Chuyện chụp ảnh thời bao cấp
Tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Khoảng 800 nghệ nhân là người các dân tộc Jrai, Bahnar, Tày, Nùng... từ các huyện, thị xã, thành phố tụ hội về Quảng trường Đại Đoàn Kết để tranh tài, khoe bản sắc.
Điều đáng nói là, bên cạnh việc họ trở thành mẫu ảnh cho rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh thì bản thân họ cũng có Smartphone để tự chụp mình và chụp cho bạn bè. Trông cảnh ấy, tôi lại chợt nhớ chuyện chụp ảnh một thời...
Hôm rồi, tôi đăng lên Facebook cái ảnh chụp hồi Tết năm 1981, anh Hoàng Văn Tư-nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa nhắc tôi cố tìm cái ảnh 4 anh em sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Huế vừa ra trường, Tết năm ấy không về nhà, rủ nhau đi chụp ảnh. Vào cái tiệm ảnh đối diện rạp Nhân Dân ở ngã ba Diệp Kính, mùng 1 Tết, họ không chụp. Bốn anh em năn nỉ trình bày là sinh viên mới tốt nghiệp đại học lên nhận công tác, Tết không về quê nên muốn chụp ảnh vừa kỷ niệm vừa gửi về cho ba mẹ yên tâm. Thế là họ đồng ý chụp mở hàng. Vấn đề là cả nhà họ đang ngồi trên chiếc chiếu có rách một miếng, họ định cuộn lại để chụp nhưng chúng tôi đề nghị được ngồi trên chiếc chiếu rách ấy để nhớ thời sinh viên. Khoảng mùng 5, chúng tôi quay lại lấy ảnh thì thấy họ phóng 1 cái ảnh chụp chúng tôi rất lớn treo trên tường làm ảnh mẫu. Đứa nào đứa nấy rú lên vì... sướng. Cái chiếu rách rõ mồn một lại thành một điểm nhấn thú vị của bức ảnh. Bốn đứa hồi ấy là tôi học Văn, Hoàng Văn Tư học Lý, Nguyễn Hoàng học Toán và Trần Đình Vũ học Hóa. Cái hiệu ảnh ấy sau rồi không thấy nữa, giờ tôi cũng quên tên.
Nhưng có 2 hiệu ảnh nổi tiếng từ thời ấy mà hầu như nhắc tới không ai ở Pleiku, thậm chí là Gia Lai, không biết. Là hiệu ảnh Tây Nguyên của anh Hải, sau này có thời làm Chủ nhiệm Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh Pleiku và hiệu ảnh Uyên của anh Hồ Viết Sum, sau này là hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai và có con trai là Hồ Anh Tiến, nối nghiệp bố, là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, người có công rất lớn đào tạo tôi thành... thợ ảnh. Mới sáng nay, anh dựng mẫu, chọn tư thế các kiểu rồi vẫy tôi lại, chỉ việc bấm máy chụp một nghệ nhân nữ cực đẹp ở cái hội văn hóa các dân tộc đang diễn ra ở Quảng trường. Có nhiều hiệu ảnh nữa, nhưng hầu như 2 hiệu này là thống soái thời ấy. Cả 2 ông chủ này đều là người Huế lên Pleiku lập nghiệp và 2 hiệu ảnh đều trên đường Hùng Vương. Có vẻ con đường này có duyên với các hiệu ảnh thời ấy. Cái hiệu ảnh chúng tôi chụp vào mùng 1 Tết cũng ở phía đường Hùng Vương.
Hồi ấy chụp ảnh ít, nhà ai có việc gì lớn mới dám ra hiệu chụp ảnh. Năm 1984, tôi cưới vợ, là người của ngành, tôi cũng vẫn phải đi gặp ông Nguyễn Thế Phùng-Giám đốc Công ty Vật tư ngành ảnh xin mua phân phối 2 cuộn phim, một đen trắng, một màu. Ông Phùng rất trịnh trọng viết cho tôi mấy chữ duyệt mua vào góc cái giấy giới thiệu mua phim của Ty Văn hóa-Thông tin do một Phó Ty ký. Về tôi trịnh trọng giao cho 2 anh bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng là Trần Phong và Huy Tuấn, mỗi anh 1 cuộn, anh Phong đen trắng và anh Huy Tuấn cuộn màu vì tôi nghĩ anh Tuấn lớn tuổi hơn, chụp sẽ chắc chắn hơn, không sợ hỏng.
