Chuyện chưa kể trước Ngày Giải phóng miền Nam - Bài 2: Hành trình vào vùng giải phóng

Gần cuối năm 1974, các anh trong đội công tác báo là sắp tới sẽ có chiến dịch, đánh trận lớn. Đội công tác yêu cầu mẹ tôi chuẩn bị một con heo cho các mạng để làm lương thực.

Tác giả (trái) chụp cùng người em khi cùng vào tiếp quản thị xã La Gi.

Tác giả (trái) chụp cùng người em khi cùng vào tiếp quản thị xã La Gi.

Bị lộ

Mẹ tôi nuôi một con heo thật to để dành cho các anh trong đội công tác. Rồi vào một đêm, tôi không nhớ chính xác ngày nào, các anh đột nhập vào ấp, ghé nhà tôi lấy heo. Nhưng con heo to quá, mà bắt đi thì sợ heo kêu sẽ bị lộ. Nên anh Bốn Đường trong đội công tác lấy khẩu sung K54 đưa sát vào lỗ tai heo, một âm thanh đanh gọn vang lên và các anh khiêng con heo rời ấp trong đêm tối. Cả nhà tôi lo lắng cho đến sáng không ai ngủ được. Trời vừa mờ sáng, cả nhà đã dậy để đi kiểm tra coi đêm qua có còn dấu vết gì để lại thì loại bỏ hẳn. Thấy những vệt máu của heo chảy từ nhà tôi tới suốt chặng đường đi, mẹ tôi đã phải lấy cát để khỏa lấp hòng xóa mọi dấu vết. Nhưng không hiểu vì lí do nào, cuối cùng bọn lính ở đồn gác ấp chiến lược ở Sùng Nhơn (Nam Chính -Đức Linh bây giờ) vẫn phát hiện ra. Qua phân tích điều tra chúng biết được gia đình tôi chính là nơi liên hệ với cách mạng. Khi chúng báo tin cho cấp trên về một gia đình đã cung cấp heo cho quân giải phóng thì cũng đồng thời bên cách mạng cho người đưa mẹ tôi và tôi di tản ngay trong đêm. Khi đi vào đến chiến khu, mẹ con tôi mới biết được rằng bọn địch báo cáo về trên qua máy vô tuyến PRC-25; ta đã dò được sóng vô tuyến, nên nắm được thông tin này và kịp thời đưa mẹ con tôi đi.

"Dậy, đi gấp vào vùng giải phóng thôi con!". Mẹ vừa đánh thức tôi, vừa vơ đại vài bộ quần áo bỏ vào giỏ xách. Tôi lúc ấy mê chơi đàn hơn ăn cơm đã nhảy xuống giường lấy cây đàn trước tiên, cùng với vài cuốn sách và mấy bộ quần áo, luống cuống đi theo mẹ mà vẫn chưa kịp hiểu có chuyện gì xảy ra. Trước nhà, hai chú bộ đội đã chờ sẵn. Trời đêm đầy sao, se lạnh. Bấy giờ là thời điểm cuối năm 1974, chuẩn bị đón tết âm lịch. Thời điểm này, tôi - cậu bé vừa tròn 14 tuổi đã sinh hoạt trong đội thiếu niên tiền phong do anh Lâm Hòa Kháng phụ trách, đã từng đưa tin địch cho đội công tác… cảm nhận tất cả như đang hừng hực với phát động Chiến dịch giải phóng Hoài Đức, Tánh Linh trong khí thế góp phần Tổng tiến công nổi dậy năm 1975.

Trước đó, tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về tiến hành tổng công kích, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy Bình Tuy đã họp và đề ra nghị quyết hoạt động mùa khô 1974 -1975. Theo đó, khu 6 đã chọn 2 huyện: Tánh Linh và Hoài Đức làm hướng trọng điểm, vì có liên quan đến thế chiến lược với miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên sẽ làm bàn đạp thuận lợi cho thế tiến công và uy hiếp Sài Gòn. Vì thế, đêm ngày 9, rạng ngày 10/12/1974, mặt trận Hoài Đức – Tánh Linh đã đồng loạt nổ súng tấn công địch và đã chiếm được Đồi Bảo Đại, núi Dinh, cứ điểm Lồ Ồ… Địch thua liểng xiểng, lại vào thời điểm gần Tết nên lính ở đồn gác ấp chiến lược cũng nhớ về gia đình nên chểnh mảng canh gác về đêm. Thế là mẹ và tôi qua được điểm dễ bị lộ ấy một cách dễ dàng.

