Chuyện chưa kể về hội nghị kết thúc Thế chiến 2: Cuộc gặp gỡ cuối cùng của tam cường
Gần 75 năm về trước, ngày 17/7/1945 tại Brandenburg, Đức đã diễn ra hội nghị Potsdam nổi tiếng.
Thế chiến thứ 2 khép lại với sự thất bại của Đức Quốc xã, ngay sau đó các nhà lãnh đạo “tam cường” gồm Joseph Stalin, Winston Churchill và Harry S. Truman đã tổ chức cuộc họp lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng tại thành phố Potsdam cách Berlin 20km để tổng kết chiến tranh và thỏa thuận phương hướng cho một nền hòa bình lâu dài.
Trước đó ba nhà lãnh đạo đã có hai lần gặp gỡ, một lần vào cuối năm 1943 tại Tehran và lần khác vào đầu năm 1945 tại Yalta. Hội nghị Potsdam là hội nghị lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng giữa ba nhà lãnh đạo “tam cường”, diễn ra trong vòng 16 ngày, từ ngày 17/7 đến ngày 2/8/1945.
Thành phần các bên tham gia hội nghị có nhiều thay đổi. Đầu năm 1945, Tổng thống Mỹ Franklin Rooservelt qua đời, người kế nhiệm ông là Harry Truman. Trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào đầu tháng 7 tại Anh, Winston Churchill, một biểu tượng của nước Anh trong Thế chiến 2, một lãnh đạo của đảng Bảo thủ, đã để lọt chiến thắng vào tay Clement Attlee, lãnh đạo đảng Lao động. Do vậy, Stalin trở thành người duy nhất tham gia đầy đủ cả ba cuộc hội nghị giữa ba cường quốc.
Hội nghị Potsdam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với việc xét xử tội phạm chiến tranh tại Châu Âu cũng như trên toàn thế giới, chính nó cũng đặt ra sự khởi đầu của “kỷ nguyên hạt nhân” trong lịch sử ngoại giao thế giới.
Thông báo mã hóa
Ngay vào ngày diễn ra hội nghị, Tổng thống Harry Truman đã nhận một thông báo được mã hóa với nội dung như sau: “Trẻ em được sinh ra khỏe mạnh”. Hàm ý nói về hậu quả của việc Mỹ thử bom nguyên tử tại New Mexico. Churchill thì đã nắm được thông tin này còn Stalin, theo dự đoán của các chuyên gia, lại không hề hay biết.
Truman thì không thể kiên nhẫn được đã báo cho Liên Xô biết mình đang nắm trong tay con bài tẩy quyền lực. Ông đến gặp trực tiếp Stalin và thông qua biên dịch thông báo rằng Mỹ đã chế tạo được loại vũ khí có sức công phá không tưởng.
Chính Truman sau này nhớ lại và nói rằng: “Lúc đó tôi nói với Stalin một cách rất thoải mái rằng chúng tôi đã sở hữu một loại vũ khí mới có sức công phá không tưởng. Nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó thậm chí còn chẳng biểu lộ sự quan tâm. Ông chỉ nói rằng rất vui khi biết điều này và hy vọng rằng chúng tôi có thể tận dụng tốt loại vũ khí này để chống lại Đế quốc Nhật.” Cùng với Truman, Churchill ngồi gần đó cũng tập trung theo dõi phản ứng của nhà lãnh tụ Liên Xô, nhưng Stalin lại bình thản đến kỳ lạ và sau cùng cả hai cùng đi đến kết luận rằng Stalin thậm chí còn chẳng hiểu ý nghĩa của câu nói vừa rồi.
Churchill nhớ lại: “Lúc đó tôi chắc chắn rằng, Stalin không hề nhận thức được tầm quan trọng của công trình nghiên cứu mà Mỹ và Anh đã dày công thực hiện trong suốt một khoảng thời gian dài, công trình mà Mỹ đã mạo hiểm chi 400 triệu bảng Anh”.
Nhưng dĩ nhiên là Stalin hiểu tất cả. Ông còn nắm trong tay những thông tin khá chi tiết mà lực lượng tình báo Liên Xô thu thập được, thậm chí là cả ngày giờ chính xác của cuộc thử nghiệm.Vì thế trong ngày hôm đó, Stalin đã ngay lập tức trao đổi với Viện sĩ Igor Kurtratov về việc xúc tiến dự án hạt nhân của Liên Xô.
Chiến dịch di chuyển quy mô
Theo một số nguồn thông tin mật, để đưa Stalin tới Berlin, người ta phải tiến hành cả một chiến dịch quy mô với mật danh “Cây cọ”: Di chuyển 1.923 km từ Moscow tới Berlin bằng đường sắt. Chiến dịch gặp không ít khó khăn, một trong số đó là đường ray trên vùng lãnh thổ giữa Đức và Ba Lan rất hẹp, trong khi đó không thể thay được bánh của đoàn tàu tại biên giới, vì vậy người ta đã tiến hành xây dựng hơn 800 km đường sắt theo mẫu của Liên Xô chỉ trong vòng một tháng.
