Chuyện của người đàn ông phạm tội buôn người trong lúc đi tìm vợ

Thương con nhỏ đêm đêm khóc đòi mẹ, Giàng A Ánh, SN 1979 ở bản Hàng Sung, xã Tả Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) quyết tâm đi tìm vợ. Anh ta không hiểu tại sao vợ mình lại mất tích nên ai chỉ đâu cũng tìm đến dò hỏi. Trong một lần đi tìm, Ánh được một người đàn ông thuê đưa một phụ nữ ôm con nhỏ qua biên giới sẽ trả công 50 triệu đồng. Nghĩ đến cảnh phải có tiền lo cho con và cho hành trình tìm vợ của mình, Ánh nhận lời và được người kia đưa trước cho 15 triệu đồng.

“Họ bảo người đó đồng ý sang kia lấy chồng. Lúc tôi tới gặp rồi dẫn đi, chị này cũng bảo không muốn sống với chồng nữa vì suốt ngày bị đánh nên đã nhận lời lấy người ở bên kia biên giới. Một người muốn đi, một người muốn lấy còn tôi thì được tiền nên đã đồng ý chứ có mua ai đâu mà bán”, Ánh thủng thẳng nói như thanh minh khi trò chuyện với chúng tôi. Đang đi làm thì được gọi lên, Ánh bảo đang học một mẫu mới, hơi khó nên coi việc được “đi gặp cán bộ như một dịp để đầu óc đỡ căng thẳng” như lời anh ta nói.

Phạm tội khi đi tìm vợ

Là con thứ ba trong một gia đình đông con, người dân tộc Mông song Ánh vẫn có được may mắn cắp sách tới trường. Ánh bảo anh ta biết được chữ là do công của bộ đội biên phòng đến nhà vận động và cho gạo ăn nên đi học. Còn việc đến trường thì chỉ vì thích vui bạn vui bè. Nhưng cũng chỉ tới lớp hai là nghỉ ở nhà trông em cho bố mẹ và anh chị đi rẫy. “Tôi nhớ ngày đó đang học dở lớp ba rồi thì nghỉ. Đến trường được nhảy nhót, cười đùa với bạn bè thì thích lắm nhưng cái bảng nhân chia gì khó nhớ quá nên bỏ”, Giàng A Ánh nhớ lại.

Hỏi Ánh giờ còn nhớ mặt chữ không, có đọc được sách báo không, anh ta vò đầu ngượng nghịu: “Tậm tà tậm tịt, chữ được chữ không thôi cán bộ”.

Không đi học nữa, Ánh ở nhà và cứ thế lớn lên hồn nhiên như cây cỏ cho đến tuổi lập gia đình. Vợ Ánh cũng là một cô gái cùng bản, sau khi lấy nhau cũng chỉ biết đi nương làm rẫy như bao phụ nữ khác. Ánh bảo phụ nữ Mông biết chiều chồng, mọi việc nặng nhẹ trong nhà đều quán xuyến cả. Việc của Ánh là trông con, nấu nướng và xin tiền của vợ đi uống rượu. Chính vì thế nên khi vợ bỗng dưng biến mất không lý do, cuộc sống của ba bố con Ánh mới hẫng hụt. “Vợ tôi đi đâu không rõ từ năm 2013. Nó đi chợ bán củi rồi không thấy về nữa”, Ánh kể.

Hỏi anh ta có đi tìm vợ không, Ánh sốt sắng: “Có chứ. Tôi còn báo cả chính quyền nữa mà”. Nam phạm nhân này cho biết đã nhiều lần xuống chợ tìm vợ, thậm chí sang cả Lào Cai, Lai Châu mà vẫn không thấy tăm hơi vợ đâu. Và việc anh ta phạm tội diễn ra trong quá trình đi tìm vợ.

Theo tài liệu điều tra, đầu tháng 4-2014, Ánh dẫn chị Phàng Thị Ph, SN 1987 ở bản Dê Dằng, Sính Phình, Tủa Chùa (Điện Biên) vượt biên trái phép, tới gặp một người đàn ông giới thiệu tên là Xử, không rõ địa chỉ. Lúc đi, chị Ph có bế theo con gái mới được hơn 1 tuổi. Ánh được người này đưa cho 15 triệu đồng và hứa sẽ trả nốt số tiền còn lại (theo thỏa thuận là trả công Ánh 50 triệu đồng-PV) nếu như sau một tháng mà chị Ph không bỏ trốn mà chịu ở lại với ông ta. Tuy nhiên, đến ngày 12-7-2014 thì Ánh bị bắt theo lời tố cáo của một kẻ cũng bị bắt về tội mua bán người.

