Chuyển cứng sang vờn

Tổng thống đắc cử Joe Biden đang dần lộ đối sách mới với Trung Quốc (TQ) theo kiểu vờn bóng truyền thống. Các cố vấn đối ngoại tiềm năng cho thấy ông thiên về trung dung, trọng thương thuyết. Lẽ nào sẽ tái diễn nhiệm kỳ tăng kết bè kéo cánh dễ được khen mà khó kìm địch thủ như bao lần.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden tại cuộc gặp ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 12/2013. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden tại cuộc gặp ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 12/2013. Ảnh: AP

Thực ra, gần năm thập kỷ hoạt động đối ngoại, Biden hay thay đổi quan điểm chứ không hẳn cứng nhắc. Năm 2019, ông vẫn đánh giá thấp thách thức từ TQ khi tiếp tục cho rằng họ “không phải là đối thủ cạnh tranh”. Song kể từ đại dịch COVID-19, ông cùng đội tranh cử có vẻ chuyển giọng.

Biden dường như đốn ngộ rằng TQ quả tình khó lường, điều mà các thế hệ lãnh đạo Mỹ trước Trump bấy lâu vẫn phớt lờ. Nhớ lại năm 2014, chính quyền Obama ký ba bản ghi nhớ với TQ nhằm tránh va chạm ở Biển Đông. Theo cam kết, hai bên sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển và trên không, kiểm soát căng thẳng.

Phó tổng thống Biden có bài học tức thì về sự nghiêm túc. Thỏa thuận chưa ráo mực, máy bay chiến đấu TQ đã áp sát cách 9 m tàu bay tuần tra P-8 của Mỹ. Các vụ TQ chặn phương tiện của hải quân Mỹ sau đấy không hề thuyên giảm. Ngược lại, Mỹ chỉ làm vài chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông như thể cho có. Chỉ đến chính quyền Trump, trong chưa đầy bốn năm, đã thấy thi triển chừng 20 FONOP.

Né tránh đến kỳ bí của còn đầy ra đấy. Chính quyền Obama cứ mần thinh khi, năm 2016, Philippines đệ đơn lên tòa quốc tế kiện TQ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Cũng chẳng thấy động thái phản kháng nào đáng kể khi TQ xây dựng bảy đảo nhân tạo lớn, trong đó ba đảo đã thành căn cứ quân sự. Rồi im lặng khó hiểu lúc bãi cạn Scarborough gần Philippines bị TQ cưỡng chiếm năm 2012.

Nhiều nhà phân tích bi quan theo hướng TQ bá chủ Biển Đông là kịch bản khó tránh. Tâm trạng u ám lảng vảng trong bối cảnh Biển Đông vẫn thành tâm điểm trong chiến lược Ấn Độ-TBD của Mỹ. Người ta cũng rõ hơn rằng tri thức của Mỹ về các thách đố từ TQ không bắt kịp thực tế bất chấp Mỹ luôn khoe có bộ máy tư duy thượng thặng.

Đương nhiên Biden phải rắn nhưng vấn đề là rắn đến đâu và rắn kiểu gì. Nghe nói ông sẽ bẻ ngoặt hầu hết những gì mà Trump gây dựng. Tân tổng thống có thể dựa vào liên minh để kiềm tỏa TQ, giảm tuần tra trực tiếp tại Biển Đông và thay bằng răn đe từ xa nhờ tên lửa. Thật khó đoán kết cục của chính sách trung dung trước một đối thủ hùng mạnh kèm thái độ hung hăng, sẵn sàng gây hấn.

Hoàng Quốc Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/chuyen-cung-sang-von-1759804.tpo