Chuyện của người tham gia ba cuộc chiến

Là người lính trực tiếp chiến đấu ở ba chiến trường, nghỉ hưu lại tiếp tục tham gia công tác cựu chiến binh (CCB) gần 20 năm, ông Lương Xuân Biện ở thôn 284, xã Quế Nham (Tân Yên) chỉ muốn mọi người nhớ đến mình là 'người lính trở về' thay vì chức vụ Thượng tá, Tham mưu phó Sư đoàn 3 (Quân khu 1).

Nhiệm vụ thiêng liêng

Ngôi nhà ông Biện sinh sống sau khi nghỉ hưu có một căn phòng được bố trí và chăm chút cẩn thận, ông gọi đó là phòng truyền thống của “người lính trở về”. Ông chia sẻ: “Toàn bộ cuộc đời binh nghiệp của tôi thể hiện hết trong căn phòng này”. Ở đó, ông treo và lưu trữ đầy đủ những bức ảnh, huân huy chương các loại của 3 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc mà ông trực tiếp tham gia. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Suốt cuộc trò chuyện, ông luôn nhắc đến niềm tự hào được là Bộ đội Cụ Hồ, được Đảng và Bác Hồ, quân đội rèn luyện - đó là nhiệm vụ rất thiêng liêng.

 Ông Biện giới thiệu với đồng đội những bức ảnh thời quân ngũ của mình.

Ông Biện giới thiệu với đồng đội những bức ảnh thời quân ngũ của mình.

Sinh năm 1944, tuổi thơ ông trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, chứng kiến những cái chết của dân làng bởi ốm đau, bệnh tật mà không có thuốc chữa trong đó có người mẹ yêu quý của ông. Bởi vậy, khi đủ điều kiện đi bộ đội, năm 1964 ông xung phong lên đường. Hành trang vào đời binh nghiệp của chàng trai 20 tuổi Lương Xuân Biện lúc đó là suy nghĩ “mất nước thì sẽ phải làm nô lệ, phải chịu khổ đau”.

Với sự nhanh nhẹn sẵn có, ông được biên chế vào Lữ đoàn dù 305. Do điều kiện chiến tranh, Lữ đoàn chỉ tồn tại trong 7 năm rồi chuyển sang binh chủng đặc công Miền Đông Nam Bộ - một lực lượng tinh nhuệ, dũng cảm thọc sâu, đánh hiểm, bí mật bất ngờ của quân đội ta. Trong quá trình chiến đấu, ông lập nhiều thành tích xuất sắc. Có trận, ông Biện chỉ huy đồng đội bí mật trinh sát từng mục tiêu trong đồn địch, rồi bàn giao cho lực lượng đặc công dùng lựu đạn, thủ pháo tấn công tiêu diệt khiến chúng phải thốt lên “Quân giải phóng từ trên trời rơi xuống hay sao”.

Cứ nghĩ đánh Mỹ xong rồi được nghỉ ngơi, ai ngờ miền Nam vừa giải phóng thì quân Pol Pot lại mở cuộc tấn công xâm lấn lãnh thổ nước ta. Chúng gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu đối với nhân dân dọc biên giới Tây Nam. Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng, thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tấn công xâm lược của địch. Năm 1977, ông Biện nhận lệnh lên đường đánh quân Pol Pot, bảo vệ biên giới tỉnh Tây Ninh, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp Campuchia thoát khỏi chế độ tàn bạo của Khmer Đỏ. Đến tháng 9/1979, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Đà Lạt nhằm đào tạo cán bộ trung đoàn binh chủng hợp thành.

Học xong, ông nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 3 (Quân khu 1) với vai trò Tham mưu trưởng Trung đoàn 12. Chiến tranh biên giới phía Bắc, tháng 5/1984, đơn vị ông được lệnh cơ động lên chi viện chiến đấu cho Sư đoàn 347 tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Mô tả tình hình khi ấy, ông bảo tình hình cam go, đơn vị lại tiếp tục cơ động lên huyện Văn Lãng phòng ngự tại biên giới 3 xã: Thụy Hùng A, Thụy Hùng B và Quốc Việt.

Trung đoàn không đánh nhau trực tiếp với địch mà địch bắn pháo sang trận địa của ta. Ông chỉ huy đồng đội gài mìn mấy chiến hào, rải hàng nghìn quả mìn đề phòng địch đánh tắt. Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô lớn. Quân địch không phá nổi trận địa phòng thủ. Đơn vị ông đã phải đương đầu với nhiều lượt pháo kích của địch, giữ vững trận địa, địa bàn được giao. Trong cuộc chiến này, ông Biện được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Tự hào là người lính Cụ Hồ

Đất nước có chiến tranh ông Biện lên đường chiến đấu. Khi đất nước hòa bình, ông trở về đơn vị cũ - Sư đoàn 3 (Quân khu 1) công tác. Là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, ông được cử đi tu nghiệp tại Liên Xô về quân sự để về xây dựng đơn vị. Đầu năm 1992, ông nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá, Tham mưu phó Sư đoàn 3.

Tham gia 3 cuộc chiến tranh, CCB Lương Xuân Biện nhắn nhủ thế hệ trẻ phải biết về lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Đối tượng tác chiến mỗi một giai đoạn là khác nhau, vì vậy ngày nay thế hệ trẻ phải hăng hái, tích cực rèn luyện. Trước kia chúng ta bắn AK, giờ dùng tên lửa, phải nắm được khoa học kỹ thuật, nắm khoa học quân sự; luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, không lơ là trước mọi âm mưu của thế lực thù địch.

CCB Nguyễn Văn Bút ở thôn Bình Minh, xã Quế Nham kể: “Tôi là cấp dưới của ông Biện từ thời còn ở Sư đoàn 3. Tôi từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trong đội hình Sư đoàn 3. Trở về đơn vị được tham gia huấn luyện, chiến đấu dưới sự chỉ huy của “sếp Biện”, tôi thấy ông Biện là người chỉ huy rất thương lính, gần dân, không chỉ chăm lo việc huấn luyện mà lo cả việc ăn ở, ngủ, nghỉ của bộ đội”.

Nghỉ hưu về quê, ông Biện được tín nhiệm bầu tham gia công tác CCB xã, huyện gần 20 năm. Trước khi nghỉ (năm 2009), ông là Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Yên. Khi nghỉ công tác, có thời gian, ông viết truyện, viết báo, làm thơ. Những tác phẩm ông viết về Đảng, về quê hương, về gương người tốt việc tốt, về người lính, về tình thân… được đăng nhiều trên tập san CCB tỉnh và các tập thơ của Hội Người cao tuổi.

Tham gia 3 cuộc chiến tranh, ông nhắn nhủ đến thế hệ trẻ phải biết về lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Đối tượng tác chiến mỗi một giai đoạn là khác nhau, vì vậy ngày nay tuổi trẻ phải hăng hái, tích cực rèn luyện. Trước kia chúng ta bắn AK, giờ dùng tên lửa, phải nắm được khoa học kỹ thuật, nắm khoa học quân sự; luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, không lơ là trước mọi âm mưu của thế lực thù địch.

80 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, 60 năm nhập ngũ, ông bảo: “Đời tôi đẹp như khúc khải hoàn, tôi tự hào là người lính Cụ Hồ”. Cuộc sống hòa bình được hưởng như hôm nay, ông càng thêm yêu đất nước, yêu dân tộc, tự hào về quê hương Việt Nam.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chuyen-cua-nguoi-tham-gia-ba-cuoc-chien-100920.bbg