Chuyện cũ đến thản nhiên

Với sự xuất hiện nở rộ của những ứng dụng xem nội dung video cả trực tuyến lẫn xem lại, các chương trình giải trí cũng đa dạng hơn, xuất hiện dày đặc hơn.

Tất cả đều đi theo một công thức rất chung là nội dung sẽ được chiếu trên truyền hình, song song phát trực tuyến (live streaming) trên các nền tảng rồi sau đó phái sinh thành nội dung xem lại (VOD) và các nội dung được chia nhỏ từ nội dung gốc. Chỉ cần dành một cuối tuần theo dõi, chúng ta sẽ thấy sự đa dạng ấy là như thế nào. Các nội dung giải trí phong phú, nhiều màu sắc và hấp dẫn vô cùng.

Phải thừa nhận, trong cuộc chạy đua cạnh tranh lượt xem, các nhà sản xuất cũng đầu tư cho nội dung kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, mà trong đó cơ bản là yếu tố thời đại, yếu tố thế hệ, đã bắt đầu có những dễ dãi trên truyền hình. Những dễ dãi ấy lặp lại đến độ cũ mèm và bất chấp đã có rất nhiều phê bình, phản ảnh, chúng vẫn lặp lại và cho cảm giác nó là các sai phạm đến thản nhiên.

Điển hình như chương trình “Ca sĩ mặt nạ” trên kênh HTV2 (thuộc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) phát đêm thứ bảy 20/8 vừa rồi. Ở tiết mục “Hoa nở không màu” được trình diễn bởi nhân vật Phượng hoàng lửa, các nhận xét của hội đồng cố vấn đã liên tục mắc vào một lỗi mà chính HTV thường xuyên quy định rất nghiêm ngặt suốt nhiều năm qua. Đó chính là việc sử dụng tiếng Anh ở các tình huống không cần thiết và hoàn toàn có thể dùng từ thay thế trong tiếng Việt. Điển hình là các từ “options” (phương án, khả năng, lựa chọn) và “version” (phiên bản). Người thường mắc tật nói chen tiếng Anh nhiều nhất chính là MC Trấn Thành. Bất kỳ phần nhận xét, bất kỳ phần dẫn dắt nào của anh này trên truyền hình đều có chen tiếng Anh. Không hiểu, đó là cố ý cho “sang mồm” hay là một “cố tật” mà anh chưa thể khắc phục?

Những ai từng làm việc với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đều biết nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ mà nhà đài đưa ra. Không dùng tiếng Anh nếu có thể thể hiện bằng tiếng Việt là yêu cầu đầu tiên. Thậm chí, có những lúc HTV còn khuyến khích dịch lời ca khúc tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để phổ cập nội dung cho đại chúng. Ngoài ra, các quy định về sử dụng các tên riêng cũ như Sài Gòn cũng được đòi hỏi, cân nhắc cho phù hợp từng ngữ cảnh để tôn trọng tên gọi chính thức của thành phố hôm nay. Vậy thì tại sao, trên kênh HTV2, một trong những kênh ăn khách nhất của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh hiện nay, hiện tượng nói chen tiếng Anh như trên lại phổ biến đến thản nhiên? Phải chăng, tin đồn HTV2 đã được “bán khoán” cho một đơn vị tư nhân là có thật?

Phải thừa nhận, cũng là kênh giải trí nhưng nhiều đài địa phương nhỏ hơn lại đang kiểm soát rất tốt phần ngôn ngữ của nhân vật khách mời xuất hiện trên sóng. Ngay cả những nội dung cực trẻ trung, cực thoáng của nhiều kênh trẻ của VTV cũng đang làm rất tốt các nguyên tắc kể trên. Như vậy, các lỗi không đáng có của HTV2 là do nhà sản xuất, do biên tập hay do nể sợ vị thế những ngôi sao có quyền làm giá?

Chuyện nói chen tiếng nước ngoài thật ra là chuyện được nhắc nhở nhiều. Nhưng khi cái lỗi quá cũ còn lặp lại một cách thản nhiên, phải xem lại ý thức và trách nhiệm của tất cả những ai liên quan đến việc tạo ra nội dung trên sóng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/chuyen-cu-den-than-nhien-i665269/