Đoàn tàu chở Stalin gồm các toa bọc thép, được 80 sĩ quan an ninh tháp tùng và toàn bộ hành trình được bảo vệ bởi một lực lượng hùng hậu gồm 18.000 binh lính. Trên mỗi cây số hành trình đều có một lực lượng nhất định làm công tác canh gác, bảo đảm an ninh: Trên lãnh thổ Liên Xô 6 người/km, Ba Lan 8-10 người/km, Đức 15 người/km. Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Liên Xô sẽ tới Berlin, sau đó quay trở lại Moscow bằng tàu hơi nước nhưng do một số thay đổi nên sau đó đã sử dụng tàu diesel.
Toàn bộ lãnh thổ Potsdam trong những ngày diễn ra hội nghị được bao quanh bởi một vòng an ninh kép. Ngoài ra, người đứng đầu đội an ninh của Stalin còn mang theo một đội dự bị tinh nhuệ riêng.
Hội nghị Potsdam theo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 16/7. Nhưng Stalin tới muộn một ngày do vướng cuộc đàm phán với Trung Quốc mà bác sĩ lại không cho phép ông di chuyển bằng máy bay nên hội nghị đã được dời sang ngày hôm sau.
Các tác giả của những cuốn sách về cuộc đời của Đại Nguyên soái Stalin khẳng định rằng, ngay khi đến Hội nghị Stalin đã bị nhồi máu cơ tim lần thứ ba. Còn phía Mỹ thì sau đó cho rằng chính Stalin đã mang “sự chậm trễ ngoại giao” vào nghi thức quốc gia của Liên Xô, điều luôn khiến cho các đối tác phải quan ngại.
Tổng thống Truman thì quyết định vượt Đại Tây Dương bằng tàu hộ vệ August. Và vì ông bị say sóng không chịu được sự tròng trành của tàu khi đi biển nên một chiếc tàu khác là tàu hộ vệ hạng nặng Philadelphia đã phải đi trước để chắn sóng.
Cung điện Cecilienhof
Trong thời gian diễn ra hội nghị, phía Anh và Mỹ đã quyết định “thăm quan” thành phố Berlin, nơi mà giờ đây đã thành một đống hoang tàn. Tại đó họ có thể ngửi thấy mùi của tàn tro, mùi phân hủy ở những cầu cống đổ nát. Những người tham gia chuyến thăm quan đó nhớ lại, “lúc đó người người hỗn loạn chạy qua chạy lại với đống đồ đạc trong tay, thời tiết thì nóng kinh khủng”. Sau đó, trên đường về cả đoàn đã phải tắm rửa và khử trùng sạch sẽ.
Hội nghị Potsdam diễn ra tại cung điện Cecilienhof. Đây là nơi cư trú của hoàng tử Wilhelm, không bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom, được xây dựng theo lối kiến trúc điền trang của người Anh và được đặt theo tên người vợ của hoàng tử là Cecelia.
Nửa tháng trước khi diễn ra hội nghị quốc tế này, toàn bộ những người đang sống trong cung điện đã được chuyển đi, đường đi trong cung điện và những thứ đã cũ nát được xây mới và sửa chữa, người ta cũng đã bắc thêm một cây cầu mới và thay toàn bộ đường ống dẫn nước của nơi đây.
Sau hội nghị, cung điện Cecilienhof và công viên đã mở cửa cho khách thăm quan cho đến ngày hôm nay. Trong cung điện người ta cho xây dựng một khách sạn sang trọng và một bảo tàng cho những sự kiện năm 45. Ngoài ra, tại đây du khách còn có thể chiêm ngưỡng nơi ở của hoàng tử và phu nhân.
Chiếc bàn họp của hội nghị Potsdam được chế tác tại nhà máy đồ gỗ Lux, Moscow. Chính chiếc bàn này là nơi ngồi họp của những người đứng đầu các nước thuộc liên minh chống Phát xít. Nó cồng kềnh đến nỗi phải mang vào phòng họp qua cửa sổ.
Hội nghị Potsdam đã giải quyết một số vấn đề lớn và làm phát sinh một nhiều vấn đề khác. Chính tại hội nghị này đã xác định đường biên giới của nhiều nước Châu Âu ngày nay, lần đầu tiên đề cập đến vấn đề hạt nhân, và cũng phơi bày hàng loạt những mâu thuẫn giữa những quốc gia trước đây đã cùng chung chiến tuyến, điều này đã sớm dẫn tới Chiến tranh lạnh.
(Tham khảo nguồn: Tạp chí Vokrug sveta)