Bên kia là vùng giải phóng

Về ở trong căn cứ tại đội công tác khoảng hơn 10 hôm để chờ giao liên đưa hai mẹ con tôi về vùng giải phóng. Trong thời gian đó, tôi theo các anh bộ đội đưa lương thực, đạn dược lên núi Dinh, khi đó ta vừa mới chiếm được. Có lần đi cùng với anh Sắc (ở đơn vị đóng ở Núi Dinh) từ Núi Dinh về căn cứ, bị trực thăng quần bắn suốt mấy chục phút, hai anh em ẩn nấp trong vườn chuối của người dân, trận đó cũng suýt chết. Những ngày trong căn cứ là những ngày có quá nhiều điều mới lạ. Gần như mọi sinh hoạt của tôi phải thay đổi: Từ việc ăn, ngủ, tắm, giặt… ở căn cứ không thể thắp đèn sáng như bình thường, mà chỉ là những cái đèn dầu bé tí làm bằng chai thủy tinh, và bấc đèn làm từ viên đạn carbin, phía trên có nắp vặn. Tắm giặt thì nước dưới suối, còn dụng cụ sinh hoạt đa năng nhất như làm thau, chậu giặt áo quần, mái che sương gió để ngủ… là tấm ni lông. Những bữa cơm đạm bạc phổ biển có rau rừng, muối mè, đậu phộng; thỉnh thoảng cải thiện được bữa thịt rừng. Những ngày ở đó thật nhiều kỷ niệm. Hàng ngày gặp các anh trong đội công tác. Những anh em bị thương đã khỏe, đang còn dưỡng thương; những anh em ra vùng địch trở về, nơi đây như một trạm tiền tiêu đề kết nối vùng hậu cứ với mặt trận tiền phương.

Hai mẹ con tôi đi trọn 1 ngày thì tới trạm giao liên đầu tiên. Đi liên tục hơn 8 tiếng đồng hồ, vừa mệt vừa đói, đến trạm hai mẹ con được ăn cơm cùng vài người trong trạm. Bữa cơm với rau tàu bay nấu canh và măng rừng kho mà rất ngon. Ngày hôm sau thì có tram giao liên khác đến đón mẹ và tôi tới trạm giao liên kế tiếp để bàn giao. Cứ thế, trải qua khoảng 6 – 7 trạm giao liên như vậy với những người dẫn đường từ lạ thành thân quen. Suốt hành trình cứ phải băng qua những cánh rừng rậm, rừng chồi, trảng tranh trải dài ngút tầm mắt ở phía Nam sông La Ngà. Rừng thâm sâu không đáng sợ bằng những lúc trên đầu bỗng gầm rú máy bay địch với bom đạn vãi bất ngờ. Mẹ và tôi cứ đi xuyên qua vùng chiến sự đang diễn ra ác liệt ấy. Ban đầu còn sợ hãi, sau thì bình thản, lúc nào cũng ở tâm thế như mỗi ngày thức dậy là ngày cuối cùng được sống. Vì thế, cứ tới trạm giao liên nào, sau khi tắm rửa, cơm nước, tôi lại mang đàn ra đánh cho các cô chú nghe như một lời cảm ơn, như một lời chào cuối có thể cho mẹ và tôi và cũng có thể cho cả các cô chú giao liên ấy. Cuối cùng vào đầu tháng 1/1975, mẹ và tôi đã đặt chân đến Gia An, vùng mới giải phóng được vài ngày. Ngủ ở chùa Quảng Sơn được vài ngày nữa, sau thì theo đường mòn về Sùng Nhơn, mẹ và tôi chính thức ở vùng giải phóng an toàn.

Lúc này, tôi thấy mẹ khóc. Không biết mẹ khóc vì đã an toàn hay mẹ khóc vì ngôi nhà cũ ở Nam Chính đã bị giặc bắn phá tan tành sau khi chúng tôi đi vài ngày. Còn với tôi, đó là một hành trình sinh tử mang hình vòng tròn, khi bọc qua núi Ông (Tánh Linh) về lại Sùng Nhơn (Đức Linh). Trên bản đồ, nơi nhà tôi băng ngang qua Sùng Nhơn ấy theo đường chim bay không xa mấy. Lúc đi, nghe mẹ nói bên kia vùng giải phóng cứ nghĩ là gần, vì bên kia mà. Nhưng phải mất hơn 15 ngày mới sang tới nơi. Và cũng nhờ hành trình ấy, tôi nhận ra vùng đất Hoài Đức, Tánh Linh này có vị trí như một định mệnh khi sông La Ngà chảy qua, phân định ra 2 vùng Nam sông, Bắc sông. Và hiện trạng lúc ấy, với Nam sông, vùng chưa giải phóng, còn Bắc sông đã là vùng giải phóng. Chính Chiến thắng Hoài Đức – Bắc Ruộng năm 1965 đã khiến địch tháo chạy khỏi vùng Bắc Sông và trước đó không lâu, chúng đã kịp dồn dân ở vùng Sùng Nhơn sang Nam Chính rồi gọi chung là Sùng Nhơn. Vì thế, cuộc hành trình của mẹ và tôi là về lại Sùng Nhơn cũ, một vùng của mảng bên Bắc sông đã giải phóng.

Từ đây, cuộc sống của mẹ và tôi bước sang trang mới. Tôi, cậu bé chớm bước qua tuổi 15 đầy sức trẻ và là nguồn để cách mạng đưa đi đào tạo phục vụ cho ngày giải phóng, xây dựng chính quyền mới. Ngày 6/2/1975, tôi chính thức là 1 trong 11 giáo sinh của lớp sư phạm đầu tiên được nhuốm học dưới tán rừng thuộc huyện Nam Thành (xã Nghị Đức bây giờ).

Bài 3: Lớp sư phạm đặc biệt

Bài và ảnh: Hồ Trung Phước

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-chua-ke-truoc-ngay-giai-phong-mien-nam-bai-2-hanh-trinh-vao-vung-giai-phong-20200423115123743.htm