Chuyện dài du lịch
Kết quả khảo sát mới đây của Outbox (đơn vị nghiên cứu và tư vấn về du lịch) cho thấy Chỉ số hấp dẫn điểm đến (IDDA) của Đà Nẵng trong quý 3/2023 (cũng là cao điểm của du lịch) ở mức 'cần cải thiện'. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 20% doanh nghiệp Đà Nẵng hài lòng với kết quả kinh doanh trong quý 3 và 18% doanh nghiệp tự tin về triển vọng doanh nghiệp trong quý cuối năm.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn thì vấn đề của du lịch Đà Nẵng cũng không phải là quá bất ngờ. Tuy nhiên điều đó cũng cho thấy cần tìm lối mở tích cực cho ngành du lịch cả nước nói chung, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện kết quả hoạt động và thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Điều đó trước hết cần phải có cách nhìn rất thực tế về hiện trạng du lịch. Ví dụ trong khi lãnh đạo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho rằng đảo ngọc ngày càng vắng khách là do thời tiết không thuận lợi, giá vé máy bay cao, du khách chọn đi du lịch gần bằng đường bộ…, thì đã nhận được nhiều ý kiến khác. Nhiều người cho rằng, để Phú Quốc chấm dứt cảnh “đói khách” thì lãnh đạo địa phương cần thực hiện khảo sát lấy ý kiến du khách xem họ hài lòng chỗ nào, không hài lòng chỗ nào.
Với thái độ tích cực, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Phú Quốc. Đó là du lịch không chỉ tập trung vào khách nước ngoài, vì kinh tế nước nhà đã tốt hơn có thể đem lại nguồn thu cao hơn với khách nội địa. Cần phải có biện pháp kéo giảm giá để thu hút khách, quan trọng nhất là ăn uống. Khách du lịch đã tốn tiền mua vé máy bay ra đảo nhưng lại trả tiền dịch vụ đắt đỏ không thua gì ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, thì Phú Quốc sẽ gặp bất lợi.
Có ý kiến cho rằng Phú Quốc cần có bộ quy tắc về dịch vụ, để du khách không còn sợ bị “chặt chém”, không còn sợ bị taxi chở đến điểm nọ điểm kia để ăn hoa hồng.
Có nghĩa là cần những giải pháp đồng bộ để Phú Quốc và nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác nữa trở lại với “đường đua”.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tháng 10/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vượt qua mốc 1,11 triệu lượt. Đây đã là tháng thứ tư liên tiếp Việt Nam đón nhận số lượng khách quốc tế vượt quá 1 triệu lượt. Trong khi đó, khách du lịch nội địa là 5,2 triệu lượt người (trong đó hơn 3,7 triệu khách lưu trú). Tính chung 10 tháng, toàn ngành đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế; 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu lượt.
Đó là tin vui. Tuy nhiên để du lịch Việt Nam phát triển nhanh hơn theo hướng bền vững, dựa trên lợi thế rất lớn của đất nước thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Ở đây, xin được dẫn một vài con số so sánh.
Kết thúc năm 2022, báo cáo của Hội đồng Tư vấn du lịch TAB cho thấy chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam là 18,1% - đứng gần cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19 trong khu vực. Trong khi chỉ số này cao nhất là của Singapore 30,9%; Malaysia là 27,5% hay của Thái Lan là 22%.
Ngày 19/9/2023, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết, kể từ đầu năm đến ngày 17/9/2023, nước này đã đón 19 triệu lượt du khách quốc tế; doanh thu lên đến 22,26 tỷ USD. Cùng trong thời gian này, Việt Nam đón khoảng 8,9 triệu lượt khách quốc tế. Năm nay, Thái Lan dự kiến sẽ đón khoảng 30 triệu lượt khách quốc tế, còn Việt Nam dự kiến đón từ 12-13 triệu lượt du khách nước ngoài.
Những con số chênh lệch rất lớn, tuy nhiên năm 2023 dẫu chưa kết thúc thì những con số chúng ta có được vẫn cho thấy đó là một năm thắng lợi của du lịch Việt Nam. Vấn đề là trên cơ sở đó cần đánh giá thực tế rõ ràng hơn, nhận diện đầy đủ những vướng mắc cũng như thuận lợi để tiếp tục tăng cường giải pháp nhằm thu được kết quả lớn hơn, bền vững hơn.
Việt Nam rất có lợi thế phát triển du lịch với nhiều loại hình: du lịch biển, du lịch núi đồi, du lịch mạo hiểm, du lịch đồng bằng, du lịch khám phá, trải nghiệm (văn hóa, lịch sử), du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Thiên nhiên đa dạng và tươi đẹp, con người thân thiện, nền văn hóa đặc sắc phong phú, những lợi thế đó cần được phát huy hơn nữa để đất nước thực sự có được nền du lịch bền vững, hướng tới vị trí vững chắc trong bản đồ du lịch toàn cầu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-dai-du-lich-10266879.html