Chuyện của những cựu thanh niên xung phong

Chi hội Cựu TNXP phường Quyết Tâm (Thành phố) có 17 hội viên, gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường, nay đều đã ở độ tuổi 'xưa nay hiếm'. Nhưng, khi nhắc lại những năm tháng oanh liệt và hào hùng đó, ánh mắt, gương mặt họ ánh lên niềm tự hào và những cảm xúc còn vẹn nguyên, bởi đó là những năm tháng họ đã cống hiến, đã hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu, góp sức giành độc lập, tự do cho đất nước.

Bà Lê Thị Tâm, Tổ 4, phường Quyết Tâm (Thành phố) chia sẻ những kỷ vật ở chiến trường với con cháu.

Bà Lê Thị Tâm, Tổ 4, phường Quyết Tâm (Thành phố) chia sẻ những kỷ vật ở chiến trường với con cháu.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp “cô gái mở đường” Lê Thị Tâm, ở Tổ 4, phường Quyết Tâm (Thành phố). Trong căn nhà nhỏ của gia đình bà Tâm treo nhiều huân, huy chương. Tháng 4/1972, cô gái Lê Thị Tâm vừa tròn tuổi 18, tự nguyện đăng ký tham gia TNXP và được phân công về đơn vị C374-N237, thuộc Ban xây dựng 67. Rời quê hương Thọ Xuân (Thanh Hóa), đơn vị của bà hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh vào điểm tập kết tại chiến trường B4 (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), thực hiện nhiệm vụ sửa đường Trường Sơn, đoạn từ km 84 - 91. Những năm tháng ở rừng Trường Sơn tuy gian khổ, nhưng mọi người luôn yêu thương, đùm bọc và coi nhau như người thân trong gia đình.

Nhớ lại cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng cam go, khốc liệt, đôi mắt bà Tâm ngấn lệ, giọng bà nghẹn lại: Trong một lần báo hiệu cho đoàn xe vận tải dừng lại để tránh máy bay Mỹ đánh phá, tôi nhận lệnh đứng vẫy cờ đỏ, chiếc xe đầu tiên dừng lại, anh lái xe xuống hầm trú ẩn an toàn. Trong tiếng bom đạn, khói bụi, chiếc xe thứ 2 dừng lại, tôi và người lái xe lao mình xuống hầm, anh quăng người lấy thân mình che cho tôi. Dứt tiếng bom, tôi gọi “Anh ơi, an toàn rồi, mình ra ngoài thôi”. Không có tiếng trả lời, tôi bàng hoàng nhận ra anh đã hy sinh. Đến giờ, tôi vẫn chưa biết người cứu mình tên là gì, quê ở đâu. Từ đó đến nay, tôi nguyện sống và làm việc hết mình để xứng đáng với sự hy sinh của anh.

Chia tay bà Tâm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Xuân Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP phường Quyết Tâm. Ông Hằng kể: Các hội viên trong Chi hội luôn phát huy truyền thống lực lượng TNXP, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới hôm nay. Khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu TNXP bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe giảm sút... nhưng vượt lên tất cả, các hội viên đã tích cực tham gia công tác đoàn thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như hội viên Trần Thiệu, tổ 5 phường Quyết Tâm, sau khi rời lực lượng TNXP, ông trở về địa phương làm công nhân Công ty lương thực Sơn La. Sau khi nghỉ hưu, ông Thiệu tiếp tục tham gia giữ nhiều chức vụ ở tổ dân phố. Mặc dù đã ở tuổi 80, nhưng ông luôn là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ, ông Thiệu đã tự tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu trồng trên 600 m² thanh long, nuôi vài trăm con gà, hằng năm nhu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thiệu còn hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong Chi hội có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn có các cựu TNXP tiêu biểu, như bà Nguyễn Thị Mỵ từng tham gia mở đường trên đèo Pha Đin trong những năm tháng diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, hay bà Nguyễn Thị Hòa người có nhiều đóng góp cho tổ dân phố...

Không chỉ kiên cường, dũng cảm trong chiến tranh, các cựu TNXP ở phường Quyết Tâm bằng ý chí, nghị lực của mình đã từng bước vươn lên trong cuộc sống thời bình, tiếp tục có nhiều đóng góp sức mình cho xây dựng tổ chức hội và địa phương, họ chính là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-cua-nhung-cuu-thanh-nien-xung-phong-32806