Chuyện 'con voi' và 'người lái voi'
Thông thường thì 'con voi' thường chiến thắng 'người lái voi', hay nói cách khác nhiều khi 'người lái voi' muốn như thế này, thế kia nhưng 'con voi' không nghe theo.
Ai cũng biết dậy sớm vào buổi sáng tập thể dục là tốt cho sức khỏe, người béo không nên ăn nhiều kẹo..., nhưng thực tế rất ít người duy trì được thói quen tập thể dục vào sáng sớm và rất ít người béo từ chối ăn kẹo khi nhìn thấy một hộp kẹo ngon ở ngay bên cạnh mình.
Việc biết dậy sớm tập thể dục vào buổi sáng thì tốt cho sức khỏe, người béo không nên ăn nhiều kẹo là lý trí, là “người lái voi”. Còn bản năng muốn ngủ “nướng”, muốn ăn kẹo thì được gọi là “con voi”.
Thông thường thì “con voi” thường chiến thắng “người lái voi”, hay nói cách khác nhiều khi “người lái voi” muốn như thế này, thế kia nhưng “con voi” không nghe theo. Nếu trong chúng ta, “con voi” của mình nghe theo tất cả những gì “người lái voi” của mình yêu cầu, thì sẽ thành công mỹ mãn.
Khi đi làm, nhiều lúc được mời sang một công ty mới có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn..., nhưng chúng ta vẫn lưỡng lự và cuối cùng vẫn ở lại công ty cũ vì “con voi” đã chiến thắng “người lái voi”. “Con voi” là việc ngại thay đổi, ngại làm mới mình, ngại rủi ro... “Người lái voi” là việc bản thân chúng ta ý thức rất rõ ràng được là sang chỗ mới sẽ tốt hơn chỗ mình đang làm.
Thế nên trong thực tế, nhiều doanh nghiệp có hiện tượng không ít nhân sự cứ ngồi kêu ca phàn nàn về nơi mình đang làm việc, nhưng lại chẳng chịu chuyển công ty. Những ai có “con voi” nghe theo lệnh của “người lái voi” thì chắc chắn thành công.
Trong công tác nhân sự, câu chuyện về việc làm sao để “con voi” nghe theo “người lái voi” luôn khiến lãnh đạo đau đầu nhất. Đơn cử như việc hướng nhân sự vào khuôn văn hóa công ty cũng là cực khó bởi trên thực tế chỉ có “người lái voi” của nhân sự là vào khuôn văn hóa công ty thôi, còn “con voi” của nhân sự vẫn chỉ thích làm theo những gì bản năng và thói quen.
Câu chuyện về “con voi” và “người lái voi” chỉ là một chi tiết nhỏ xíu trong một cuốn sách rất hay về nhân sự "Xây dựng và phát triển hệ thống quản trị nhân sự hiện đại" dành riêng cho bạn đọc Việt Nam của TS Alok Bharadwaj - nguyên Phó chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược của Canon châu Á; Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á.
Người lãnh đạo phải nói chuyện được với “con voi” của nhân sự, hướng “con voi” nghe theo “người lái voi” thì doanh nghiệp mới phát triển được. Chính vì vậy, trong các “nỗi đau” của doanh nghiệp thì nỗi đau nhân sự được coi là “nỗi đau” nguồn cơn của mọi “nỗi đau”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-con-voi-va-nguoi-lai-voi-post1067830.html