Chuyện của nhạc sĩ thiên tài Beethoven

Nhà soạn nhạc cổ điển người Đức gần như không thể nghe thấy gì từ năm 28 tuổi. Trong thế giới thiếu vắng âm thanh ấy, ông tìm đến âm nhạc.

Người sáng tác ra bản giao hưởng Định mệnh nổi tiếng mà ai cũng có thể nhận ra ngay từ những nốt nhạc đầu tiên ấy chính là Beethoven.

Từ lần đầu tiên Beethoven trình diễn bản giao hưởng này vào năm 1808, đã hơn 200 năm trôi qua. Nghĩa là trong suốt hơn 200 năm qua, khúc nhạc ấy vẫn vang mãi trong tâm trí nhân loại.

Đương nhiên không chỉ có khúc Định mệnh. Bản giao hưởng Đồng quê, bản Sonata Ánh trăng, hay bản giao hưởng Số 9 - bản nhạc luôn vang lên trên đất nước Nhật Bản mỗi dịp cuối năm, cùng vô vàn danh khúc đều được sáng tác bởi nhà soạn nhạc vĩ đại này.

Không những thế, Beethoven còn là một trong số những danh nhân làm thay đổi lịch sử âm nhạc thế giới.

Trước khi Beethoven trở thành nhà soạn nhạc, âm nhạc là thứ chỉ dành cho giới quý tộc. Người soạn nhạc nhận tiền từ giới quý tộc rồi viết nhạc, người trình diễn nhận tiền từ giới quý tộc rồi trình diễn. Và âm nhạc từng chỉ tồn tại như thế trong xã hội.

Nhưng Beethoven không nhận tiền từ giới quý tộc, ông chọn cho mình con đường tự do sáng tác. Người ta cho rằng kể từ đó âm nhạc trở thành “thứ mà ai cũng có thể thưởng thức” như ngày nay.

Và còn một điều chúng ta không được phép lãng quên: Beethoven gần như không thể nghe thấy gì từ năm ông 28 tuổi.

Thông thường, mất khả năng thính giác thì việc soạn nhạc là một điều không tưởng. Nhưng với Beethoven, ông đã tự sáng tạo ra một hệ thống dùng răng để cảm nhận sự “rung động” của nốt nhạc piano và rồi ông tiếp tục sự nghiệp sáng tác bằng cách đó.

Nếu một người được gọi là có tinh thần bất khuất khi không khuất phục trước khó khăn, thì danh xưng “nhà soạn nhạc bất khuất” dành cho Beethoven - người vẫn miệt mài sáng tác khi thính giác ngày một suy giảm - cũng không quá lời phải không nào?

Chắc hẳn bạn đang rất tò mò muốn biết một người tài năng đến vậy thì có thể có thất bại gì đúng không?

[…]

 Nhà soạn nhạc Beethoven. Ảnh: YT.

Nhà soạn nhạc Beethoven. Ảnh: YT.

Ở tuổi đôi mươi, Beethoven đã có triệu chứng suy giảm thính giác. Nhưng ông đã không thể chia sẻ điều này với bất kỳ ai. Beethoven chỉ để lại một bức thư với những dòng viết sau: “Dù rất cố gắng, tôi chẳng thế thốt lên rằng: Làm ơn hãy nói to lên. Hét lên! Bởi tôi chẳng thể nghe thấy gì cả...!”.

Nếu chuyện Beethoven - một nhà soạn nhạc, một người biểu diễn từ năm 7 tuổi - mất thính giác lan rộng ra ngoài thì… chắc hẳn người đời sẽ kháo nhau rằng: “Thế là sự nghiệp của Beethoven kết thúc!” hay “Thật là đáng thương!”…

Có lẽ Beethoven cho rằng ông sẽ không chịu được những lời đàm tiếu ấy. Suốt 5 năm liền kể từ khi bị suy giảm thính lực, ông cố gắng tránh gặp gỡ mọi người hết mức có thể hòng che giấu việc đó. Nhưng đây lại chính là thất bại của ông.

Cuộc sống như vậy đã vô tình làm cho những người quen biết ông hiểu lầm và đồn thổi rằng: “Beethoven ghét xã hội này, ông ta ghét con người”.

Biết được điều đó, ông đã viết lại những lời sau trong niềm thất vọng tột cùng: “Không phải tôi ghét bỏ con người. Tôi rời xa mọi người chỉ để tai tôi được nghỉ ngơi một chút. Ấy vậy mà, chẳng ai hiểu cho tôi”.

[…]

“Tai tôi chẳng còn nghe thấy gì cả, làm ơn hãy giúp tôi với” - chỉ với một câu nói như thế thôi, cộng thêm việc ông là một người nổi tiếng nữa thì chắc chắn sẽ không thiếu những bàn tay giúp đỡ ông.

Đúng vậy, thất bại của Beethoven chính là không tìm sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Trạng thái “cô độc” là khi con người ta lẻ loi một mình, không có ai bên cạnh để hỗ trợ về mặt tinh thần và Beethoven đã trở nên “cô độc” như thế khi không thể tìm kiếm cho mình sự giúp đỡ nào từ mọi người, điều này khiến cuộc sống của ông ngày một tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, đến đây, có một điều tôi mong các bạn hãy thử suy nghĩ. Liệu rằng “cô độc” có thực sự tồi tệ đến mức như thế không?

Rơi vào trạng thái cô độc đến mức luôn muốn kết thúc cuộc sống như Beethoven quả là nguy hiểm. Tuy nhiên, trong cuộc sống có những thứ ta chẳng bao giờ tìm thấy được nếu ta không cô độc. Với Beethoven, đó là âm nhạc.

Giống như trong bóng tối, ngay cả một tia sáng cũng khiến ta cảm thấy rực rỡ, khi tâm hồn càng trở nên tăm tối thì ta càng dễ tìm thấy tia sáng dẫn lối của cuộc đời. Trong cô độc và tuyệt vọng, Beethoven đã tìm thấy điều đó.

“Chừng nào ta chưa tạo ra được nghệ thuật âm nhạc thì ta không thể vứt bỏ cuộc sống này một cách lãng phí như thế được”.

Và như vậy, trong thời gian này ông đã cống hiến sức mình cho việc sáng tác nhiều hơn cả trước đây, kết quả là vô số danh khúc qua hàng trăm năm cũng chẳng phai màu đã được ra đời.

Masato Oono/ Ehomebooks/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-cua-nhac-si-thien-tai-beethoven-post1306841.html