Chuyện chiếc ghế 'nóng' ở đội bóng thủ đô
Văn hóa và Đời sống - V.League 2021 mới đi qua 7 vòng đấu đã cho thấy những diễn biến sôi động: Sau nhiều năm thành tích bất xứng kỳ vọng, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại dẫn đầu bảng xếp hạng với 16 điểm; ở chiều ngược lại, CLB Bóng đá TP Hồ Chí Minh dù được tăng cường lực lượng đáng kể, nhất là chân sút Lee Nguyễn, phải ngụp lặn ở đầu mút phía bên kia, đứng thứ 13/14.
Hiện tại, giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia đang “nóng” cùng sự kiện HLV Chu Đình Nghiêm của Hà Nội FC nộp đơn từ chức (có nguồn tin khẳng định ông bị sa thải). Người ta tự hỏi, hà cớ gì một nhà cầm quân thuộc loại danh tiếng, 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm đưa về phòng truyền thống đội nhà 1,6 chiếc Cúp vô địch lại có thể ra đi đơn giản thế? Đừng quên mới mùa bóng 2020, thầy trò ông Nghiêm không giành ngôi quán quân giải vô địch quốc gia nhưng đoạt cả Cúp Quốc gia và Siêu Cúp Quốc gia!
Ở làng cầu quốc nội, có lẽ chỉ nhà cầm quân quê gốc Thanh Hóa này mới có thể sánh với HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải về mặt danh hiệu. Trong 5 năm, ông thầy họ Chu đã đưa về phòng truyền thống Hà Nội FC 3 chức vô địch V.League (2016, 2018, 2019); 2 Cúp Quốc gia (2019, 2020) và 3 Siêu Cúp Quốc gia (2018, 2019, 2020). Thậm chí, với một mùa giải được coi là “thất bát” như V.League 2017 thì Hà Nội FC vẫn không trắng tay khi có tấm Huy chương Đồng “an ủi”.
Ấy thế nhưng, trong nhãn quan của các ông bầu, thành tích mà HLV trưởng mang lại đã được “trả công” xứng đáng bằng “lương cao, thưởng lớn” - tức thành tích trong quá khứ không thể “bảo lãnh” cho vị trí hiện tại. Chẳng phải thế sao khi chỉ vài tuần sau chức vô địch V.League 2014, ông Lê Thụy Hải đã phải “khăn gói lên đường”. Nghiệt ngã hơn, nhà cầm quân lão làng này bị sa thải không phải do yếu tố chuyên môn. Dư luận “ngoa truyền” rằng giữa ông Hải và ban lãnh đạo “đội bóng đất thủ” có sự “vênh nhau” về sách lược sử dụng cầu thủ. Vậy thì việc ông Chu Đình Nghiêm phải rời “ghế nóng” ở Hà Nội FC là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thật vậy, nếu nhìn vào thành tích của “đội bóng thủ đô” ở mùa giải năm nay: Chỉ giành được 10 điểm/ 7 trận, hiệu số bàn thắng/bại bằng 0, đang đứng giữa bảng xếp hạng (7/14), còn kém cả Nam Định FC… thì đó là thực tại “đắng ngắt” với một đội bóng luôn đặt mục tiêu vô địch như Hà Nội FC. Dĩ nhiên, người ta có thể thanh minh hộ cho Chu Đình Nghiêm, rằng “con vi-rút” mang tên “chấn thương” đã khiến đội chủ sân Hàng Đẫy luôn phải ra sân trong tình trạng thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng - vắng đồng loạt các cầu thủ đá chính như Hùng Dũng, Bruno, Geovane, Văn Hậu, Đình Trọng… Điều đó có nghĩa, người ta không thể “bách chiến bách thắng” cùng một đội hình chắp vá.
Điều đáng nói nữa là, 2 mùa bóng gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, V.League buộc phải thay đổi thể thức thi đấu. Nói cách khác, một đội bóng nếu có tham vọng và đặt mục tiêu giành huy chương, cần phải liên tục có mặt ở nhóm các đội dẫn đầu. Mà Hà Nội FC thì đã đi qua hơn nửa chặng đường (7/13 trận). Đây chính là nghịch lý của HLV Chu Đình Nghiêm: Ông cần thời gian để các trụ cột bình phục, nhưng thể thức mới không cho phép Hà Nội FC có thể kiên nhẫn.
Nói tóm lại, để trụ vững trên chiếc ghế HLV trưởng CLB Bóng đá Hà Nội, không chỉ ông Nghiêm mà bất kỳ nhà cầm quân nào cũng phải chiến thắng trên sân bóng. Không chiến thắng tức là không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng các điều khoản đã ghi trong hợp đồng giữa 2 bên! Đây chính là “đặc thù” của một đội bóng “đẳng cấp” như Hà Nội FC.
Được biết, kế nhiệm HLV Chu Đình Nghiêm là ông Hoàng Văn Phúc, người đã đưa Quảng Nam FC đăng quang V.League 2017. Về năng lực cũng như thành tích, ông Phúc có đủ “tư cách” để “cầm quân” ở Hà Nội FC. Song cũng cần nhắc lại thực tế, chiếc cúp vô địch mà ông giành được cùng đội bóng đất Quảng là kết quả của một khoảng thời gian làm việc lên đến vài ba mùa bóng. Còn ở vị trí mới, ông Phúc không có giai đoạn “chạy đà” mà phải lập tức bắt tay vào công việc, lập tức đem về chiến thắng.
Nói chiếc “ghế” HLV trưởng đội bóng thủ đô “nóng” là vì thế!