Chuyện chiếc xe Minsk và bài học tầm nhìn
Hôm qua (23/11), Đảng, Nhà nước long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước, đặc biệt thời kỳ đầu công cuộc đổi mới mãi được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận. Những di sản mà ông để lại là bài học quý để mỗi cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, các cấp chính quyền học tập, đúc kết bài học kinh nghiệm làm tốt hơn trong công tác hoạch định, chỉ đạo, điều hành.
Những ngày này, học giả, giới sử gia, chuyên gia kinh tế, báo chí đã đề cập nhiều về thân thế, sự nghiệp, đóng góp và những quyết sách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nên người viết không tiếp tục luận bàn về những chủ đề trên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, xin kể câu chuyện “mắt thấy, tai nghe” về cái gọi là tầm nhìn Võ Văn Kiệt.
Tôi nhớ vào khoảng năm 2000, khi đó ông trên cương vị cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng có đến làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) do ông Đặng Vũ Chư làm Bộ trưởng. Sau khi lãnh đạo Bộ báo cáo về tình hình hoạt động phương hướng, mục tiêu thời gian tới, Cố vấn Võ Văn Kiệt đã dẫn câu chuyện về xe Minsk ở vùng biên ải (ai cũng biết những năm 1990 của thế kỷ trước, xe Minsk được nhập về từ Liên Xô là phương tiện vận tải chủ lực tại các đô thị lẫn làng quê) để nói về mối quan hệ cộng sinh giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu để từ đó hoạch định chính sách chuẩn hơn.
Đến bây giờ đã hai mấy năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lời ông nói hôm đó, đại ý: “Vừa qua có dịp lên Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi phía Bắc công tác, thấy người dân, đặc biệt là người buôn bán dùng phương tiện xe Minsk rất nhiều. Hỏi ra mới hay, loại xe này khỏe, gầm cao rất thích hợp cho công việc vận tải, đi lại những địa hình đối núi hiểm trở, phức tạp. Khi hỏi các lái buôn, thì được biết, có bao nhiêu xe Minsk ở đô thị và đồng bằng đều được gom lại và đưa lên miền núi để bán. Kể về câu chuyện này để muốn nói với các đồng chí hai vấn đề: Ngành cơ khí chế tạo của chúng ta vẫn rất yếu. Nếu chúng ta xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam mà bỏ quên ngành Cơ khí, công nghiệp phụ trợ thì không thể nào hiệu quả.
Thứ hai, khi chúng ta chưa thể hình thành nền công nghiệp chế tạo thì phải tính đến việc thị trường cần cái gì chúng ta cung cấp. Cung cấp không đơn thuần chỉ là nhập khẩu mà tính đến việc liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài bằng việc lắp ráp các linh kiện để sản xuất các mặt hàng, sản phẩm mà thị trường đang cần (ví như xe Minsk) phục vụ nhu cầu sản xuất- kinh doanh, vận tải, đi lại của doanh nghiệp, người dân từ đó tạo nền móng xây dựng nền công nghiệp cơ khí, công nghiệp ô tô của Việt Nam. Đây là con đường nhanh nhất”…
Từ gợi ý của cố vấn Võ Văn Kiệt trên nền tảng quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, suốt 2 thập kỷ qua chúng ta đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có cả dự án liên doanh, liên kết quy mô lớn để sản xuất, lắp ráp các mặt hàng công nghiệp, chế tạo. Định hình rõ hơn nhu cầu của thị trường để sẵn sàng cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, điều mà cố vấn Võ Văn Kiệt gợi mở, mong muốn là thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết để chuyển giao công nghệ góp phần đẩy nhanh nền công nghiệp cơ khí chế tạo, ô tô của Việt Nam thì đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Đây chính là điều mà các nhà hoạch định chính sách, Bộ Công Thương phải nghĩ suy.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-chiec-xe-minsk-va-bai-hoc-tam-nhin-149111.html