Chuyện chưa kể về người vẽ bản đồ đường Trường Sơn năm xưa

Vào thời điểm chiến tranh khốc liệt, người lính Nguyễn Lương Cảnh bền bỉ làm một việc cực kỳ bí mật, đó là vẽ bản đồ đường Trường Sơn. Nghỉ hưu, trở về quê hương, người cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi.

Người thầm lặng vẽ bản đồ đường Trường Sơn

Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn năm xưa là ông Nguyễn Lương Cảnh (phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ông nhập ngũ năm 1965, khi chưa đầy 19 tuổi.

Từ người lính vẽ bản đồ đường Trường Sơn năm xưa, ông Nguyễn Lương Cảnh trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi.

Tháng 2/1967, ban chỉ huy thấy ông khéo tay nên chuyển ông về Bộ Tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Nhiệm vụ của ông là vẽ, quản lý toàn bộ bản đồ đường Trường Sơn từ tháng 5/1967.

Ông Nguyễn Lương Cảnh nhớ lại: Thời gian đó, mới khoảng 10 tuyến đường chính như: đường 16, 20, 10, 12..., nhưng khi chiến tranh kết thúc, đến tháng 2/1976, toàn bộ hệ thống đường Trường Sơn có 216 con đường (chưa kể đường sông) dài trên 20.000 km. Công việc của người vẽ bản đồ thời đó không hề đơn giản và phải tuyệt mật.

Ông Nguyễn Lương Cảnh kể thêm: Công việc vẽ bản đồ đòi hỏi độ chính xác cao. Không những thế điều kiện thời chiến vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Để có được những tấm bản đồ, những người lính Trường Sơn đã phải nỗ lực phi thường.

Nhiều đoạn đường làm chưa xong, bom Mỹ lại giội xuống vùi lấp, nhiều đoạn thì đường hẹp, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, cứ 30 phút, máy bay địch lại giội bom một lần.

Ông Cảnh kể thêm, thời đó, việc vẽ bản đồ là tuyệt mật, vì vậy ông không hề được tiếp xúc với ai ngoài những người chỉ huy. Ông cũng không được phép nói với ai về công việc mình làm. Trong người ông không bao giờ được phép có bất cứ tài liệu gì liên quan đến bản đồ.

Ông kể, mỗi tấm bản đồ là một kỉ niệm, kỉ niệm nào cũng đáng nhớ, đáng tự hào. Trong những kỉ niệm đấy, ông nhớ nhất là lần được Tư lệnh trưởng Ðồng Sĩ Nguyên giao nhiệm vụ vẽ bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân của cấp đại đội đến cấp sư đoàn với đầy đủ trận địa, kho tàng... trên toàn tuyến đường Trường Sơn, với tỷ lệ 1:500.000. Thời hạn hoàn thành là 3 tháng.

Tháng 2/1969, tấm bản đồ tuyệt mật này được hoàn thành. Ðặc biệt là nó được vẽ hoàn toàn bằng tay. Tuy nhiên, khi đưa lên, ông được lệnh về làm lại trong 20 ngày. Lý do làm lại là bởi bản đồ vẽ đúng quá, chuẩn quá.

“Tôi nói đồng chí sửa lại không phải do sai, mà do quá chính xác. Nếu không may bị phục kích, bản đồ lọt vào tay địch thì hậu quả khôn lường, chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ lực lượng của ta sẽ bị đánh sạch trơn… Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nói với tôi như thế. Ông còn dặn thêm. Cũng như thế này nhưng đánh lệch các vị trí đi 5km…”, ông Nguyễn Lương Cảnh nhớ lại.

Chỉ sau một tuần chỉnh lý, tấm bản đồ đã được Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp cầm ra miền Bắc để báo cáo với Bộ Chính trị và Bác Hồ.

Cũng chính từ năng lực đặc biệt này, ông được điều về Tổng cục Xây dựng kinh tế. Một lần nữa ông lại vinh dự được tham gia vẽ những tấm bản đồ Bộ đội xây dựng kinh tế và xây dựng khu vực phòng thủ quan trọng của đất nước trong thời bình.

Tấm gương làm kinh tế giỏi

Năm 1984, nghỉ hưu, ông Cảnh khoác ba lô về quê. Ngoài hai con nhỏ, vợ chồng còn phụng dưỡng bố mẹ già đau yếu. Gia cảnh nghèo, vợ chồng ông làm đủ nghề từ vẽ truyền thần, chụp ảnh… nhưng cuộc sống vẫn cơ cực. Nhìn bàn chân vợ phồng đỏ, nẻ rộp bởi đi bộ bán hàng rong, ông đã ứa nước mắt. Những lần như thế, vợ ông lại an ủi: Cực sao cực bằng hành quân đường Trường Sơn?.

Những tư liệu quý giúp ông Nguyễn Lương Cảnh có tư liệu vẽ những tấm bản đồ tuyệt mật.

Trải qua hàng chục nghề cực nhọc, tích lũy được chút vốn, ông bắt tay làm nhôm kính. Cả Đồng Hới lúc đó hầu như chưa có ai làm nhôm kính nên không ít người bảo ông hâm.

Mất 12 năm liền làm ngày làm đêm, năm 2001, ông thành lập Công ty TNHH Hải Quân chuyên sản xuất mặt hàng về nhôm kính, với vốn ban đầu là 700 triệu đồng.

Công ty TNHH Hải Quân phát triển với hàng nghìn m2 nhà xưởng cùng hàng chục đại lý vệ tinh sản xuất và cung ứng vật liệu trong ngành xây dựng. Khi đó nhiều người mới công nhận ông là đúng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tình nguyện dạy miễn phí cho rất nhiều con em cực chiến binh trong tỉnh.

Tháng 12/2003, ông được chọn ra dự Hội nghị điển hình Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi trong toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.

Mời đọc giả xem video:Truy nã Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. Nguồn: VTV24.

Thu Hà

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/chuyen-chua-ke-ve-nguoi-ve-ban-do-duong-truong-son-nam-xua-1532115.html