Chuyện của những người trở về từ vùng dịch
Sau khi các địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, từng đoàn người lên đường về quê tránh dịch. Phần lớn họ là người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình...
Tại trạm dừng chân ở thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), dòng người hồi hương đổ về ngày một đông. Sau khi khai báo y tế, họ ngồi nghỉ ngơi, uống nước, ăn nhẹ để lấy lại sức. Đó là những phút nghỉ ngơi quý báu sau hành trình dài trên 1 nghìn km để về với quê hương.
Anh Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1992, quê xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương cho biết, anh vào làm công nhân tại Bình Dương được hơn 1 năm. Trong 3 tháng giãn cách, anh không có việc làm, khi các tỉnh phía Nam nới rộng giãn cách, anh đã quyết định trở về quê.
“Chúng tôi là những công nhân nghèo,dịch bệnh bủa vây, nhiều lúc có cảm giác dịch bệnh đến với mình hay không chỉ trong nháy mắt. Nay may mắn được trở về quê, tôi rấ vui mừng. Về đi biển, có gì ăn đó”, anh Lịch tâm sự.
2 vợ chồng anh Quách Công Bình, trú tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc vào Bình Dương làm công nhân được vài năm nay. Anh Bình cho hay, lương hai vợ chồng mỗi tháng 14 triệu đồng, vừa chi phí cho cuộc sống, vừa nuôi 1 đứa con và gửi tiền về nuôi con nhỏ ở nhà nên rất khó khăn. Sau khi Bình Dương nới rộng giãn cách, vợ chồng chị đi 2 xe máy, một người chở con, một người chở đồ để về quê. Khoảng 11h ngày 3-10 hai vợ chồng và con xuất phát từ Bình Dương, chiều ngày 6-10 thì đến Thanh Hóa.
“Bây giờ được đến quê là may mắn lắm rồi! Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện sẽ tiếp tục đi vào miền Nam mà sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm tại tỉnh Thanh Hóa”, anh Bình cho biết.
Đa phần công nhân buộc phải trở về quê là người nghèo.
Họ chở nhau trên những chiếc xe máy, hai người thay nhau lái. Quần áo, xe cộ bụi bặm bám đầy, sau xe chở lỉnh kỉnh những vật dụng cần thiết để dùng dọc đường.
Sau 3 ngày đi xe máy, vợ chồng anh Hàu Minh Sử quê ở xã Mậu Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã cùng đứa con 10 tháng tuổi vượt gần 1.400 km đã về đến Thanh Hóa.
Anh Sử cho biết, hai vợ chồng anh mỗi tháng thu nhập gần 11 triệu đồng nhưng chi phí cho cuộc sống cao nên gia đình anh không có tiền tích lũy. Sau 3 tháng giãn cách không đi làm, không có thu nhập, vợ chồng anh quyết định về quê. “Còn 500 km nữa là về đến quê rồi, tôi mừng quá”, anh Sử cho biết.
Vợ chồng chị Ngô Thị Bông, quê tại xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương có hai đứa con nhỏ. Vợ địu một đứa con trước bụng, chồng lái xe chở con phía trước. Sau xe là lỉnh kỉnh đồ dùng. Khi đi qua các chốt, vợ chồng chị được tiếp nước, đồ ăn thức uống, chứ tiền bạc trong người chỉ đủ để đổ xăng.
"Rất may là dọc đường các chốt kiểm soát dịch bệnh đã hỗ trợ người dân rất nhiều. Trước mắt vợ chồng sẽ ở nhà làm ăn, khi nào miền Nam ổn định mới tính đến chuyện có đi vào làm công nhân tiếp hay không”, chị Bông nói.
Đa phần những công nhân hồi hương đều có chung tâm trạng háo hức khi về gần đến nhà. Với họ, ký ức những ngày dịch bệnh thật khó phai mờ.
Nhiều công nhân đeo cả một can xăng sau xe, mua hẳn chiếc lốp xe máy “sơ cua” phòng trường hợp lốp xe hỏng để thay dọc đường.
Trước đó, chiều 5-10, trời mưa như trút nước nhưng dòng người từ các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch mỗi lúc một đông. Ngay khi vượt qua địa bàn tỉnh Nghệ An, những đoàn người được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn vào khai báo y tế, nghỉ ngơi, tiếp sức trước khi đi tiếp chặng đường còn lại.
Những công dân tỉnh Thanh Hóa từ miền Nam trở về sẽ được các huyện tổ chức xe xuống đón về thẳng các khu cách ly tập trung.
Công dân các tỉnh phía Bắc được lực lượng chức năng hướng dẫn tập trung tại cây xăng thuộc thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Những công dân này sau khi nghỉ ngơi, tiếp sức sẽ tiếp tục hành trình trở về quê hương. Trẻ nhỏ, người già, người sức khỏe yếu sẽ được lực lượng chức năng đưa lên xe ô tô chở và dẫn đường đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bàn giao cho tỉnh Ninh Bình.
Trung tá Trang Công Đông, Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương cho biết, lực lượng chức năng phải trực 24/24h và lập thêm trạm dừng nghỉ để phân luồng các công dân. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau khi biết thông tin công nhân hồi hương đã đến các chốt kiểm dịch liên ngành để hỗ trợ nước uống, nhu yếu phẩm.
Với việc số lượng công nhân từ miền Nam trở về ngày một đông, nguy cơ xuất hiện các ca dương tính là rất cao. Vì vậy, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa rất thận trọng trong công tác tiếp nhận, quản lý.