Chuyện của những 'bông hoa'

Dù khiếm khuyết một phần cơ thể và phải đối mặt với nhiều khó khăn, mất mát, nhưng những người phụ nữ khuyết tật vẫn kiên cường đi qua sóng gió bằng chính nghị lực của họ.

Các chị em trong CLB tự tin chụp ảnh.

Các chị em trong CLB tự tin chụp ảnh.

Những phận đời không may

Khuyết tật chân từ khi mới sinh, đến năm 8 tuổi, chị Nguyễn Thị Chuyện (ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) mới được gia đình đưa đi bệnh viện. Chị nói: “Lúc đó nhà tôi nghèo lắm. Năm 8 tuổi, sau lần bị té gãy chân, tôi được đưa đi thành phố khám bệnh, sắp xương. Họ lấy xương từ chân trái ghép qua chân phải cho tôi”.

Chị Chuyện và bức ảnh yêu thích nhất.

12 tuổi, sau nhiều lần nài nỉ, chị được ba mẹ đưa đến trường học chữ. Cô bé Chuyện ham học nhưng chỉ học được đến lớp 4 thì phải nghỉ do hoàn cảnh gia đình. Từ đó, chị quanh quẩn trong nhà, phụ mẹ việc nhà, nấu cơm, rửa chén. Khoảng thời gian đó như chất dày thêm những mặc cảm trong lòng chị. Chị nhớ lại: “Mỗi khi có khách đến nhà, tôi chỉ nép sau bức tường không dám ra ngoài”. Và cách để chị quên đi nỗi buồn chán là đọc sách, báo. Chị đọc tất cả những quyển sách của chị em mình, kể cả những tờ báo cũ.

Kể lại chuyện trước kia, giọng chị Chuyện vẫn còn run run như muốn khóc. Thời thiếu nữ, chị Chuyện ước ao được khỏe mạnh như những người khác. Nhưng mặc cảm, tự ti bởi khiếm khuyết của cơ thể đã bào mòn ý chí chị, có lúc chị nung nấu ý nghĩ từ bỏ cuộc sống. May thay, chị đã bình tâm lại, quyết sống tiếp vì những người thân của mình.

Tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Thanh Duyên, 41 tuổi, trải qua bao biến cố. Những cơn bệnh liên tục khiến chị muốn kiệt sức, phải dừng việc học từ năm lớp 4 dù bản thân rất thích được đi học. Chị dần thu mình vào bóng tối của tự ti, mặc cảm trong nhiều năm. Chị nói: “Tôi từng nghĩ tới chuyện quyên sinh, may mắn là tôi có tình thương của gia đình để níu kéo”.

Chị Duyên thử sức mình với nhiều lĩnh vực.

Chị Duyên thử sức mình với nhiều lĩnh vực.

Nguyễn Thị Trúc Linh từng là cô gái nhỏ xinh xắn, học giỏi với ước mơ làm tiếp viên hàng không, giáo viên dạy ngoại ngữ. Em đã nỗ lực, đạt thành tích học tập rất tốt. Nhưng trong thời điểm quyết định, những dự định của em đều tan biến theo căn bệnh Lupus ban đỏ. Từ cô gái trẻ có làn da trắng trẻo, mái tóc dài, đen, óng mượt, Trúc Linh như bị biến đổi thành người khác khi những nốt ban đỏ xuất hiện trên người, tóc dài dần rụng đi. “Em bị nổi ban trên đầu dẫn đến rụng tóc. Đã 6 lần em phải cạo trọc đầu”. Linh xoa lên mái tóc thưa thớt vừa mọc đến chấm vai, được cột thành một túm nhỏ. Em nói rằng đây là lần đầu sau 8 năm phát bệnh, mái tóc của em có thể mọc được đến vậy. Em vui lắm!

Những biến đổi về hình thể, lỡ dở bao ước mơ khiến cô gái trẻ khó chấp nhận thực tại. Có khoảng thời gian Linh chỉ ở trong phòng, không ra ngoài vì ngại những tiếng xầm xì sau lưng mình.

Trúc Linh tìm thấy niềm vui mới từ việc kinh doanh.

Trúc Linh tìm thấy niềm vui mới từ việc kinh doanh.

Ánh sáng cho cuộc đời

Chị Thanh Duyên bộc bạch: “Ngày trước, khi bước vào nghề bán vé số, tự làm ra tiền tôi rất vui mừng. Tôi vẫn nhớ số tiền 500.000 đồng dành dụm từ việc bán vé số, lúc đưa cho ba mẹ, họ vui lắm. Và tôi cũng hạnh phúc vì điều đó. Sau này, tôi biết mình không chỉ làm được nghề bán vé số mà còn có thể làm nhiều thứ khác nữa”.

