Chuyện của một lính quân báo- Kỳ I: Sĩ quan phụ tá cho Đại úy Koong Le
Theo đề nghị của nước bạn Lào, ngày 30/10/1949, Ban thường vụ Trung ương Đảng ta đã quyết định, từ nay các lực lượng quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức theo hệ thống riêng của quân đội Việt Nam trên danh nghĩa quân tình nguyện...
Vậy là đã tròn 70 năm kỷ niệm ngày quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào.
Trong số hàng vạn cán bộ chiến sĩ từng làm nhiệm vụ quốc tế đặc biệt ấy, tôi đã gặp một người…
... Ông là Tăng Xuân Ngọc, sinh ở Huế, dòng danh gia vọng tộc. Bà cô ông là thứ phi của vua Thành Thái. Nhưng ông tạm quên thứ tiếng Hán được kèm ở Huế từ hồi nhỏ để làm quen rồi thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp nhiều năm ở trường trung học Quy Nhơn sau này mang tên trường Võ Tánh. Đang học, ông xung vào Vệ Quốc Đoàn trở thành người lính mới toe của phân hiệu võ bị Trần Quốc Tuấn, Liên khu Năm tên gọi khác của Trường Lục quân Quảng Ngãi.
Tốt nghiệp khoa quân báo, ông được điều về Ban quân báo Liên khu V rồi được điều về ban quân báo của Liên khu Hạ Lào. Nhiệm vụ của đơn vị là cung cấp tin tức về địch ở khu vực Hạ Lào! Do đặc thù của công việc, đơn vị ông được phân tán thành những nhóm nhỏ tỏa khắp địa bàn mênh mông của vùng rừng núi Hạ Lào.
Dân tộc Cà Xẻng của Hạ Lào đói cơm lạt muối hủ tục nặng nề lại bị kẻ địch chia rẽ gây hận thù giữa họ với Việt kiều và người Lào... Nhưng những chiến sĩ tình nguyện của quân đội Việt Nam phải gắn phải hàn lại, phải chui sâu vào mớ bùng nhùng đó mà nắm dân, nắm tin.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đơn vị quân báo của ông trở về nước, về Liên khu sau 5 năm trời gian khổ. Chưa kịp nghỉ ngơi, đơn vị ông lại lập tức nhận lệnh tập kết ra Bắc. Ba má ông cũng tham gia kháng chiến lâu nay được lệnh ở lại để hoạt động hợp pháp.
Ra Bắc, ba tiểu đoàn quân báo hợp nhất lại thành Tổng đội biên phòng. Tổng đội làm lễ ra mắt tại bãi Sông Chu của huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa có Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự. Dân xúm đen xúm đỏ chưa phải để xem bộ đội quân báo mà là để coi trung đội trinh sát biên phòng được ngự trên 40 con ngựa do Hồng quân Trung Hoa viện trợ lại có chuyên gia sang để huấn luyện cưỡi ngựa kiêm nuôi ngựa. Giống ngựa nội Mông to con, sắc tía sắc đen. Người cưỡi thì mũ trùm tai, kiếm dài, đi ghệt tận đầu gối có cả đinh thúc ngựa nom hùng dũng lắm! Nhưng một thời gian sau về đóng quân ở Nậm Cắn vùng Tây Nghệ An giáp Lào, hầu hết chiến sĩ trong trung đội đều bị loét vùng xương cụt vì không quen với việc bôn tập cưỡi ngựa! Nhiều anh dắt ngựa để chạy theo đội hình. Rồi thung thổ khí hậu không hợp, đàn ngựa xơ xác dần.
