Chuyện 'Chú Út Biên phòng' ở Kiên Giang
Tại xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang), nhiều người biết đến ông Dương Văn Phúc - một lão nông có nhiều năm gắn bó với Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Chính vì vậy, tên gọi 'Chú Út Biên phòng' cũng xuất phát từ đây. Hơn 10 năm nay, cứ mỗi sáng ra thăm vuông, thăm ruộng lúa là ông Phúc lại tranh thủ đến thăm các cột mốc chủ quyền nằm cạnh đám ruộng nhà mình…
Từ chuyện nhường đất làm cột mốc...
Vài năm trước, khi có chủ trương xây dựng 3 cột mốc biên giới (304/1, 304/2, 304/3) và đường tuần tra biên giới đi qua phần đất, nhiều người dân khu vực biên giới huyện Giang Thành trăn trở vì sợ ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất, nhưng ông Dương Văn Phúc thì hoàn toàn khác. Ông Phúc suy nghĩ làm cột mốc, đường biên là để đảm bảo cho người dân, trong đó có gia đình mình được an toàn, bình yên, do vậy ông đồng ý ngay.
Bằng uy tín của mình, ông Phúc trực tiếp và phối hợp cùng các lực lượng chức năng vận động bà con trong xóm, ấp ủng hộ việc giao đất để thực hiện các công trình đường biên, cột mốc.

Ông Dương Văn Phúc đã gắn bó với Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nhiều thế hệ.
Theo chia sẻ củaThiếu tá Võ Văn Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phú Mỹ (BĐBP tỉnh Kiên Giang), người dân khu vực biên giới sống chủ yếu bằng nghề nông nên bà con xem đất đai là “nồi cơm” để nuôi sống gia đình. Vì thế khi có chủ trương có 3 cột mốc biên giới và đường tuần tra biên giới đi qua phần đất, nhiều người trăn trở là điều không thể tránh khỏi. “Ông Phúc đã sẵn sàng giao đất để làm cột mốc, đường tuần tra biên giới và vận động bà con nhân dân trong xóm ủng hộ việc giao đất là việc làm hết sức biểu dương. Ông Phúc góp công, góp sức, hiến kế cho ngành chức năng trong quá trình thực hiện các công trình, cũng như lúc nào cũng sẵn sàng đóng góp vì lợi ích chung bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, Thiếu tá Võ Văn Hải cho biết.
Ông Dương Văn Phúc năm nay 69 tuổi, ngụ ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) là thế hệ thứ 4 của gia đình gắn bó với vùng đất biên giới, sống chủ yếu bằng nghề nông. Ông là con út trong nhà, nên mọi người hay gọi ông là “chú Út”, “bác Út”, còn gọi “chú Út Biên phòng” là do ông gắn bó với BĐBP.

Ông Dương Văn Phúc cùng BĐBP Đồn Biên phòng Phú Mỹ chuẩn bị đi thăm cột mốc biên giới.
Ông Phúc vẫn còn nhớ như in những năm chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, ông phải bỏ nhà, về sống ở nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1980, ông quay trở về vùng biên tiếp tục sinh sống. Thời đó, vẫn còn những đối tượng thường lợi dụng đêm tối vượt qua biên giới để cướp trâu, bò, tiền của người dân. Để hỗ trợ bà con, thời điểm đó, BĐBP thường xuống ở nhà người dân để họ yên tâm. Đối với nhà của ông Phúc, BĐBP thường xuyên xuống ở nên tình cảm của gia đình ông với những người lính quân hàm xanh đã gắn bó qua nhiều thế hệ.
Ông Dương Văn Phúc chia sẻ: “Hồi đó đời sống người dân còn khó khăn lắm. Vợ chồng tôi có gạo thì nấu cơm cùng ăn với các chú BĐBP, có nắm rau, con cá chúng tôi cũng chia sẻ. Các chú bộ đội thì không ngại khó khăn, cực khổ luôn gần dân, bám dân để bảo vệ người dân được an toàn; có gì các chú cũng chia sẻ cho các hộ dân trong xóm. Mấy mươi năm gắn bó ở vùng biên, gia đình tôi và nhiều hộ dân khu vực biên giới đã gắn bó với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng công tác ở các đồn, trạm trên khu vực biên giới này”.
Ông Phúc bám vùng biên sản xuất 4 công đất lúa do cha mẹ cho. Ông còn khai phá đất hoang, mua thêm đất để sản xuất. Không ngại vất vả, khó nhọc, vợ chồng ông Phúc tảo tần nuôi 5 người con ăn học. Nhờ chịu khó làm ăn, ông Phúc hiện có hơn 100 công đất, trong đó có đất trồng lúa, nuôi tôm. Ông cũng đi đầu trong đưa giống lúa chất lượng cao ST25 về sản xuất ở khu vực biên giới và chia sẻ với bà con nhân dân kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác mới. Nhờ đó, những mùa vàng bội thu đã làm cho vùng biên ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng nâng lên.

