Chuyện chưa kể ở 'làng' cách mạng - nơi Bác Hồ dừng chân, trước khi tiến vào Quảng trường đọc Tuyên ngôn độc lập

Trước thềm kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, làng Phú Xá (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) trở nên nhộn nhịp, rôm rả bởi những câu chuyện về Bác, về vùng an toàn khu Thủ đô thuở nào còn nguyên vẹn những kỷ niệm lịch sử...

Ngôi nhà 3 gian của cụ Nguyễn Thị An làm nơi trưng bày kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Loan

Ngôi nhà 3 gian của cụ Nguyễn Thị An làm nơi trưng bày kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Loan

"Làng cách mạng" với 3 lần đón bác Hồ

Hỏi thăm đến làng Phú Xá (xưa là làng Sù, xã Phú Gia, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội), người dân lân cận ai cũng tỏ tường và gọi nơi đây với cái tên rất đỗi thiêng liêng là "Làng cách mạng". Bởi lẽ trong quá khứ, làng Phú Xá không chỉ là điểm nghỉ chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ khi vừa trở về từ chiến khu Việt Bắc mà còn là nơi hoạt động cách mạng bí mật và tiếp tế lương thực thực phẩm, y tế, thuốc men… cho cán bộ hoạt động cách mạng.

Ngôi nhà 3 gian của cụ Nguyễn Thị An (1896 - 2000) đã tiếp đón, nuôi giấu đoàn cán bộ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội từ ngày 23/8/1945-25/8/1945. Sau đó, chính cụ lại tiếp tục tiếp đón Bác lần thứ hai vào ngày 24/11/1946.

Đến nay, căn nhà ấy là nơi trưng bày những kỷ vật, tư liệu về dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người rời đến Quảng trường Ba Đình để đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tiếp quản ngôi nhà hiện nay là ông Công Ngọc Dũng (SN 1962, cháu nội cụ An).

Thuộc lòng những câu chuyện về Bác

Ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ An) mô tả cho PV hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống bến đò Phú Xá và tiến vào đình làng. Ảnh: B.Loan

Ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ An) mô tả cho PV hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống bến đò Phú Xá và tiến vào đình làng. Ảnh: B.Loan

Ông Dũng hồ hởi dẫn chúng tôi vào khu trưng bày. Bằng chất giọng thanh thanh, đậm chất Hà thành, ông hướng dẫn cho chúng tôi lần lượt xem những kỷ vật cùng các bức ảnh đen trắng đang treo ngay ngắn trên tường và thuyết minh tường tận về những "dấu chân" của Bác.

Ông Dũng bùi ngùi: "Mặc dù câu chuyện về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi ở làng Phú Xá chỉ được nghe cha (tức cụ Công Ngọc Kha - con trai thứ hai của cụ An - PV) kể lại, nhưng tôi thấy như mình được truyền cảm hứng. Khi kể lại cho những thế hệ sau, tôi háo hức như chính mình đang ở trong thời kỳ đó".

Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông Dũng kể, từ năm 1942 - 1943, nhiều gia đình ở làng Phú Xá bắt đầu tham gia cách mạng và ngôi nhà 3 gian của cụ An chính thức được chọn làm địa điểm tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men… cho cán bộ.

Ông Dũng kể: "Cột mốc đáng nhớ nhất với gia đình tôi và người dân làng Phú Xá lúc bấy giờ là chiều 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ cập bến đò Phú Xá. Sau khi băng qua gốc cây gạo ở bến đò thì Người cùng đoàn cán bộ tiến vào đình Phú Xá nghỉ ngơi và ăn cơm tạm. Đến chiều tối cùng ngày, bác Hoàng Tùng (người phụ trách an toàn khu vùng Nam sông Hồng) dẫn Người cùng đoàn cán bộ vào nhà tôi nghỉ ngơi".

"Tôi nhớ bà nội kể, chiều tối hôm đó, khi đoàn cán bộ vào đến nhà, bác Hoàng Tùng nói với bà tôi rằng: Có đoàn cán bộ ở chiến khu mới về, gia đình chuẩn bị nhường ngôi nhà này lại cho các đồng chí. Gia đình chuẩn bị đồ ăn như ngày thường, nhưng tươi hơn một chút. Khi ấy, bố tôi là ông Công Ngọc Kha đang đi họp dưới nhà bà Hai Mẽ thì được người nhà gọi về có khách. Vừa đến cổng làng, bố tôi thấy an ninh thắt chặt, bà tôi phải ra nhận người nhà mới được vào. Bố tôi cảm nhận không khí ngôi nhà rất khác mọi ngày, đông người hơn nhưng lại rất yên tĩnh", ông Dũng kể.

