Chuyện của người chiến sĩ Điện Biên

Tôi có ý định viết về ông Đường Minh Tỵ, chiến sĩ Điện Biên Phủ sớm hơn nhưng đến nay mới thực hiện được. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi đã được gặp ông.

Ông dành cho tôi trọn vẹn một ngày, trong ngôi nhà ở làng Đắc Cốc, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tuy tuổi đã 90, nhưng ông còn rắn rỏi, nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn. Ông Đường Minh Tỵ là bố đẻ của Trung tướng Đường Minh Hưng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với giọng nói cởi mở, chân tình, ông trò chuyện với tôi mà như đang ôn lại quãng đời thanh xuân đẹp nhất. Cái tuổi được lên đường đi một chiến dịch lớn, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp để mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries, ngày 7/5/1954. (Ảnh: Triệu Đại - TTXVN).

Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries, ngày 7/5/1954. (Ảnh: Triệu Đại - TTXVN).

Chúng tôi ngồi bên bàn trà. Sáng mùa xuân trời còn se lạnh, ông tâm sự: Tôi sinh ra ở một làng quê có truyền thống yêu nước, cách mạng. Năm 1952, đến tuổi trưởng thành, theo lời kêu gọi thanh niên hăng hái lên đường tòng quân, đánh đuổi đế quốc, tôi xung phong vào bộ đội. Tôi được bổ sung cho lực lượng thông tin của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Tháng 9/1953, được lệnh hành quân lên Điện Biên. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến khí thế đi chiến dịch hối hả, bí mật, sẵn sàng như thế nào... Trước khi vào chiến dịch, chỉ huy lệnh: 18h tập trung tại một khu rừng. Đến 18h30', Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến, trực tiếp giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn đánh cứ điểm Him Lam. Sau lệnh của Đại tướng, mỗi cán bộ, chiến sĩ viết quyết tâm thư, thể hiện ý chí dũng cảm, đánh thắng kẻ thù. Mọi công việc như đào hầm, hào, kéo pháo, phương châm là phải tuyệt đối giữ gìn lực lượng, bí mật bất ngờ. Tất cả cho trận mở đầu chiến dịch đánh cứ điểm đồi Him Lam. Đúng 17h ngày 13/3/1954 lệnh khai hỏa đánh cứ điểm Him Lam. Sau khi ta pháo kích dữ dội từ chân đồi, chúng tôi nhìn lên, cứ điểm địch bị trúng rất nhiều đạn pháo, lửa cháy ngùn ngụt rực trời, càng tin tưởng tuyệt đối ở thắng lợi của chiến dịch.

Chiến sĩ Điện Biên - Đường Minh Tỵ (tuổi 95), Làng Đắc Cốc, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa.

Chiến sĩ Điện Biên - Đường Minh Tỵ (tuổi 95), Làng Đắc Cốc, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa.

Đồi Him Lam dốc thoai thoải, qua Him Lam mới vào được Mường Thanh. Khi đường dây liên lạc bị đứt, chiến sĩ Sâm được giao nhiệm vụ đi nối lại và không thấy trở về, tiểu đội trưởng giao cho tôi tiếp tục công việc. Trời tối, tôi đi dò tìm chỗ đường dây bị đứt, phát hiện thấy Sâm đã hy sinh, đang nằm sấp, trên tay anh là hai đầu dây chưa kịp nối... Nối dây xong, tôi vận động dưới làn đạn pháo và pháo sáng của địch về báo cho tiểu đội.

Trận đánh Him Lam diễn ra chỉ trong vòng một ngày, một đêm, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm. Với chúng tôi, quá trình thực hiện nhiệm vụ trong các trận chiến, có lúc căng thẳng, hiểm nguy đến tột đỉnh, nên chỉ có ý chí, niềm tin là phải chiến thắng bằng mưu trí, gan dạ, dũng cảm và nỗ lực cao nhất... Đánh xong Him Lam, theo mệnh lệnh của chỉ huy chiến dịch, chúng tôi tiếp tục đánh chiếm các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...

