Chuyển cơ quan điều tra vụ việc Công ty TNHH Blaw và Cộng sự có dấu hiệu buôn lậu gỗ quý

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chuyển cơ quan điều tra vụ việc Công ty TNHH Blaw và Cộng sự có dấu hiệu buôn lậu gỗ quý hiếm.

Theo đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 2500/HQTPHCM-CBLXL gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh về việc chuyển nguồn tin vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Công ty TNHH Blaw và Cộng sự có dấu hiệu buôn lậu gỗ (Ảnh minh họa)

Công ty TNHH Blaw và Cộng sự có dấu hiệu buôn lậu gỗ (Ảnh minh họa)

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày 7/2/2023, Công ty TNHH Blaw và Cộng sự (địa chỉ: Tầng 2, số 39, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đăng ký tờ khai hải quan số 105254573101/A11. Hàng hóa theo khai báo là gỗ mít xẻ hộp gồm 2 container với khối lượng 38,3 m³, trị giá tính thuế là hơn 227 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng là hơn 22,7 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 phát hiện hàng hóa bên trong 2 container gồm các khúc gỗ xẻ hộp có kích thước khác nhau, không xác định được tên gọi, chủng loại gỗ, kích thước thực tế của lô hàng.

Theo giám định từ chứng thư số 23G02GHQ00484-01 ngày 28/02/2023 của Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa bên trong 2 container nêu trên gồm 18,024 m³ gỗ mít và 17,387 m³ gỗ giáng hương quả to.

Cơ quan hải quan nhận định, mặt hàng gỗ giáng hương có tên khoa học là Pterocarpus Macrocarpus thuộc nhóm IIA Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thuộc danh mục phải kiểm dịch thực vật. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 xác định, mặt hàng gỗ giáng hương có đơn giá là 1.200 USD/m³, trị giá 17,387 m³ là 20.864,4 USD, tương đương gần 486 triệu đồng.

Như vậy, Công ty TNHH Blaw và Cộng sự đã có hành vi khai báo sai tên hàng và khối lượng hàng hóa so với thực tế, dẫn đến chênh lệch về số tiền thuế giá trị gia tăng, với số thuế thiếu là hơn 26,8 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này không thực hiện kiểm dịch thực vật khi làm thủ tục nhập khẩu.

Điều đáng nói là mặc dù hoạt động bình thường, nhưng khi cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp thêm các hồ sơ, tài liệu, Công ty TNHH Blaw và Cộng sự có dấu hiệu trốn tránh, không hợp tác.

Qua trao đổi, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến, hành vi của công ty có dấu hiệu của tội “buôn lậu” và đề nghị cơ quan hải quan trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để xác định chính xác loại gỗ. Trường hợp kết quả giám định giống như kết luận ban đầu của Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh, thì chuyển nguồn tin vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến ngày 30/7/2024, Viện Nghiên cứu Công nghiệp Rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có kết luận số 597/CNR-VP xác định, loài giáng hương quả to được xếp nhóm IIA trong “Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm” ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ; loài mít không có tên trong danh mục trên.

Do đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-CHS ngày 5/9/2024 về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh để xác minh, làm rõ theo thẩm quyền.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-co-quan-dieu-tra-vu-viec-cong-ty-tnhh-blaw-va-cong-su-co-dau-hieu-buon-lau-go-quy-344390.html