Ông Dương Văn Phúc bên cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.
Gắn bó với bộ đội, ông Phúc càng yêu quý hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, do vậy ông đã định hướng cho các con của mình được phục vụ trong quân ngũ. “Trong 5 người con thì gia đình tôi có một đứa đã trở thành sĩ quan Quân đội, hiện đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang. Góp sức cho quân đội, cho Tổ quốc, đó là niềm tự hào rất lớn đối với gia đình tôi”, ông Phúc nói.
... đến việc vun đắp tình đoàn kết hữu nghị
Ông Dương Văn Phúc chia sẻ: “5 người con đã lập gia đình riêng, có công ăn việc làm. Tôi không còn nặng chuyện cơm áo gạo tiền nữa, nên khi Đồn Biên phòng Phú Mỹ phát động phong trào toàn dân tự quản đường biên, cột mốc, tôi tham gia nhiệt tình và làm gương để con cháu làm theo”.
Hơn 10 năm nay, cứ mỗi sáng ra đồng thăm lúa là ông Phúc tranh thủ đến thăm 3 cột mốc chủ quyền nằm cạnh đám ruộng nhà mình. Khi thì ông lau bụi, lúc thì dọn cỏ, đắp lại phần đất xung quanh cột mốc. Ông cũng kịp thời thông báo cho Đồn Biên phòng Phú Mỹ về tình hình có liên quan đến các hoạt động xâm hại chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia… Trung úy Lê Chí Nguyện, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Rạch Gỗ, Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết: “Nhiều năm qua, khi phát hiện các tình huống liên quan đến bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng chống buôn lậu, xuất nhập biên trái phép… thì bác Út đều báo lên trạm để lực lượng kịp thời xử lý”.

Ông Dương Văn Phúc dọn cỏ xung quanh cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.
Quá trình sản xuất cặp đường biên, ông Phúc còn xây dựng mối quan tốt đẹp, hệ hữu nghị với người dân bên phía Campuchia. Ông Phúc nói: “Người dân Việt Nam với người dân Campuchia làm ruộng chỉ cách nhau đường biên, vài bước chân, nên chúng tôi trò chuyện, hỏi thăm nhau, xây dựng tình cảm hữu nghị, đoàn kết. Tôi thì không rành tiếng Campuchia lắm, nhưng vợ tôi thì nói tốt nên bà trò chuyện và làm phiên dịch để tôi trao đổi, chuyện trò với bà con bên phía nước bạn cùng nhau giữ gìn đường biên, cột mốc, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia”.
Nhớ lại thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (năm 2020, 2021), gia đình ông Phúc đã cho Đồn Biên phòng Phú Mỹ mượn đất để xây dựng chốt phòng, chống đại dịch này. Song song đó, ông còn vận động nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới, phòng, chống các hoạt động xâm hại chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ông cùng người dân tham gia phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan từ bên kia biên giới vào nội địa… Thấy các lực lượng đóng ở các chốt, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, ông Phúc thường xuyên đem rau, cá, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các lực lượng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Thượng tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ chia sẻ: “Ông Phúc là lão nông tiêu biểu, góp phần lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới về ý thức tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ông còn là trung tâm hòa giải những mâu thuẫn, mối bất hòa trong xóm ấp. Mỗi khi có gia đình phát sinh mâu thuẫn, bằng tình cảm, lời lẽ chân chất, mộc mạc, ông đến để động viên để họ hàn gắn, kết nối những vết rạn nứt gia đình, nối lại tình làng, nghĩa xóm…”.

Cuộc sống đời thường của "Chú Út Biên phòng" Dương Văn Phúc.
Hơn 10 năm góp phần vun đắp bình yên biên giới, nhưng ông Phúc chưa một lần đòi hỏi bất cứ chế độ đãi ngộ nào. Thượng tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết thêm: “Cho dù chỉ là một nông dân, nhưng với tấm lòng và tâm huyết như ông Dương Văn Phúc chính là tấm phên giậu vững chắc, chung tay, góp sức cùng với BĐBP, chính quyền địa phương bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam Tổ quốc”.
Bắt chặt tay chúng tôi khi chia tay, ông Phúc chia sẻ: “Tôi xem cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ như con em trong nhà, nên khi các em, các cháu cần gì là tôi giúp đỡ ngay”.
Bài, ảnh: THU OANH - CHÂU SA