Hướng tay vào bộ tràng kỷ nhuốm màu thời gian ở góc nhà, ông Dũng tiếp lời: "Trước mắt bố tôi lúc ấy là hình ảnh một ông cụ (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh-PV) ngồi trên chiếc ghế này mải miết viết, ghi chép rồi đánh máy. Vì không biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh nên bố tôi đoán đây là đồng chí thượng cấp. Ấn tượng đầu tiên là cụ có đôi mắt rất sáng, chòm râu thưa và vầng trán rất cao. Ngay tối đầu tiên, cụ đã làm việc đến khuya mới ngủ trên sập kê ở giữa nhà. Đêm đó, bác Hoàng Tùng được nằm cùng cụ để vừa kể chuyện, vừa báo cáo tình hình Hà Nội cho cụ".

"Sáng 24/8/1945, cụ dậy rất sớm và thể dục ở chiếc ao nhỏ đầu hè, sau đó tiếp tục chăm chú làm việc. Trong ngày 24 và 25/8/1945, gia đình tôi có nhiều khách hơn nhưng vẫn giữ được sự yên tĩnh và an toàn tuyệt đối. Sau này, cha tôi mới được biết, những vị khách đó chính là bác Nguyễn Lương Bằng, bác Trần Đăng Ninh, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, bác Trường Chinh đã về đây và ngồi trên bộ tràng kỷ này để báo cáo với Bác Hồ về kết quả thực hiện ở Hà Nội và kết quả tổng khởi nghĩa trên cả nước", ông Dũng cho hay.

Ông Dũng nhớ lại, đến chiều tối 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp, trò chuyện, cảm ơn tất cả các thành viên trong gia đình cụ An đã giúp đỡ hết lòng và hứa sẽ quay trở lại một lần nữa. Sau đó, Bác cùng đoàn cán bộ rời đến căn nhà ở số 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm).

Đến ngày 2/9/1945, người dân làng Phú Xá và gia đình bà An được ra Quảng trường Ba Đình dự cuộc mít tinh khổng lồ. "Cha tôi kể, khi giọng nói trên khán đài vang lên thì tất cả thành viên trong gia đình ngờ ngợ bởi giọng nói này quá quen thuộc. Cha tôi tự nhủ, hình như ông cụ ở nhà mình mấy hôm trước. Về tới cổng làng, khi được bác Hoàng Tùng cho biết cụ ông đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không chỉ người nhà tôi mà tất cả dân làng đều phấn khởi và tự hào", ông Dũng xúc động cho hay.

Người gìn giữ dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại ngôi nhà 3 gian của cụ An. Ảnh: B.Loan

Kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại ngôi nhà 3 gian của cụ An. Ảnh: B.Loan

Sau này, khi nước Việt Nam Dân chủ Công hòa được khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa quay lại tư gia cụ Nguyễn Thị An để thăm và tạm biệt gia đình.

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), gia đình cụ An đã hiến tặng cho Nhà nước ngôi nhà 3 gian để làm nơi trưng bày các kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chọn ngày 23/8 hàng năm là ngày ôn lại, tưởng nhớ Người.

Với ông Công Ngọc Dũng và các thế hệ con cháu ở làng Phú Xá, được nghe những câu chuyện về "dấu chân" của Bác Hồ không chỉ là niềm tự hào mà còn là một vinh dự rất lớn. Bây giờ, ai cũng thuộc lòng những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày ấy. Và mỗi khi được hỏi, họ mải miết kể như chính họ là người trong cuộc, đang trải qua những thời khắc lịch ấy...

Theo UBND phường Phú Thượng, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An chính thức được xếp hạng di tích cách mạng cấp tỉnh, thành phố vào năm 2019. Sự kiện mang nhiều ý nghĩa khi việc xếp hạng vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Đây cũng là địa điểm tham quan, học tập, tuyên truyền và giáo dục thế hệ trẻ hiểu thêm về tinh thần cách mạng, tinh thần đoàn kết và tình yêu quê hương đất nước của nhân dân Phú Thượng, nhân dân Thủ đô và các địa phương khác.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-chua-ke-o-lang-cach-mang-noi-bac-ho-dung-chan-truoc-khi-tien-vao-quang-truong-doc-tuyen-ngon-doc-lap-20200831160548569.htm