Chuyện cô giáo vùng cao 'học nói' cùng trò
Để trẻ dân tộc thiểu số thêm tự tin, các cô giáo vùng cao ở Điện Biên đã nỗ lực không ngừng trong việc tự học 'ngoại ngữ'...
Nhờ vậy các cô có thể giao tiếp và phiên dịch giúp trẻ nhanh biết tiếng Việt. Nhờ vậy, rào cản về văn hóa dần được xóa bỏ, giáo viên và phụ huynh, cô với trò hiểu nhau hơn. Việc truyền thụ được kiến thức vì thế đạt hiệu quả.
Trò học cô, cô học trò
“Ném pao, ném pao, bắt cho giỏi, bắt cho hay…”, tiếng hát vang vọng của cô trò Trường Mầm non xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) như cơn gió mát, xóa tan cái nắng nóng oi ả những ngày cuối hè.
Trường Mầm non xã Ta Ma cách trung tâm huyện Tuần Giáo khoảng 40km đường rừng. Trường có 462 học sinh, đa số là con em người Mông, người Kháng; chỉ có 2 em là người Kinh ở vùng khác chuyển về. Trẻ người dân tộc thiểu số quen nói tiếng mẹ đẻ mỗi khi giao tiếp.
Trong khi đến trường, cô giáo nói tiếng Việt, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng Việt. Bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò là khó khăn lớn với cả hai. Bởi vậy, nhiệm vụ đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục mầm non với các giáo viên xem như khó thêm một bước.
Theo chia sẻ của các cô, trẻ thậm chí không nói được với giáo viên những nhu cầu tối thiểu như “uống nước”, “đi vệ sinh” bằng tiếng Việt. Rào cản về ngôn ngữ khiến trẻ càng thêm nhút nhát, rụt rè, không tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục. Vì vậy, mỗi nhà giáo phải tìm nhiều phương pháp để tăng cường vốn tiếng Việt, giúp trẻ tự tin hơn.
Cô Hà Thị Mến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trẻ trên địa bàn khi ra lớp hoàn toàn xa lạ với tiếng phổ thông. Các em mẫu giáo 3 tuổi cũng cũng vậy, còn hạn chế nhiều trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Bởi vậy để cô và trò hiểu nhau, đảm bảo chất lượng dạy và học, 29/29 giáo viên nhà trường đã chủ động đăng ký tham gia theo học và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc. Chỉ có cách này thì cô và trò mới tìm được tiếng nói chung.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, các cô giáo cũng chủ động tự học hỏi qua thực tế để dễ dàng giao tiếp với phụ huynh và học sinh. Đồng thời thường xuyên nhờ phụ huynh phối hợp hỗ trợ, không chỉ trong việc giao tiếp với con tại nhà mà còn giúp giáo viên phiên dịch, hoàn thiện các bài thơ, bài hát bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để trẻ dễ nhớ, dễ hiểu.
Ngoài 2 tiết tiếng Việt/tuần theo kế hoạch, việc tăng cường tiếng Việt cũng được nhà trường lồng ghép trong mọi hoạt động tại lớp. “Chúng tôi thường dạy những bài ca dao, câu đố tạo sự vui vẻ, hứng thú cho các em. Có nhiều bài đồng dao được dịch thành 2 thứ tiếng để trẻ nhanh thuộc hơn như: Rồng rắn lên mây, luồn luồn tổ dế...
Các cô gắn trò chơi dân gian ném Pao với những câu hát tiếng phổ thông ngắn, dễ nhớ như: Ném pao, ném pao, bắt cho giỏi, bắt cho ngoan...”, cô Tòng Thị Lan, giáo viên nhà trường chia sẻ.
Cũng nhờ linh hoạt vận dụng các hình thức mà cô Lan và học trò ngày càng tương tác tích cực hơn. Trước kia, cô được phân công phụ trách lớp nhà trẻ ở điểm bản Phình Cứ, nơi có 100% người Mông sinh sống. Lúc đầu, cô không chỉ gặp khó khăn trong giao tiếp với trẻ mà còn bất đồng ngôn ngữ với phụ huynh bởi nhiều người dân.
“Đầu năm học, tôi phải làm quen dần với trẻ, sử dụng ngôn ngữ hình thể, giao tiếp từng từ, nhắc đi nhắc lại 1 từ, cụm từ để trẻ hiểu. Bản thân cũng tự học tiếng Mông từ trưởng bản, phụ huynh để dịch song song 2 ngôn ngữ. Nhờ đó đến nửa kỳ I của năm học, cô và trò đã hiểu nhau hơn, giao tiếp được nhiều hơn”, cô Lan cho hay.
Học mọi lúc, mọi nơi
Trường Mầm non xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cũng có gần 100% học sinh dân tộc Mông. Phần lớn trẻ ở nhà đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, khi đến trường, các em đều bỡ ngỡ với tiếng Việt. Do đó, trong giờ học và các hoạt động, cô giáo thường sử dụng tiếng mẹ đẻ để giúp trẻ hiểu ý nghĩa rồi từ đó diễn giải sang tiếng Việt.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hương Diễm chia sẻ: “Với đặc thù trên, trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường luôn chú ý tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Chúng tôi thực hiện lồng ghép dạy trẻ trong các hoạt động hằng ngày, bao gồm cả tiếng địa phương để trẻ được đọc, phát âm, nói bằng 2 thứ tiếng. Qua đó, trẻ cũng hào hứng, hiểu và nhớ bài hơn”.
Không những vậy, nhà trường cắt dán, in các chữ cái tiếng Việt tại khu vui chơi, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc, mọi nơi. Các cô còn khuyến khích trò giao tiếp bằng tiếng Việt. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường yêu cầu giáo viên chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt cho trẻ.
“Các cô lồng ghép dạy tiếng Việt cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, giáo viên còn làm đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề các tiết dạy gắn với chữ cái tiếng Việt cho trẻ. Có thể kể đến vòng quay chữ cái/chữ số, bàn tay chữ cái, bông hoa chữ cái... với các trò chơi “ong tìm chữ”, “hái quả”, “săn tìm chữ cái”...
Các em thường xuyên được tham gia trò chơi, hoạt động ngoài trời, học song ngữ (tiếng Mông - tiếng Việt) qua bài thơ, câu chuyện. Trường chúng tôi cũng có thư viện, góc chơi, lớp có nhiều đầu sách để trẻ tiếp cận nhiều hơn với tiếng phổ thông”, cô Cao Thị Nhung, giáo viên nhà trường cho biết thêm.
Mỗi trường sẽ có những đặc thù riêng, bởi vậy cách làm, giải pháp có thể khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu làm sao để trẻ hiểu và giao tiếp tốt tiếng phổ thông, tiếp thu bài học ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng dạy và học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-co-giao-vung-cao-hoc-noi-cung-tro-post651093.html