Chuyện chính, chuyện phụ

Trong truyền thông về chính sách, các quan chức thường mắc sai lầm không phân biệt chuyện chính và chuyện phụ nên đôi lúc phát ngôn thường bị mắc vào chuyện phụ gây tranh cãi liên miên trong khi không ai quan tâm đến chuyện chính, có tầm quan trọng hơn nhiều lần.

 Các quan chức thường mắc sai lầm không phân biệt chuyện chính và chuyện phụ nên phát ngôn thường mắc sai lầm. Ảnh: THÀNH HOA

Các quan chức thường mắc sai lầm không phân biệt chuyện chính và chuyện phụ nên phát ngôn thường mắc sai lầm. Ảnh: THÀNH HOA

Khi ngành y tế chuyển đổi từ chỗ chỉ “điều trị bệnh tật” sang “chăm sóc sức khỏe” toàn diện thì đương nhiên đào tạo nhân lực cho ngành y tế cũng phải chuyển đổi, từ các trung tâm dạy cách điều trị sang các hệ thống đào tạo toàn diện về chăm sóc sức khỏe. Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng khoa Y trường Đại học Y dược TPHCM lẽ ra phải tập trung vào chuyện chính này, gắn với yêu cầu nâng cấp trường này lên thành một đại học, bên dưới có nhiều trường trực thuộc đào tạo đủ ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe.

Thế nhưng bà Bộ trưởng lại nhấn mạnh đến chuyện phụ đổi tên trường thành Đại học Sức khỏe, một cái tên rất xa lạ với đa số mọi người. Cho dù xu hướng của thế giới là đặt tên các đại học y mới thành lập sau này là University of Health Sciences, cũng cần biết “health” có nhiều nghĩa chứ đâu chỉ là “sức khỏe”. Ngay chính Bộ Y tế vẫn đang có tên tiếng Anh chính thức là “Ministry of Health” hay World Health Organization vẫn đang được dịch là Tổ chức Y tế thế giới. Tại sao cứ mắc kẹt vào một chuyện phụ rất nhỏ “health” phải là “sức khỏe” trong khi cái tên “Đại học Y khoa” vẫn được toàn dân hiểu như thế giới hiểu về “University of Health Sciences”.

Một ví dụ khác: cho đến nay Bộ Giao thông Vận tải vẫn mắc kẹt vào một chuyện phụ là muốn buộc các xe taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe như một biện pháp quản lý. Trong khi đó, để quản lý loại xe “sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi” có biết bao nhiêu vấn đề quan trọng hơn lại không được chú ý đầy đủ. Một trong những chuyện chính ấy, đang được các nước như Mỹ, châu Âu điều chỉnh luật lệ để phục vụ mục đích quản lý của họ là buộc các hãng công nghệ tổ chức loại hình xe taxi công nghệ phải xem người lái xe cho mình là nhân viên trực thuộc chứ không phải là nhà thầu phụ hay như từ ngữ đang dùng ở Việt Nam là “đối tác”.

Xe taxi thì còn có cái nóc để gắn mào; thử hỏi xe ôm công nghệ, đang chiếm số lượng và nhân lực còn gấp nhiều lần xe taxi, lấy đâu để gắn biển hiệu? Trong khi thay đổi tư cách từ “đối tác” thành “nhân viên”, các hãng công nghệ buộc phải mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - toàn là những chuyện Nhà nước phải lo nếu doanh nghiệp ngó lơ. Các hãng cũng phải lo quản lý nhân viên và chịu trách nhiệm cho mọi an nguy của hành khách để phải kiểm tra kỹ nhân thân trước khi tuyển lái xe vào chạy cho mình. Những chuyện này có ảnh hưởng lớn lên xã hội và đóng góp vào hiệu lực quản lý gấp bội lần so với cái hộp đèn mà bộ cứ loay hoay đòi gắn.

Kỳ Thư

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/294472/chuyen-chinh-chuyen-phu-.html