Chuyện chưa kể phía sau ca hiến tạng ở bệnh viện tuyến tỉnh

Việc vận động gia đình người bệnh chết não chấp thuận hiến đa tạng ở Quảng Ninh đã cứu sống nhiều bệnh nhân lay lắt chờ ghép tạng. Đằng sau thành công đó là nhiều câu chuyện cân não của các bác sĩ điều phối, thực hiện lấy – ghép tạng.

Nhanh chóng lập kế hoạch tác chiến

Ngày 31/3, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí về bệnh nhân D.M.Đ (sinh năm 1988, tỉnh Quảng Ninh) bị chết não sau tai nạn giao thông và gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng.

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cử kíp y bác sĩ về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để hỗ trợ.

Sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình người bệnh chết não, các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng ghép cho các bệnh nhân khác (ảnh BVCC).

Sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình người bệnh chết não, các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng ghép cho các bệnh nhân khác (ảnh BVCC).

Kíp hỗ trợ từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên đường đi Quảng Ninh ngay lập tức sau khi nhận thông tin và chỉ sau 60 phút họ đã có mặt tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Người bệnh đủ tiêu chuẩn khẳng định chết não, tuy nhiên theo thông tin từ ê-kíp BV 108 với băn khoăn 1 chút về điện não đồ, từ Hà Nội, đích thân PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhanh chóng di chuyển về Quảng Ninh.

"Mặc dù bệnh nhân đã hội đủ yếu tố khẳng định chết não, tuy nhiên, dù chỉ 1 lăn tăn nhỏ chưa chắc chắn về điện não đồ của bệnh nhân, chúng tôi phải cho chụp động mạch não. Đây là một kỹ thuật thăm dò chuẩn để khẳng định chết não nhưng rủi ro có thể gây độc cho gan, thận. Với kết quả chắc chắn bệnh nhân chết não, công tác lấy tạng, phân phối tới các đơn vị ghép mới được thực hiện", BS Đồng Văn Hệ chia sẻ.

Cuộc họp online khẩn từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với các đơn vị ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Trung ương Huế… nhằm lên kế hoạch "tác chiến" giữa các đơn vị nhanh chóng xác lập, phân công triển khai phối hợp nhịp nhàng lấy tạng, phân về đúng các bệnh viện. Và sau đó, các bệnh viện tổ chức cử người đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nhận tạng.

Nhớ lại hành trình hỗ trợ cho cuộc lấy – ghép tạng đó, BS Lê Trung Hiếu, Trung tâm Ghép tạng, BV 108 chia sẻ: Vào đúng 15h chủ nhật, nhận điện của Trung tâm thông báo có ca chết não hiến tạng tiềm năng, ban lãnh đạo BV 108 quyết định cử ê-kíp khẩn trương xuất phát đến Quảng Ninh. 18h, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí với nhiệm vụ chẩn đoán chết não, hồi sức tạng, đánh giá nhân lực – năng lực tại đơn vị thực hiện lấy tạng, tìm hiểu vận động gia đình và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện...

Bên cạnh nỗ lực từ bệnh viện tuyến tỉnh, tất cả ê-kíp đối mặt với một số khó khăn như việc bệnh viện chưa có hội đồng chẩn đoán chết não, nên cần hướng dẫn thành lập, thực hiện chẩn đoán và giải quyết những vấn đề phát sinh; Chưa có đủ thuốc, cơ sở vật chất cùng nhân lực chưa đảm bảo để hồi sức tạng... Với mục đích đảm bảo chất lượng tạng, chúng tôi quyết định tách bệnh nhân và điều động 1 nhóm chuyên chăm sóc tạng, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị khác về thiết bị và thuốc.

Từ lên kế hoạch, triển khai phối hợp từ nhiều đơn vị y tế, gói gọn trong chưa đầy 10 giờ đồng hồ, các xe lấy tạng nối đuôi nhau đưa tạng hiến về các đơn vị ghép. Với chuyến xa nhất là về Huế, ghép 3 ca cho người nhận đều là trẻ em.

Xe chuyển nguồn tạng hiến lăn bánh tỏa về các bệnh viện, nhanh chóng ghép cho bệnh nhân.

Xe chuyển nguồn tạng hiến lăn bánh tỏa về các bệnh viện, nhanh chóng ghép cho bệnh nhân.

Lần đầu tiên Việt Nam tách gan thành công

Theo BS Hiếu, trước ca phẫu thuật lấy tạng, do tạng được phân bổ về các bệnh viện với khoảng cách địa lý khác nhau nên các chuyên gia có cuộc họp bàn trực tuyến phân bổ thứ tự lấy lạng sao cho phù hợp, đảm bảo thời gian thiếu máu tạng ngắn nhất có thể.

Trong phẫu thuật lấy tạng này, lần đầu tiên các bác sĩ đã chia tách gan người hiến chết não thành công để ghép cho hai người, gan thùy phải ghép cho 1 trẻ em ở Bệnh viện Trung ương Huế và gan thùy trái ghép cho 1 người lớn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. "Việc tách gan thành công này đã tạo nên cột mốc mới cho kỹ thuật lấy - ghép gan tại Việt Nam", ông Hệ nhận định.

Ở đơn vị xa nhất nhận tạng ghép cho bệnh nhân, BS Phạm Ngọc Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: Với thành công của lần ghép tạng này, bệnh viện đạt cùng lúc 3 kỷ lục đó là "cùng lúc ghép bộ 3 tạng tim, gan, thận; Thành công các ca ghép có thời gian vận chuyển tạng xuyên Việt dài nhất (từ Huế - Hà Nội - Quảng Ninh và ngược lại) và trong 48 giờ cùng với ghép 3 tạng xuyên Việt, các bác sĩ đã ghép 4 tạng thường quy và 1 ghép thận tự thân ở bệnh nhân nguy kịch đa chấn thương".

BS Hùng chia sẻ thêm: "Trong hành trình từ Huế đi Quảng Ninh nhận tạng hiến, chúng tôi vừa di chuyển vừa nghe họp online chỉ đạo từ các thầy với quyết tâm không sai sót, không chậm trễ dù ngăn cách địa lý cũng nỗ lực vì người bệnh. Hành trình khẩn trương xuyên đêm đã đưa các khối tạng về, kịp thời ghép cho các bệnh nhân. Đến thời điểm này, bệnh viện vui mừng thông tin các bệnh nhân ghép đều đã ổn định".

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, thành công của ca hiến có hai đặc điểm lớn, đó là bệnh viện tỉnh đầu tiên chưa ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não - hồi sức chết não và lần đầu tiên chia tách gan người hiến chết não thành công để ghép cho hai người (gồm 1 trẻ em, 1 người lớn).

Từ mô hình này, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có thể chia sẻ những kinh nghiệm và lan tỏa ra các đơn vị khác, mở rộng hơn mạng lưới tư vấn hiến tạng, gia tăng nguồn tạng hiến, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống hơn nữa.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-chua-ke-phia-sau-ca-hien-tang-o-benh-vien-tuyen-tinh-192240409141604145.htm