Chuyến công du thúc đẩy lòng tin ở Đông Bắc Á

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 27/11 đã kết thúc chuyến công du hai nước láng giềng Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây có thể coi là cơ hội để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xích lại gần hơn với hai cường quốc kinh tế tại châu Á và cũng được Bắc Kinh chọn là đối tác hợp tác về công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy giao thương, nhất là chuỗi cung ứng vốn đang đình trệ, hướng tới phục hồi kinh tế.

Thúc đẩy hợp tác thực chất, xây dựng mối quan hệ ổn định, phù hợp với nhu cầu thời đại… những tuyên bố và cam kết được đưa ra trong các cuộc tiếp xúc giữa ông Vương Nghị và giới lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc phần nào thể hiện thiện chí và nỗ lực của 3 nước duy trì mối quan hệ “láng giềng gần” ở Đông Bắc Á trong quỹ đạo đối thoại và hòa hiếu.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một trong những thành tựu hội nhập kinh tế quan trọng nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 20 năm qua, vừa được ký kết với sự tham gia của 15 nước, bao gồm cả 3 cường quốc kinh tế trên, chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc còn mang theo sứ mệnh thúc đẩy triển vọng thành lập khu vực mậu dịch tự do 3 bên.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu.

Vốn được khởi động từ năm 2012, trải qua 16 vòng đàm phán, song Trung-Nhật-Hàn vẫn chưa thể xây dựng một khu vực thương mại tự do. Không chỉ Bắc Kinh mà cả Tokyo và Seoul đều mong muốn tận dụng RCEP làm “lực đẩy” đối với thỏa thuận thương mại tự do 3 bên nhằm mang lại lợi ích thực sự cho khu vực Đông Bắc Á.

Một khi khu vực mậu dịch tự do này được hình thành, các nền kinh tế đầu tàu châu Á sẽ có thêm sức mạnh để đương đầu với khủng hoảng, hướng tới phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Không chỉ vậy, thúc đẩy hợp tác kinh tế lâu nay vẫn được Trung-Nhật-Hàn coi là “mũi tên trúng 2 đích”, giúp dịu bớt căng thẳng trong các mối quan hệ song phương. Bất đồng liên quan đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhận thức lịch sử khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc-Nhật Bản, Trung Quốc-Hàn Quốc và Hàn Quốc-Nhật Bản đều “không xuôi chèo, mát mái”…

Đặc biệt, một trong những yếu tố tác động chủ chốt chính là vai trò của Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực, mối quan hệ cho phép Washington triển khai lực lượng, vũ khí, trong đó có hệ thống chống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Đông Bắc Á. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt trên mọi lĩnh vực, trước hết là cạnh tranh vị thế “cường quốc số một thế giới”.

Tình thế “chưa rõ ràng" trên chính trường Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng này vô hình trung có thể tạo cơ hội để Bắc Kinh thúc đẩy mối quan hệ với hai nước láng giềng Đông Bắc Á. Chính vì vậy, trong chuyến công du ngắn ngủi này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tận dụng mọi thời gian để gặp gỡ và trao đổi với một loạt quan chức hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyến thăm Hàn Quốc của ông Vương Nghị được thực hiện chỉ 3 tháng sau chuyến thăm của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc nguội lạnh kéo dài do việc Mỹ triển khai THAAD dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye, việc các quan chức cấp cao Trung Quốc liên tục tới Hàn Quốc phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh mong muốn tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng quan hệ song phương. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố chuyến thăm Hàn Quốc này là nhằm thể hiện sự coi trọng của Bắc Kinh đối với mối quan hệ với Seoul.

Đáp lại, người đồng cấp nước chủ nhà cũng khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Việc Hàn-Trung nhất trí tăng cường giao lưu kết nối, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược lên một tầm cao mới được đánh giá là kết quả tốt đẹp, theo đúng chỉ đạo chiến lược mà lãnh đạo hai nước đưa ra. Cả hai nước đều coi hợp tác kinh tế song phương là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi và cùng thắng”, Với Trung Quốc, Hàn Quốc là một trong những “gã khổng lồ” về mặt công nghệ và điện tử, là thị trường xuất khẩu chủ đạo chất bán dẫn, trong khi với Seoul, Bắc Kinh vừa là nguồn nhập khẩu vừa là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Trong khi đó, có thể khẳng định chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc đến đất nước “Mặt trời mọc” kể từ khi Thủ tướng Suga Yoshihide lên nắm quyền đã đạt những kết quả tích cực. Hai bên đã thẳng thắn thảo luận và đưa ra lập trường về mọi vấn đề “nóng” cùng quan tâm, trong đó đáng chú ý là các cam kết hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, cách thức phục hồi hai nền kinh tế. Việc hai nước nhất trí cho phép những trường hợp công tác ngắn hạn được nhập cảnh và miễn cách ly 14 ngày, và doanh nhân nhập cảnh ngay trong tháng 11 này, cho thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản đều coi trọng mối quan hệ cộng sinh về kinh tế, dù để triển khai hiệu quả cam kết này, chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian điều chỉnh các nội dung cụ thể.

Không chỉ vậy, Nhật Bản-Trung Quốc còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy kinh tế khi chính thức ra mắt cơ chế hợp tác thương mại nông-thủy sản. Một điểm đáng chú ý trong chuyến thăm là hai bên đã thẳng thắn trao đổi về quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát và gọi là Senkaku, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

PV (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/chuyen-cong-du-thuc-day-long-tin-o-dong-bac-a-621602/