Chuyện ĐA. Thanh Hóa nợ cầu thủ 16,6 tỉ đồng: 'Chết vì tiền thưởng'

Làng bóng đá Việt Nam đang xôn xao chuyện CLB ĐA. Thanh Hóa nợ lương, thưởng, tiền lót tay các cầu thủ lên đến 16,6 tỉ đồng.

Chiều 5-8, tập thể các cầu thủ ĐA. Thanh Hóa đăng tải thông tin bị CLB nợ lương, thưởng, tiền lót tay và các khoản khác khoảng hơn 16,6 tỉ đồng trong hai mùa giải năm 2023 và 2023 - 2024. Trong đó có đến 8,6 tỉ tiền thưởng trong mùa giải 2023 - 2024 như trận bán kết cúp quốc gia thắng Nam Định (2 tỉ đồng), trận chung kết cúp quốc gia thắng Hà Nội (2 tỉ đồng), tiền thưởng BTC cúp quốc gia (2 tỉ đồng), các doanh nghiệp thưởng vô địch cúp quốc gia (1 tỉ đồng),…

 Sắp tới ĐA. Thanh Hóa dự giải Cúp các CLB vô địch Đông Nam Á, trong khi bỏ Champions League 2 mà nếu bị loại ở vòng bảng cũng bỏ túi ít nhất 300 ngàn USD. Ảnh:VPF

Sắp tới ĐA. Thanh Hóa dự giải Cúp các CLB vô địch Đông Nam Á, trong khi bỏ Champions League 2 mà nếu bị loại ở vòng bảng cũng bỏ túi ít nhất 300 ngàn USD. Ảnh:VPF

“Chết” vì tiền thưởng

Chuyện các CLB ở Việt Nam dính lùm xùm chuyện lương, thưởng là rất nhiều… Nhiều chuyên gia bóng đá, HLV nước ngoài, thậm chí là cầu thủ nước ngoài đến Việt Nam một thời gian thì thấy rằng, bóng đá Việt Nam nghiệp dư nhưng ăn lương chuyên nghiệp. Các cầu thủ nhận lương, các khoản thưởng thắng trận, vô địch cao chót vót.

Trong khi đó, cách vận hành của các nền bóng đá chuyên nghiệp khác của châu Á khác hơn nhiều. Công Phượng qua Nhật Bản thi đấu phải đi phát tờ rơi. Cầu thủ Nhật Bản còn phải đi làm công tác xã hội, vào các trường dạy bóng đá cho học sinh. Các CLB phải có trách nhiệm với cộng đồng thì dân chúng mới ủng hộ lại CLB. Đó chính là một phần của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng hầu hết các cầu thủ Việt Nam, CLB Việt Nam không phải tốn thời gian cho chuyện công tác xã hội, trong khi họ lại nhận lương cao.

Ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cả Singapore, các khoản thưởng cho CLB đều sung vào công quỹ cho CLB trả lương toàn bộ nhân viên, bởi cầu thủ đã lãnh lương cao. Các CLB lớn của Thái Lan như Buriram Utd, Muangthong, Pathum, Bangkok Utd khi nhận được các khoản thưởng từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp thì đều sung vào công quỹ. Ngay cả CLB đại gia của Hoàng tử Ismail (Malaysia) là Johor Darul Tezim khi nhận được tiền thưởng cũng đưa vào quỹ của CLB.

 Những khoản lương, thưởng cầu thủ ĐA. Thanh Hóa liệt kê.

Những khoản lương, thưởng cầu thủ ĐA. Thanh Hóa liệt kê.

Trong khi đó, các lãnh đạo ở bóng đá Việt Nam tuyên bố thưởng thì khoản tiền đó đều "chảy vào túi" các cầu thủ, HLV. Khi nền kinh tế khó khăn thì những khoản thưởng đó lại là gánh nặng, đội bóng "chết" vì nó. Đây là bài học để các CLB cải tổ lại cách quản lý để giảm thiểu khủng hoảng nợ nần.

Nhiệm vụ của các cầu thủ là ra sân thi đấu hết mình, giúp đội bóng thắng trận. Nếu cầu thủ mang suy nghĩ đá thắng để nhận tiền thưởng, không thưởng, không đá, hoặc buông cho thua thì nên có những biện pháp trừng phạt.

Các CLB bóng đá Việt Nam phải cải cách lại, tiến dần đến việc loại bỏ tiền thưởng, để đi vào tính chuyên nghiệp quy củ, phát triển bền vững và quan trọng là có thể đứng vững trong bão tố suy thoái kinh tế toàn cầu.

Điều này cần phải được thực hiện, bởi không chỉ V-League, giải hạng nhất Việt Nam mùa bóng 2024-2025 cũng đang chông chênh khi đội Long An trả đội bóng về Sở VH-TT Long An, còn BR-VT, Khánh Hòa,... chưa biết có tham dự giải hạng nhất mùa tới hay không cũng vì khó khăn về kinh tế.

 Tập thể những cầu thủ bị nợ lương ký tên.

Tập thể những cầu thủ bị nợ lương ký tên.