Trong lúc chờ ông hồi tưởng, tôi hỏi thêm:

- Ông còn nhớ kỷ niệm sâu sắc nào trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ?

- Kỷ niệm chiến dịch đáng nhớ nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi là được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ. Được nhìn tận mắt tướng Đờ Cát cùng đám tướng lĩnh ra đầu hàng, mặt mày thất thần, thảm bại. Vũ khí, khí tài... vứt bỏ lại, tất cả chất như đống củi.

Một câu chuyện nữa cũng không thể nào quên là: Trong trận đánh cứ điểm đồi E1, khi cho dân công hỏa tuyến vào tải thương và thu dọn chiến trường, thật bất ngờ, tôi gặp em rể tôi. Em đi dân công, là đảng viên nên được vào chiến địa cáng thương. Anh em gặp nhau giữa chiến trường, mừng vui khôn xiết. Bỗng pháo địch bắn cấp tập... Trong chớp mắt, hai anh em chỉ kịp nằm sấp trên đất, tay che đầu, mảnh đạn pháo bay chiu chíu. Khi ngớt tiếng nổ, tôi nhìn thấy cánh tay em máu chảy ròng ròng, dùng hết cả bông băng, mà máu vẫn chảy. Vừa lấy được chiếc khăn dù chiến lợi phẩm màu xanh cỏ, đang quàng trên cổ, tôi giật vội, quấn chặt vết thương cho em. Giục em phải nhanh về hậu tuyến xử lý vết thương...". Sau này về làng, em kể lại: Chiếc khăn đẫm máu ấy đã ở bên em trong suốt cuộc đời. Thật cảm động!

Ông Tỵ kể tiếp:

- Cuối năm 1954, tôi được về nghỉ phép tại quê nhà. Có người dẫn mối, tìm hiểu 5 ngày rồi tôi cưới vợ luôn. Đám cưới tùng tiệm, đạm bạc. Trước khi cưới vợ, tôi là cảm tình của Đảng. Khi trở về đơn vị, tôi phải khai với tổ chức hoàn cảnh gia đình bên vợ. Vợ tôi là cháu ông cai tổng, con gái ông hương bạ ở làng Cự, xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Năm 1958, tôi xuất ngũ, về quê được tuyển vào làm giáo viên. Năm 1959, bắt đầu dạy học. Trong giai đoạn này, địa phương xác minh: Vợ tôi có người anh ruột là cán bộ chủ chốt trong lực lượng an ninh của ta những năm kháng chiến chống Pháp, nên tổ chức cơ sở Đảng đã quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.

Năm 1963, tôi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tôi dạy học, làm hiệu trưởng, công tác ở phòng giáo dục huyện, rồi về huyện ủy. Ở đâu cũng được mọi người, các tổ chức, đoàn thể tin tưởng, gần gũi, yêu kính. Cuộc đời tôi đã là chiến sĩ Điện Biên Phủ được tham gia một chiến dịch "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", còn được lành lặn trở về, được Chính phủ tặng thưởng, ghi công. Được hạnh phúc bên gia đình, được làm người thầy giáo, làm công tác của Đảng đó là diễm phúc lớn. Các con lớn lên đều thành đạt, con trai cả là sĩ quan cao cấp CAND, Anh hùng Lực lượng vũ trang, điều đó không gì vui hơn, hạnh phúc hơn. Tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để nhớ ơn những người đã hy sinh tuổi xuân, xương máu làm nên chiến thắng vang dội, mang lại độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc ta, xứng danh người chiến sĩ Điện Biên...

Mặt trời như đỏ rực hơn khi vượt qua đỉnh núi Giang Hạc. Ông lặng lẽ ngước nhìn lên tán hoa ban ven tỉnh lộ trước nhà. Chắc ông vẫn đang trong mạch hồi tưởng những tháng năm gian khổ hào hùng... Biết ơn ông và đồng đội của ông nhiều lắm!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chuyen-cua-nguoi-chien-si-dien-bien-i727268/