Chuyện của Tuấn cụt

Không may cụt cả hai bàn tay sau vụ tai nạn về điện, tương lai của Lê Văn Tuấn tưởng chừng như đổ sập trước mắt. Thế nhưng, với nghị lực phi thường và ý chí vươn lên, Tuấn đã trở thành chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại vừa kiếm thêm thu nhập và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Không may cụt cả hai bàn tay sau vụ tai nạn về điện, tương lai của Lê Văn Tuấn tưởng chừng như đổ sập trước mắt. Thế nhưng, với nghị lực phi thường và ý chí vươn lên, Tuấn đã trở thành chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại vừa kiếm thêm thu nhập và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Từ một phế nhân, nay Lê Văn Tuấn đã trở thành ông chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại.

Từ một phế nhân, nay Lê Văn Tuấn đã trở thành ông chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại.

Tai họa bất ngờ

Đến xã Tào Sơn, H.Anh Sơn (Nghệ An) hỏi thăm nhà "Tuấn cụt tay" ai cũng biết. Người dân không chỉ biết đến Tuấn là thanh niên đẹp trai, năng động mà còn nhắc đến Tuấn là chủ cửa hàng sửa điện thoại có tài và giàu nghị lực.

Lê Văn Tuấn (1991) sinh ra và lớn lên ở xóm 3, xã Tào Sơn, H. Anh Sơn, là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 21 tuổi, Tuấn lên đường đi nghĩa vụ quân sự. Nhờ rèn luyện tốt nên nam thanh niên này đã được phong hàm thượng sỹ và được giao nhiệm vụ làm phó trung đội trưởng. Sau khi xuất ngũ về quê cũng là thời điểm Lê Văn Tuấn gặp tai họa.

Đó là một ngày giáp Tết 2015, trời mưa phùn, Tuấn cùng một người nữa sửa mái nhà cho người họ hàng thì bất ngờ bị dòng điện cao thế chạy qua mái nhà phóng trúng. "Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình mất vĩnh viễn 2 bàn tay, hai chân cũng có nguy cơ phải cắt bỏ. Tôi gào khóc và sốc rất nặng. Sau hơn 2 tháng nằm viện Bỏng Quốc gia điều trị rồi về nhà, tôi đã suy sụp hoàn toàn khi đôi tay bị cắt cụt gần đến khuỷu. Cảm giác bản thân mình trở thành phế nhân không làm gì nên hồn cả. Đã có thời điểm tôi không muốn sống nữa mà xin gia đình được đi hiến tạng. Thế nhưng thấy bố mẹ khó khăn mới sinh ra và nuôi lớn mình. Nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe, tay run rẩy lau vết thương còn bố tiều tụy khi phải xoay xở tiền chữa trị, tôi tự hứa với lòng phải sống thật tốt để không phụ công bố mẹ" - Tuấn rớm nước mắt nói.

Từ thanh niên chán sống, muốn bỏ tất cả, Tuấn đã dần lấy lại được nghị lực. Tuấn quyết tâm tập luyện để trở thành người có ích cho bản thân và gia đình. "Ban đầu những việc cá nhân tôi cũng không thể làm được nhưng dần dần tôi đã tập luyện để tự làm các việc như đánh răng, rửa mặt, ăn uống... Sau khi làm được những việc nhỏ này, tôi nhận thấy, mình phải trang bị cái nghề cho bản thân để có thể tự kiếm tiền nuôi mình mà không trở thành gánh nặng của bố mẹ. Tôi bắt đầu mày mò và tìm đến nghề sửa chữa điện thoại, máy tính" - Tuấn chia sẻ.

