Tư tưởng cực hữu trỗi dậy trong bầu cử Thượng viện Nhật Bản

Bầu cử Thượng viện Nhật Bản đã khép lại được 1 tuần lễ, nhưng dư âm của nó vẫn còn. Điều khiến giới quan sát chú ý, kèm theo một sự lo ngại, không chỉ là thất bại của Liên minh cầm quyền, mà còn là sự trỗi dậy của luồng tư tưởng mang màu sắc cực hữu.

Nếu như trong giai đoạn đầu của chiến dịch vận động tranh cử, các ứng cử viên của 10 chính đảng Nhật Bản chủ yếu tập trung vào 17 chủ đề chính liên quan đến kinh tế, an sinh xã hội, ngoại giao, an ninh – quốc phòng..., thì đến giai đoạn cuối, chủ đề thứ 18 về người nước ngoài tại Nhật Bản xuất hiện và trở vấn đề tranh luận nóng nhất. Kèm theo đó là một khẩu hiệu do một chính đảng mới nổi đưa ra như một cương lĩnh tranh cử chủ yếu: “Japanese First (Người Nhật trên hết)”.

Chủ tịch đảng Tham chính (Sanseito) Kamiya Sohei và khẩu hiệu Japanese First. Ảnh: Jiji Press.

Chủ tịch đảng Tham chính (Sanseito) Kamiya Sohei và khẩu hiệu Japanese First. Ảnh: Jiji Press.

Đưa ra khẩu hiệu này là đảng Sanseito, hay còn gọi là đảng Tham chính, mà người đứng đầu là một chính trị gia khá trẻ - Kamiya Sohei, 47 tuổi. Ông Kamiya đã từng là đảng viên đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP), nhưng sau đó ra khỏi LDP và cùng với một số chính trị gia khác thành lập Sanseito vào tháng 4/2020. Trong bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần thứ 27 vừa qua, khẩu hiệu “Japanese First” đã biến Sanseito và cá nhân vị Chủ tịch Kamiya thành “mắt bão”. Bởi vì, khẩu hiệu này được đưa ra đúng lúc nhiều cử tri Nhật Bản tỏ ra bất mãn và chỉ trích Chính phủ quá ưu ái người nước ngoài, mà quên đi quyền lợi của người bản xứ.

Có ý kiến cho rằng khẩu hiệu này giống với phát ngôn nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Donald Trump – “America First (Nước Mỹ trên hết)”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hai tư tưởng này khác nhau về chất, khi ông Trump hướng tới lợi ích quốc gia, còn ông Kamiya cho thấy mầu sắc của một tư tưởng cực hữu, với phương châm hạn chế việc tiếp nhận người nước ngoài vào Nhật Bản, thậm chí, còn cho rằng sự có mặt của người nước ngoài tại Nhật Bản là “cuộc xâm lăng thầm lặng”. Trong một cuộc họp báo vào hôm 3/7, thời điểm danh sách bầu cử được niêm yết, khi được hỏi về các chính đảng nước ngoài có tư tưởng gần gũi với Sanseito, ông Kamiya đã liệt kê các đảng cánh hữu và cực hữu tại châu Âu như Reform UK của Anh, AfD của Đức, RN của Pháp.

Tuy nhiên, cho dù là tư tưởng gì, vẫn có một thực tế không thể phủ nhận là Sanseito đã trở thành chính đảng thắng lớn nhất trong bầu cử Thượng viện vừa qua, khi từ vị thế chỉ có 1 ghế vươn lên làm chủ 14 ghế trong cơ quan lập pháp tối cao của Nhật Bản. Và đây chính là điểm khiến giới quan sát chú ý, kèm theo một sự lo ngại. Sự lo ngại ở đây không chỉ ở chỗ Sanseito đưa ra phương châm tranh cử mang màu sắc cực hữu và giành được sự ủng hộ bất ngờ của cử tri, mà còn ở tâm lý bất mãn với người nước ngoài đang lan rộng trong một bộ phận người dân Nhật Bản.

Tâm lý bất mãn này, ngoài những vấn đề lớn như tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng, những lo ngại về kinh tế và phúc lợi..., đôi khi lại bắt nguồn từ những chuyện tưởng chừng không lớn, trong đó có câu chuyện mà nguồn cơn là từ núi Phú Sỹ - một trong những biểu tượng của Nhật Bản.

Câu chuyện như sau: Có một du khách nước ngoài đã 2 lần leo lên ngọn núi này trong khoảng thời gian leo núi bị cấm do thời tiết nguy hiểm. Khi du khách này gặp nạn, Cơ quan cứu hộ Nhật Bản đã 2 lần phải điều trực thăng lên núi để giải cứu. Chi phí nhiên liệu cho 1 giờ bay là khoảng 420.000 yen, tương đương khoảng 2.900 USD. Tuy khoản tiền không phải là rất lớn, nhưng là tiền đóng thuế của người dân Nhật Bản. Và chuyện này là “giọt nước làm tràn ly”, đẩy sự bất mãn của người Nhật lên cao.

Đến đây, có một thực tế phải nhấn mạnh lại. Đó là, không thể để “con sầu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh những phiền toái do một số rất ít người nước ngoài gây ra cho người Nhật, cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của cả “xứ sở hoa Anh đào” – đất nước đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Ngoài ra, du lịch có yếu tố nước ngoài còn đang mang lại nguồn thu “khủng” với hơn 3 triệu lượt khách quốc tế đến Nhật mỗi tháng. Phải chăng người Nhật đã để sự bất mãn hiện nay làm quên lãng thực tế rõ ràng này, trong khi Chính phủ Nhật Bản nhiều lần khẳng định sự thật nêu trên, cũng như luôn coi lực lượng lao động nước ngoài là một nguồn lực quan trọng không thể thiếu đối với công cuộc phát triển đất nước, đồng thời, chủ trương kiến tạo một “xã hội cộng sinh an toàn” với người nước ngoài.

Nếu như sự bất mãn của một bộ phận người Nhật đối với người nước ngoài chỉ mang tính nhất thời, câu chuyện sẽ dần lắng dịu và các thế lực mới nổi sẽ không thể “một tay che trời”. Nhưng nếu, sự bất mãn này kéo dài, thì đằng sau nó sẽ là sự trỗi dậy mạnh hơn nữa của những luồng tư tưởng cực hữu và dân tộc hẹp hòi. Sự trỗi dậy này sẽ không chỉ làm biến dạng trật tự quyền lực tại Nhật Bản, mà sẽ còn “tô lại sắc màu” của “đất nước mặt trời mọc” trên bản đồ chính trị thế giới.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tu-tuong-cuc-huu-troi-day-trong-bau-cu-thuong-vien-nhat-ban-post1218066.vov