Chuyện ĐA. Thanh Hóa và bình diện quốc tế

Vài năm qua, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Và tất nhiên, các doanh nghiệp tài trợ, gánh vác bóng đá địa phương không đứng ngoài vùng xoáy kinh khủng này.

Cũng như V-League của Việt Nam, giải M-League của Malaysia đang sống dở chết dở vì nợ lương, nợ chuyển nhượng. Hàng loạt CLB nhà nghề do doanh nghiệp tài trợ làm ăn không tốt, không có đơn hàng sản xuất nên không có tiền trả lương.

Tuyển thủ nhập tịch Malaysia Paolo Josue (từ Brazil), đội trưởng CLB Kuala Lumpur City bị nợ lương 7 tháng, lần cuối cùng anh nhận lương là tháng 12-2023. Vợ con Paolo Josue sống ở Kuala Lumpur trong ngôi nhà thuê. CLB nợ 7 tháng lương lấy gì để gia đình anh sống nổi.

Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Malaysia với chủ tịch là cựu danh thủ Safee Sali cùng đội ngũ luật sư cũng không có cách nào đứng ra bảo vệ các cầu thủ. Họ chỉ biết "khoanh vùng" các CLB nợ lương, trong khi giới chủ các CLB tuyên bố ai muốn kiện thì kiện vì họ cũng không có tiền trả lương.

 CLB ĐA. Thanh Hóa nợ nhiều cầu thủ 3 tháng lương.

CLB ĐA. Thanh Hóa nợ nhiều cầu thủ 3 tháng lương.

Giải vô địch Úc (A-League) cũng có nguy cơ đổ vỡ. Trước mùa giải, nhiều CLB không có đủ 2,2 triệu USD trong tài khoản như một điều kiện cần và đủ để tham gia các giải quốc nội trong năm. Ban tổ chức các giải đấu ở Úc hạ tiền đóng phí cuộc chơi từ 530.000 USD xuống còn 330.000 nhưng nhiều CLB Úc cũng than trời, không có tiền đóng. A-League có nguy cơ sụp đổ vì doanh nghiệp làm ăn khó khăn, không có tiền giúp đỡ CLB.

Một nền bóng đá lớn và một quốc gia kinh tế mạnh như Pháp nhưng một CLB giàu truyền thống như Bordeaux sau hơn 110 năm phát triển vừa rồi cũng xóa sổ vì không có tiền.

CLB Caen thành lập năm 1913 đứng trước bờ vực giải tán đang chơi Ligue 2 may mắn được Kylian Mbappe bỏ ra 20 triệu euro mua lại như một sự giải cứu. Mbappe còn quá trẻ, anh lo tập trung chơi bóng chưa nghĩ đến việc làm chủ tịch CLB nhưng anh đã “hy sinh rút hầu bao” để CLB cũ của mình “sống sót”.

Trở lại với bóng đá Việt Nam, cầu thủ đã có lương, phí chuyển nhượng cao, nhiệm vụ là phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng để giúp CLB có thành tích tốt. Thành tích tốt thì tiền tài trợ, quảng cáo đến nhiều, đời sống cầu thủ tăng. Các cầu thủ có thói quen đòi CLB treo thưởng thắng trận khi đội rơi vào khu vực rớt hạng, điều đó là rất nguy hiểm. Các CLB không nên tạo ra thói quen này, bởi nếu không thưởng, họ sẽ không đá hết sức. Họ cũng không nên chia tiền thưởng giải đấu cho các cầu thủ mà cần sung vào quỹ CLB.

Tại Việt Nam, CLB không thể nuôi nổi bóng đá. Tất cả các CLB ở Việt Nam đều phải sống bằng tiền doanh nghiệp. Từ sự suy thoái kinh tế hiện nay, nhiều CLB Việt Nam gặp khó. Nhưng đây chính là thời điểm tốt để các CLB dần bỏ thói quen "thưởng nóng" và quy hoạch lại công tác quản lý cho đúng với 1 CLB chuyên nghiệp.

Đơn khiếu nại của các cầu thủ ĐA Thanh Hóa

Đơn khiếu nại có nội dung: “Trong suốt 2 mùa giải qua cho tới nay dù tập thể cầu thủ và Ban huấn luyện luôn đối mặt với việc bị chậm lương, chậm thưởng, chậm phí hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ tinh thần tập luyện và thi đấu với sự chuyên nghiệp cao nhất với thành tích cụ thể là: Giành 2 cúp vô địch quốc gia và 1 siêu cúp quốc gia trong 2 năm liên tiếp, điều chưa từng có trong lịch sử đội bóng.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được chế độ như đã cam kết, gây nên những sự khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc. Hiện tại mùa giải mới sắp bắt đầu nhưng CLB vẫn chưa thanh toán tiền lương, tiền phí hợp đồng như đã ký kết và tiền thưởng như đã hứa.

Vì những lý do trên, chúng tôi quyết định tạm dừng tập luyện cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết. Kính mong các cấp lãnh đạo, Sở ban ngành có thẩm quyền vào cuộc sớm giải quyết cho chúng tôi. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!".

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-da-thanh-hoa-no-cau-thu-166-ti-dong-chet-vi-tien-thuong-post803908.html