Sau thời gian dài tập cầm nắm các vật dụng từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, Tuấn bắt đầu tìm đến những người chuyên sửa chữa máy tính, điện thoại để học hỏi. Bản thân có được vốn liếng căn bản từ ngành học cơ khí tại miền Nam, Tuấn luôn ấp ủ sẽ làm được việc gì đó có ích. "Tôi tìm đến những người bạn làm nghề sửa máy tính, điện thoại để học hỏi. May mắn khi được mọi người chỉ dạy tận tình nên tôi kiên trì học tập. Việc sửa chữa điện thoại ngoài trình độ còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Phải mất 3 tháng trời tôi mới làm quen được việc cầm kẹp, tua vít mở những con ốc. Có những lúc cánh tay ứa máu, đau nhức nhưng nhờ sự động viên của những người bạn và gia đình, tôi lại có thêm động lực" - Tuấn kể.

 Tuấn chăm chú sửa điện thoại để kịp trả cho khách.

Tuấn chăm chú sửa điện thoại để kịp trả cho khách.

Ông chủ cửa hàng có tấm lòng nhân hậu

Sau khi trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, Tuấn mạnh dạn đề xuất gia đình để mở một quán sửa chữa máy tính, điện thoại. "Ban đầu chưa quen việc và đôi tay còn vụng về nên không ít lần làm hỏng máy của khách, phải mua đền cho họ. Nhưng sau đó, khi quen dần và làm được thì nhiều người đã đưa máy đến chỗ tôi sửa. Giờ chỉ vắng nhà mấy ngày mà máy khách đưa đến sửa chất đống" - Tuấn cười.

Tranh thủ vừa nói chuyện với khách, Tuấn vẫn tập trung vào những chiếc điện thoại đang sửa dở. Nhìn những thao tác thuần thục, chuẩn xác của hai cánh tay cụt đến khuỷu khi tháo lắp điện thoại, chúng tôi vô cùng khâm phục. Sau khi mở chiếc điện thoại ra, Tuấn dùng hai đầu gối kẹp chặt chiếc điện thoại rồi dùng cánh tay giữ chặt lấy cái kẹp nhỏ mở máy ra nhanh thoăn thoắt, sau đó lại chụm hai cùi tay để cầm tua vít nhỏ mở từng cái ốc vít bé xíu trong điện thoại. "Khác với các vật dụng và linh kiện khác, các linh kiện điện thoại đều bé xíu. Nhất là những chiếc ốc, nhiều cái bé như hạt gạo. Để làm được những việc này phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và đặc biệt là kiên trì" - Tuấn vừa làm vừa giải thích.

Giờ đây, sau 3 năm gây dựng, cửa hàng của Tuấn đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân ở xã Tào Sơn,H. Anh Sơn. Không những trở thành ông chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại, máy tính có tiếng trong xã, Tuấn còn tham gia đào tạo nghề cho một số thanh niên và hỗ trợ họ làm việc ngay tại cửa hàng của mình. Không chỉ hỗ trợ tại chỗ, Tuấn còn đến tận nhà những hoàn cảnh như bản thân mình để động viên, tiếp thêm nghị lực cho họ.

Ngoài tạo thu nhập cho một số lao động trong xã, Tuấn còn tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội tại địa phương và trở thành tấm gương sáng, đầy nghị lực cho ĐVTN của xã Tào Sơn cũng như huyện Anh Sơn. Ngày 11-12-2020 vừa qua Lê Văn Tuấn vinh dự là một trong những đại biểu ưu tú tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 được tổ chức tại Hà Nội.

Tuấn chia sẻ: "Từng trải qua cú sốc đầu đời, tôi hiểu rất rõ cảm giác tuyệt vọng khi bản thân trở thành gánh nặng cho người khác, cho gia đình. Chính vì vậy, tôi cũng mong muốn những bạn đang phải chịu những khiếm khuyết cố gắng vươn lên, vượt qua chính mình để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội". Ngoài ra, Lê Văn Tuấn cũng mong muốn, Hội LHTN các cấp sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ người khuyết tật, là cầu nối để thanh niên khuyết tật có cơ hội giao lưu, học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội.

Dương Hóa

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_238276_chuyen-cua-tuan-cut.aspx