Vài năm trước, chị Duyên gia nhập Câu lạc bộ Người khuyết tật của xã Hiệp Thạnh. Chị được học nghề may miễn phí. Hiện tại, chị theo học lớp thiết kế online với mong muốn may được những bộ đồ đẹp hơn cho mình và người thân. Chị còn mạnh dạn tham gia các cuộc thi viết do DRD tổ chức, như cuộc thi viết về cảm nhận sách/nhân vật yêu thích và đạt nhiều giải thưởng. Chị đang chuẩn bị để tham gia cuộc thi tìm hiểu về pháp luật. “Tôi thích đọc và thường đọc bất kể thứ gì có được, đọc sách, đọc trên mạng để bổ sung kiến thức cho mình”- chị Duyên chia sẻ.

Dừng học ở lớp 4, những nét chữ của chị Duyên khá nguệch ngoạc, nhưng chị cho biết sẽ viết bất kể lúc nào rảnh rỗi, viết về những ý tưởng, cảm nhận cuộc sống của mình. Chị vừa nhận được một dàn máy vi tính do mạnh thường quân tặng, và đang nỗ lực tập gõ chữ trên máy. Không còn những tự ti, mặc cảm nữa, chị Duyên của hiện tại luôn đầy tự tin với niềm vui mỗi ngày.

Năm ngoái, Trúc Linh tham gia lớp dạy nghề may của chủ nhiệm CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh. Tại đây, em gặp nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn. Điều đó giúp Trúc Linh nhận ra: “Mình còn may mắn hơn họ, nên phải cố gắng hơn nữa”. Thay đổi suy nghĩ, Trúc Linh tìm được niềm vui trong việc kinh doanh tiệm tạp hóa nhỏ. “Em được gặp nhiều người, nói chuyện vui lắm”.

25 tuổi đời, Trúc Linh hiện là người trẻ tuổi nhất CLB, em thấy mình có ích hơn khi giúp được mọi người những việc vặt, phụ dìu dắt thành viên đi lại khó khăn. Chỉ bấy nhiêu đó cũng cho cô gái trẻ nhiều niềm vui. Để có đủ dũng khí bước ra vùng tối, Trúc Linh luôn có sự đồng hành của gia đình, bạn trai và những thành viên CLB.

Là hoa, hãy tự tin khoe sắc

Có thể nói, đến bây giờ, chị Thanh Duyên đã trở thành một người khác hoàn toàn. Chị nói: “Mỗi người là một đóa hoa, mỗi bông hoa có vẻ đẹp riêng. Hoa nào cũng đẹp cả”. Không còn mặc cảm, tự ti, chị Duyên giờ có thể đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội; biết tô son, đánh phấn, ướm vào những bộ áo dài hay chiếc đầm xinh xắn để bước ra đường, gặp gỡ mọi người. Chị mạnh dạn thay đổi và tự tin thử những gì mình thích.

Không riêng chị Duyên, mà nhiều chị em trong CLB Người khuyết tật xã Hiệp Thạnh chú ý đến trang phục và học các trang điểm để mình xinh đẹp hơn. Là người ưa thích cái đẹp, nên chị Võ Thị Lệ Hằng- Chủ nhiệm CLB muốn thành viên CLB chỉn chu hơn. Thời gian trước, chị vận động áo dài cũ, mang về sửa lại cho phù hợp với vóc dáng của chị em.

Chị Duyên chia sẻ: “Tôi chưa hề có ý định mặc thử áo dài. Nhờ chị Hằng, tôi rất tự tin về bản thân, tự tin diện chiếc áo dài thiệt đẹp. Trước đây tôi không biết tô son, đánh phấn là gì. Bây giờ cũng tập tành trang điểm, làm đẹp cho chính mình”.

Những lúc rảnh rỗi, chị Chuyện lấy điện thoại xem lại hình ảnh chụp cùng các thành viên CLB. Tất cả chị em trong khung ảnh đều trang điểm, diện áo đầm tham gia một sự kiện. Chị Chuyện nói: “Tôi thích mình lúc đó lắm!”. Nhờ sự động viên của chị Lệ Hằng, chị Chuyện tự tin mặc áo dài, xúng xính cùng chị em trong CLB.

Theo chị Lệ Hằng, những sự động viên tích cực đã làm thay đổi hình ảnh của những người khuyết tật. Sau khi thử áo dài, có chị em mua vải đến nhờ chị Lệ Hằng thiết kế. Nhìn dòng trạng thái đầy hạnh phúc mà một thành viên CLB đăng trên mạng xã hội: “Cũng nhờ CLB mà em mới biết mặc áo dài như hôm nay”, chị Lệ Hằng vui và hạnh phúc, mong muốn họ luôn được tỏa sáng đầy tự tin.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-cua-nhung-bong-hoa-a161794.html