Chuyện chưa biết về thác Nhà Thương

Vùng đất từng là chiến địa Plei Me ác liệt năm nào giờ đã đổi thay, vươn mình mạnh mẽ. Lọt thỏm giữa núi rừng, dòng thác Nhà Thương-chứng tích cho một giai đoạn cách mạng hào hùng vẫn ngày đêm cuộn chảy, nối dài câu chuyện kể cho thế hệ mai sau.

Thác Nhà Thương

Như đã hẹn trước, khi tôi vào tới trụ sở UBND xã Ia Pia (huyện Chư Prông), Bí thư Đoàn xã Nguyễn Thanh Phương đã chuẩn bị chiếc xe máy kèm 2 mũ bảo hiểm, sẵn sàng lên đường vào thác. “Ô tô không vào được, chỉ xe máy thôi. Đường nhỏ mà dốc đá nhiều lắm”-anh Phương giải thích.

Từ tỉnh lộ 665, chúng tôi di chuyển trên tuyến đường liên huyện phía Tây hướng về xã Ia Boòng (huyện Chư Prông). Được chừng 2 km, chúng tôi rẽ phải vào một con đường mòn nhỏ rất khó đi. Chiếc xe Wave đời cũ gầm rú inh ỏi khi phải leo lên đoạn dốc lởm chởm đá, có lúc lại chực ngã nhào khi qua đoạn đường bùn non nhão nhoét. Mất đến vài chục phút vượt qua con đường mòn này, chúng tôi mới đến thác Nhà Thương.

Thác Nhà Thương mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ giữa núi rừng. Ảnh: Phương Linh

Thác Nhà Thương mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ giữa núi rừng. Ảnh: Phương Linh

Từ xa quan sát, phía trên ngọn thác là những phiến đá lớn trải rộng. Dòng nước khi đến đây thì tỏa ra, len lỏi qua từng kẽ đá. Dù đang là mùa mưa nhưng dễ dàng để di chuyển từ bên này sang bên kia suối. Phía dưới chân thác, một khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Dòng chảy êm đềm trên đỉnh thác phút chốc trở nên ầm ào mạnh mẽ. Cột nước trải rộng tuôn thẳng xuống phía dưới, tung bọt trắng xóa. Bụi nước li ti tạo màn sương mỏng lấp lánh trước khi tan ra dưới nắng.

Điểm thu hút của thác Nhà Thương được tạo bởi kết cấu vòm hang đá dưới chân thác. Quan sát chính diện mới thấy dòng nước chảy tràn trên một khối đá khổng lồ hình vòng cung dài chừng 50 m. Sự đứt gãy, sụt lún địa chất hàng ngàn năm trước kiến tạo nên một vòm hang rộng, dài ngay phía dưới tảng đá ấy. Nơi cao nhất của vòm hang có thể đến 4 m, thấp nhất khoảng 1 m, rộng nhất khoảng 10 m. Ước tính, nơi này có thể che chắn cho hơn 200 người. Tiến vào bên trong, có chút rợn ngợp khi nhận ra mình đang đứng dưới một khối đá khổng lồ. Hướng mắt lên trên, tưởng như có bàn tay đẽo gọt, sắp xếp mới có thể làm thành mái vòm hùng vĩ đến vậy. Những tảng đá lớn nhỏ nhấp nhô, phủ rêu xanh rì dưới nền hang. Từ trong nhìn ra, làn nước trải rộng tựa như tấm rèm trắng muốt. Phải chăng thiên nhiên đã quá ưu ái khi đem vẻ đẹp dịu dàng và cả sự kỳ vĩ ban tặng cho thác Nhà Thương.

Dòng nước chảy xuống trên khối đá khổng lồ hình vòng cung trải dài hơn 50 m. Ảnh: Phương Linh

Dòng nước chảy xuống trên khối đá khổng lồ hình vòng cung trải dài hơn 50 m. Ảnh: Phương Linh

Bên trong vòm hang rộng lớn dưới chân thác Nhà Thương. Ảnh: Phương Linh

Bên trong vòm hang rộng lớn dưới chân thác Nhà Thương. Ảnh: Phương Linh

Trước sự thích thú của tôi, anh Phương chỉ tay về hướng cây sung to cạnh vòm hang và nói: “Chưa hết đâu, phía sau cây sung ấy còn có một hang đá khác nữa, nơi mà trong chiến tranh, dân làng, bộ đội, du kích vẫn dùng làm nơi trú ẩn, sơ cứu thương trước khi chuyển lên tuyến trên”. Đến đây, tôi mới vỡ lẽ, tuyệt tác thiên nhiên này có tên thác “Nhà Thương” là vậy!

Hang đá cách mạng

Ông Kpă Thoắc-Chủ tịch UBND xã Ia Pia: “Thác Nhà Thương là một thắng cảnh rất đẹp. Vòm hang dưới chân thác từng là nơi che chở bộ đội, dân làng trong kháng chiến. Cùng với Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Plei Me (xã Ia Ga), thác Nhà Thương khi được khảo sát, xác lập di tích sẽ là điểm đến ý nghĩa trên hành trình ôn lại truyền thống lịch sử”.