Tháng 8/1957, Tổng cục chính trị gọi gấp Tăng Xuân Ngọc từ Mộc Châu về Hà Nội. Ông được điều về công tác tại trường đào tạo cán bộ Lào ở Thái Nguyên. Một vinh dự của trường là được đón Bác Hồ lên thăm. Rồi tình hình cách mạng Lào chuyển biến mau lẹ, phức tạp... Tháng 9/1959, ta có quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Lào trực thuộc Bộ Quốc phòng lấy tên là 959. Thiếu tướng Lê Chưởng, chính ủy Quân khu 4 được điều về làm đoàn trưởng. Thời điểm này, những cán bộ chủ chốt nòng cốt của cách mạng Lào như đồng chí Cayxỏn Phômvihản (mà anh em trong đoàn 959 thường gọi thân mật là Anh Bảy) Khămtày Xiphănđon, Xixổmphon... cũng sang nước ta tề tựu sát cánh bên anh em đoàn 959. Rồi ông được đặc trách phân công giúp việc cho anh Bảy. Sự kiện một số các bộ lãnh đạo thoát ngục Viêng Chăn sang Việt Nam và Koongle tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 làm đảo chính ở Viêng Chăn ngày 9/8/1960 đòi hỏi ta và bạn phải có quyết sách mau lẹ kịp thời để nắm lấy thời cơ. Ông Ngọc được đồng chí Chu Huy Mân gọi lên. Trước mặt ông là một người quen. Đó là đồng chí Phunxiphaxớt, Ủy viên thường vụ Trung ương Cách mạng Lào bị địch bắt cùng thoát ngục Viêng Chăn với Hoàng thân Xuphanuvông. Đồng chí Phun vốn là chỗ quen biết với ông từ hồi Hạ Lào. Lúc đồng chí Phun làm Khu trưởng thì ông đặc trách tình báo khu! Đồng chí Phunxiphaxơt thông báo tình hình rồi trao nhiệm vụ là phải bí mật bay ngay sang Lào để gặp Koongle... Rằng sang đó phải phối hợp với đồng chí Xalỳphômkhămxao ( sau này là Bí thư T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) lúc này đang làm nhiệm vụ chỉ huy du kích nội thành Viêng Chăn.
Ông được làm việc trong không khí khẩn trương mạo hiểm nhưng ấm áp tình đồng chí Việt- Lào. Ông là sợi dây nối liền với đồng chí Chu Huy Mân đồng chí Cay Xỏn và cả Koong le... Sau này thì khác, nhưng khi đó không ít thiện cảm không riêng ông dành cho viên chỉ huy tiểu đoàn dù này. Tiểu đoàn dù số 2 là tiểu đoàn thiện chiến của ngụy Lào. Sĩ quan do Mỹ đào tạo. Có cố vấn Mỹ đi kèm... Tháng 8/1960, sau cuộc càn tàn bạo của Mỹ và ngụy Lào ở Trung Lào, lại đúng vào quê hương Cà Tang của Koongle, nên Koongle rất căm phẫn. Koongle ngả sang quan điểm chống Mỹ- ngụy. Đêm ngày 8 rạng ngày mồng 9/8/1960, nhân lúc nhà vua và toàn bộ chính phủ đang họp ở Luôngpharabăng, được sự đồng tình của tiểu đoàn 25 bảo vệ Viêng Chăn, Koongle đã chỉ huy tiểu đoàn dù làm đảo chính ở Viêng Chăn bắt tất cả cố vấn Mỹ, chiếm Đài phát thanh quốc gia, các cơ quan chính phủ và quân đội, nhà băng Lào và tuyên bố lật đổ chính phủ Phumixavẳn.
Kết hợp lực lượng tại chỗ và lực lượng đảo chính và sự nổi dậy của quần chúng, tình hình biến chuyển thuận lợi, ngày 1 tháng Giêng năm 1961 cánh đồng Chum được giải phóng. Tạm yên, ông được về Hà Nội. Một sự kiện mà bây giờ ông vẫn nhớ rành rẽ là hôm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân gọi lên cùng tiếp cơm đại úy Koongle nhân chuyến thăm Hà Nội. Điều làm ông ngạc nhiên là trong bữa cơm, phu nhân Đại tướng cũng như Đại tướng chủ động thân mật hỏi chuyện Koongle rất nhiều nhưng Koongle cứ ậm ừ... Sau này ông mới biết, hóa ra viên chỉ huy dù này chỉ biết tiếng Pháp lõm bõm nhưng sĩ diện sao đó không nhờ ông làm nhiệm vụ phiên dịch!
Khi Koongle về Lào một thời gian thì lại xảy ra bất ổn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân cử ông bay bằng máy bay Li-2 ngay sang Viêng Chăn để gặp Koongle. Theo kịch bản, ông bận sắc phục dù của quân Koongle. Mũ đỏ, giày cao su cao cổ... trông ông có dáng ngổ ngáo như thủ lĩnh Koongle! Ông được lệnh nếu không hạ cánh được thì phải nhảy dù. Ông phải nhắc lại trước Đại tướng những công việc được giao vì chuyến đi của ông cực kỳ mạo hiểm và tuyệt đối không được mang theo thứ giấy tờ gì. Đại tướng tiễn ông ra cửa dặn bữa trưa đã chuẩn bị trên máy bay nhớ mang ra để tổ lái cùng ăn. Như sực nhớ ra điều gì, Đại tướng cười hỏi, có muốn gặp cô ấy không? Ông gật và chỉ lát sau, một chiếc xe nhà binh chở vợ ông từ Học viện Nông lâm lên để ông từ biệt! May mắn chuyến đi suôn sẻ, không phải nhảy dù và trong vai phụ tá Koongle, một thời gian dài ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
(Còn nữa)