Chuyện của 4 anh em cùng bám biển

Chọn nghề đi biển theo truyền thống cha truyền con nối là chuyện phổ biến ở những làng chài. Nhưng câu chuyện 4 anh em ruột nhà họ Dương ở làng biển Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) thì có phần đặc biệt hơn...

Giữ nghiệp cha ông

Cuối năm, biển động. Hai chiếc tàu cá của 2 anh em ruột Dương Tám Út và Dương Văn Xí đều về bờ tránh gió, kết thúc phiên biển cuối cùng trong năm. Theo nghiệp ông cha mình, cả 4 anh em trai anh Út đều lênh đênh sóng nước từ thuở niên thiếu. Ở tuổi 42, anh Út đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề biển. Đầu năm, các anh đánh bắt ở Hoàng Sa, cuối năm đánh bắt ở vùng biển phía nam của Tổ quốc... Cứ thế, 4 anh em nhà họ Dương cùng bám biển hết năm này qua năm khác.

Anh Dương Tám Út (bên trái) và anh trai Dương Văn Xí cùng với Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Anh Dương Tám Út (bên trái) và anh trai Dương Văn Xí cùng với Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ở một góc tường của phòng khách, trong ngôi nhà khang trang, anh Dương Tám Út trang trọng treo những bằng khen, giấy khen do các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trao tặng. Mới nhất là Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng anh vào tháng 5/2022.

Nói về những bằng khen, giấy khen, anh Út kể rằng, ngày trước cha tôi vừa đi biển, vừa tham gia công tác ở địa phương. Mẹ tôi là người có công, hưởng chế độ thương binh. Noi gương cha mẹ, 4 anh em tôi luôn giữ gìn truyền thống gia đình và là công dân có trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cũng như chấp hành các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển.

Trách nhiệm với biển khơi

Khi hành nghề, 2 chiếc tàu cá của anh Út và anh Xí là những phương tiện tham gia nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Mấy chục năm bám biển, anh Út không nhớ hết đã bao nhiêu lần hỗ trợ những trường hợp tàu và ngư dân bị nạn. Nhưng với chuyến cứu nạn một tàu cá trong cơn bão năm 2016, thì anh không thể nào quên. "Lúc ấy, vào tháng 9/2016, trên biển bão đang đổ vào bờ. Hai tàu cá của gia đình tôi đã vào cảng Sa Kỳ tránh gió. Tuy nhiên, khi nhận được tin tàu của ông Cao Hiệp bị chìm cách bờ hàng chục hải lý cần cứu nạn, cả 2 tàu cá của gia đình tôi nhổ neo, vượt sóng to, gió lớn đi cứu người. Suốt 3 ngày đêm quần thảo trên biển trong mịt mờ sóng gió là ký ức khó phai trong đời đi biển của tôi. Chúng tôi đã kiếm người nơi con tàu bị nạn nhưng vô vọng. Dẫu vậy, anh em chúng tôi đã cố gắng bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình rồi", anh Út nhớ lại.

Ngoài câu chuyện làm ăn, giúp đỡ nhau trên biển, anh em nhà họ Dương còn mang khát vọng vươn khơi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Có lẽ, truyền thống cách mạng của gia đình đã in đậm vào từng câu chuyện từ biển khơi đến cuộc sống đời thường của họ. Họ không "ăn sóng, nói gió" mà ở họ có nét điềm đạm, sự gan dạ ẩn sâu trong mỗi con người dạn dày kinh nghiệm biển khơi. "Cha ông chúng tôi đã gắn bó với nghề biển bao đời nay. Chúng tôi lớn lên từ những chuyến biển của cha mình. Tôi phải biết trân trọng và giữ gìn nguồn sống đó. Chúng tôi hiểu rằng, mỗi con tàu hiện diện ở khơi xa là cột mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Đó là điều thiêng liêng nhất!", anh Út nói.

Tinh thần ấy của 4 anh em ngư dân họ Dương thể hiện qua những phiên biển đặc biệt của họ trong nhiều năm qua. Tất cả những bằng khen, giấy khen tuyên dương anh Dương Tám Út đều vì "có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc"...

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202302/chuyen-cua-4-anh-em-cung-bam-bien-3155882/