Theo lời Ánh thì người bị bắt này không có mối quan hệ gì với Ánh nhưng nạn nhân bị anh ta lừa bán lại sống cùng bản với chị Ph. Khi chị Ph sang bên kia lấy chồng, vì không chịu được cảnh bị đánh đập, ngược đãi đã cùng người phụ nữ này bỏ trốn về nước và làm đơn tố cáo và hành vi đưa người qua biên giới và nhận tiền mai mối của Ánh bị lộ tẩy. Bị khép vào tội mua bán người và mua bán trẻ em, Ánh bị TAND tỉnh Điện Biên tuyên phạt 20 năm tù.

Phạm nhân Giàng A Ánh trong trại giam.

Phạm nhân Giàng A Ánh trong trại giam.

Chỉ mong khỏe mạnh

Hỏi Ánh nghĩ gì về tội lỗi của mình, người đàn ông này cúi đầu, lí nhí: “Em có bán ai đâu, tại họ tự nguyện đi đấy chứ. Còn việc nhận tiền thì đưa người ta qua đó phải có công thôi”.

“Vượt biên trái phép là có tội rồi. Đằng này anh còn nhận tiền của người ta nữa thì dù anh không mua chị Ph của ai nhưng dẫn người ta qua đó rồi lấy tiền thì là bán rồi còn gì”, chúng tôi bảo. Ánh chỉ biết vâng dạ.

Hỏi về số tiền đã nhận của người đàn ông tên Xử, Ánh cho biết đã nhận được đủ 50 triệu đồng nhưng đã tiêu hết số tiền đó trong việc đi tìm người vợ mất tích. Người đàn ông này thừa nhận mình đã sai và tâm sự rằng, nhiều lúc cũng nghĩ có thể vợ mình đã bỏ sang bên kia biên giới lấy chồng khác rồi nên cũng định không đi tìm nữa. Thế nhưng vì thương con hay khóc đêm vì nhớ mẹ nên mới cất công đi tìm.

“Tôi có ba đứa con. Hai đứa lớn thì đều hơn chục tuổi rồi, chỉ có thằng bé lúc vợ mất tích mới được 2 tuổi nên hay khóc đêm. Càng dỗ nó càng khóc to hơn nên lắm lúc điên quá tôi vụt cho vài cái mới nín”, Ánh kể.

Người đàn ông này kể rằng, từ ngày bị bắt chưa từng một lần nhận được tin nhà song vẫn luôn tin tưởng rằng các con mình sẽ được bố mẹ và các anh chị chăm sóc. “Hai đứa lớn nhà tôi giờ cũng trưởng thành cả rồi. Chỉ có thằng bé là còn nhỏ thôi. Tôi tin là chúng nó chăm nhau được”, Ánh tâm sự. Anh ta cho biết, thời gian đầu bị bắt còn lo về con cái nhưng giờ thì không còn lo lắng nữa.

“Không phải tôi vô tâm mà vì có lo cũng chẳng làm được gì, chỉ thêm phiền não. Đã vậy thì chấp nhận thôi. Chúng nó còn sống thì khắc lớn, khắc phải biết làm gì để sống còn nếu chẳng may gặp vận đen đủi thì cũng đành phải bằng lòng thôi. Mọi chuyện phải đợi đến lúc ra tù mới biết mà quyết định được”, Giàng A Ánh bộc bạch. Điều anh ta mong muốn nhất bây giờ chính là sức khỏe bởi “tôi có khỏe mạnh thì mới lao động tốt được, mới có cơ hội về nhà sớm. Lúc đó thì muốn nói gì, làm gì mới thực hiện được chứ bây giờ có nghĩ đến cũng không giải quyết được việc gì”.

Nghe chúng tôi bảo nghĩ thế là đúng và đó chính là con đường đúng đắn nhất, Ánh cười rất tươi. Anh ta thành thật: “Tôi phải mất nhiều đêm không ngủ, mất nhiều năm trăn trở mới nghĩ được như thế đấy cán bộ ơi”.

Là phạm nhân từ ngày về trại cải tạo không được người nhà thăm gặp nên Ánh luôn nhận được sự quan tâm của Ban giám thị trại giam. Ánh bảo cán bộ trại giam Ninh Khánh rất chu đáo, không chỉ cho quà vào dịp lễ Tết mà những dịp bình xét thi đua tháng, quý lại có quà động viên. “Tôi mất năm đầu bị xếp loại trung bình còn các năm sau kết quả cải tạo đều được xếp loại khá. Tôi sẽ cố gắng để được giảm án, sớm trở về với các con. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là bản thân được khỏe mạnh, các con ở nhà cũng không ốm đau bệnh tật gì”, Ánh tâm sự trước khi chia tay chúng tôi về phân trại.

Nhìn bóng anh ta khuất dần sau rặng cây, chúng tôi chỉ biết thở dài bởi cuộc đời của mỗi con người, không ai biết được điều gì đang chờ mình phía trước. Giống như nam phạm nhân này, trên bước đường đi tìm vợ, chỉ một cái tặc lưỡi và không am hiểu pháp luật mà cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-cua-nguoi-dan-ong-pham-toi-buon-nguoi-trong-luc-di-tim-vo-180600.html