Điều đáng tiếc là miệng chiếc hang mà anh Phương vừa nói đã bị lấp chặt bởi khối đá lớn sau một trận lũ cách đây hơn 15 năm. Ước tính như vậy bởi năm 2003, anh Nguyễn Ngọc Nhơn (SN 1990, thôn Tân Lập, xã Ia Pia) vẫn thường cùng đám bạn “thách đố” nhau xem ai đủ gan dám đi vào trong hang. Anh Nhơn hồi nhớ: “Miệng hang rộng khoảng hơn 1 m. Một lần tôi vào sâu khoảng 4-5 m thì thấy chiếc giường sắt và một số vật dụng khác nhưng vì hang tối và lạnh nên tôi sợ và quay trở ra. Cửa hang bị lấp một phần do bùn đất bồi cao. Ngày trước, cột nước của thác cao đến 8-9 m chứ không phải như bây giờ. Từ nhỏ, tôi nghe người lớn nói đây là hang đá trú ẩn của bà con, là nơi bộ đội dùng để sơ cứu người bị thương trong chiến tranh nên gọi là thác Nhà Thương”.

Già Rah Lan Kốt (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) nhớ lại những tháng ngày trong thác Nhà Thương. Ảnh: Phương Linh

Già Rah Lan Kốt (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) nhớ lại những tháng ngày trong thác Nhà Thương. Ảnh: Phương Linh

Để xác tín điều anh Nhơn nói, chúng tôi tìm đến già Rah Lan Kốt (làng Hát, xã Ia Pia). Ông là du kích kỳ cựu từng tham gia trận đánh thung lũng Ia Drăng lừng lẫy năm 1965. Tuổi cao, lưng còng nhưng già Kốt ít khi ở nhà. Đi qua vài con rẫy, chúng tôi đến nơi già đang thả bò. Ngồi dưới bóng cây điều, già Kốt lục tìm trong trí nhớ và kể lại: Thác Nhà Thương tên thật là Jrai Píc. Píc là tên ngôi làng với hàng chục hộ dân sống gần thác nước. Trong Chiến dịch Plei Me năm 1965, bộ đội ta đã dùng hang Nhà Thương như trạm phẫu tiền phương để cấp cứu, chữa trị cho thương binh. Những năm chiến tranh sau đó, mỗi khi bom đạn dội xuống, máy bay địch bắn phá, dân làng lại bồng bế, gùi cõng nhau trốn vào hang đá dưới chân thác. Lòng hang rộng có thể chứa được cả trăm người. Đó cũng là nơi mà bà con đem giấu cồng chiêng, tài sản quý giá tránh khỏi bị cướp bóc. Sau năm 1975, dân làng Píc di dời về sáp nhập với làng Pia bây giờ.

Cùng với Di tích Chiến thắng Plei Me, thác Nhà Thương sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Phương Linh

Cùng với Di tích Chiến thắng Plei Me, thác Nhà Thương sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Phương Linh

Từng chiến đấu trong đội hình Đại đội 1 (Tiểu đoàn 12, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), ông Kpă Nang (SN 1950, làng Ngó, xã Ia Pia) tham gia nhiều trận đánh lớn trên chiến địa Plei Me. “Năm 1972, trong một trận đánh nhau với Mỹ-ngụy, khi địch dội bom ác liệt, du kích xã đưa chúng tôi trú tránh trong hang đá dưới chân thác Nhà Thương. Đây là nơi trú ẩn rất an toàn, dù địch có dội xuống bao nhiêu bom đạn cũng không hề hấn gì”-ông Nang chia sẻ. Giúp chúng tôi khẳng định một lần nữa về sự tồn tại của hang đá cách mạng, cựu du kích Siu Póp (SN 1952, làng Ngó, xã Ia Pia) nhớ lại: “Trước đây, quanh thác là rừng cây rậm rạp nên bà con làng Píc cũng như những làng lân cận dễ dàng qua mắt địch, dắt díu nhau chui vào hang đá dưới chân thác trú ẩn. Những người không may bị trúng đạn cũng ở trong hang để băng bó, chữa trị, dưỡng thương, người bị nặng thì mới chuyển lên tuyến trên”.

Chúng tôi rời thác Nhà Thương khi những tia nắng cuối ngày dần tắt. Vùng đất chiến địa ác liệt năm nào giờ đã nhiều biến đổi và vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ. Lọt thỏm giữa núi rừng, thác Nhà Thương-chứng tích cho một giai đoạn cách mạng hào hùng vẫn ngày đêm cuộn chảy, nối dài những câu chuyện kể cho thế hệ mai sau.

PHƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202108/chuyen-chua-biet-ve-thac-nha-thuong-5748389/