thở, sung sướng và vui vẻ. Lấy chồng cũng không còn áp lực tiền bạc chi tiêu gì hết".
Gia đình Hạnh cũng giống với nhiều gia đình khác, mẹ dặn kỹ càng con gái nên là tay hòm chìa khóa của gia đình. Quản thật chặt chi tiêu và cầm thu nhập của chồng thì hạnh phúc mới bền vững. Thế nhưng suy nghĩ của Hạnh lại ngược hoàn toàn, cô cho rằng điều đó không cần thiết.
Hạnh cho biết, mình không những làm ngược lại điều đó mà còn thấy vui vẻ, không tự ti. Chuyện không biết chi tiêu vun vén cho gia đình mà đẩy sang cho chồng thậm chí còn được cô mang ra trò chuyện trong mỗi lần cafe với bạn bè, đưa lời khuyên cho mọi người về một lựa chọn khác giúp cuộc sống bớt gánh nặng hơn.
Bởi Hạnh nghĩ chị em nên nghĩ thoáng hơn trong chuyện này. Cuộc sống hiện đại lên rất nhiều, người phụ nữ cũng có những trọng trách và công việc trong xã hội cần cống hiến. Và quan trọng hơn là ai giỏi việc gì thì nên giao cho người đó phụ trách.
Ảnh: NVCC