Ty Văn hóa nơi tôi công tác có mấy anh sắm cái máy ảnh “đời Tống”, đa phần là Zenit, anh nào xịn hơn tí là Praktika, đều của Nga. Cứ chủ nhật là xuống các nông trường, các làng chụp ảnh dạo. Thi thoảng tôi lại “được” một số người lên tận phòng làm việc tìm, người tìm chìa ra cái giấy, tên... tôi, xác nhận là chụp ảnh cho nhà ấy nhà ấy, mấy kiểu, số tiền đã thu, còn nợ bao nhiêu, ngày giao ảnh đã qua cả tháng rồi. Biết ngay lại có anh mạo danh tôi. Và tôi biết anh ấy nên có lần tôi dẫn thẳng người lấy ảnh tới phòng anh kia, bảo ông Hùng đây rồi để hai người làm việc với nhau.
Là các anh ấy chụp ảnh nhưng bị hỏng nên không có ảnh giao, và vì biết tay nghề mình yếu nên phải... thủ trước, đề tên người khác. Hồi ấy, người giỏi là chụp cuộn phim 36 kiểu nhưng phải được 39 ảnh, chưa kể chụp chưa hết cuộn nhưng xé phim làm lẻ rất giỏi. Xong rồi nối phim, lắp vào và chụp tiếp. Cái chuyện chụp bị hỏng thường xuyên xảy ra.
Anh Huy Tuấn làm nhiếp ảnh ở Phòng Thông tin cổ động, phòng ngủ của anh có cái buồng tối, tôi hay sang xem anh làm ảnh, thích nhất là lúc thả giấy ảnh đã xử lý vào thùng nước, nó bắt đầu lờ mờ hiện hình lên, cho tới lúc hiện đầy đủ thì phơi ảnh. Sau có cái máy ép nóng, được coi là đỉnh của đỉnh.
Hồi ấy cứ Tết là nhộn nhịp việc chụp ảnh, các thợ ảnh chạy như con thoi. Thợ ảnh ở huyện phải mang phim lên phố hàng ngày để làm ảnh trả cho khách, chứ huyện không có chỗ làm ảnh. Chụp ảnh bằng máy cơ rất khó, những là khẩu độ, tốc độ, rồi phụ thuộc phim, Konica khác Canon, Kodak khác Fuji... Kodak còn có Kodak Color với Kodak Gold... nhớ cho hết cũng đủ để... quên nút bấm ở đâu. Tết Pleiku thời ấy, việc quan trọng đầu tiên là làm bánh thuẫn, mứt các loại, tự làm và 2 là cả nhà đi chụp ảnh. Thế nên ông Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Huy Tịnh từng nghĩ ra chuyện thuê nguyên một con voi Nhơn Hòa mang về Pleiku làm đạo cụ chụp ảnh. Tốn kém vì phải thuê nài voi, thức ăn cho voi, bù lại, anh thu cũng đậm từ dịch vụ này.
Giờ, ai cũng là thợ chụp ảnh, cứ nhìn các nghệ nhân người Jrai, Bahnar ở Quảng trường mấy hôm nay thì biết. Họ selfie vô cùng gọn ghẽ và chuyên nghiệp. Cũng có cái máy ảnh Canon EOS M6 và từng chụp các loại máy cơ Praktika và Nikon Mark và giờ là Canon nhưng quả thật, khó nhất với tôi bây giờ là... selfie. Không méo ảnh thì cũng méo mặt, nhưng nhìn các cháu, tôi thấy nền nhiếp ảnh Việt Nam hùng cường hẳn.
Thế nên, các hiệu ảnh cứ ngày càng teo tóp. Và kéo theo nó là các lab làm ảnh cũng thưa vắng. Giờ chụp xong đăng phây, cần gì lab.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202204/chuyen-chup-anh-thoi-bao-cap-5774701/