Chuyên đề 'Khát vọng lên bờ' và 'Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng' của Báo Thanh Hóa vinh dự được trao giải Búa Liềm vàng
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 sẽ diễn ra tối nay tại Thủ đô Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo thông báo của Ban Tổ chức giải, Báo Thanh Hóa vinh dự có 2 tác phẩm được trao giải chính thức, là tác phẩm: 'Khát vọng… 'lên bờ' và 'Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng: Nhận thức đúng - hành động quyết liệt'.
Đây là lần đầu tiên Báo Thanh Hóa có 2 loạt bài được trao giải chính thức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng trong cùng một lần trao giải.
Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2022 có 2.032 tác phẩm dự thi. Hội đồng sơ khảo đã xét chọn 110 tác phẩm giới thiệu chấm chung khảo. Hội đồng chung khảo đã xem xét, thống nhất lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất để trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C.
Ngoài các giải chính thức, Ban Tổ chức còn trao 30 giải khuyến khích và 8 giải chuyên đề gồm: Giải tác phẩm xuất sắc về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc phát triển lý luận về xây dựng Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; Giải tác phẩm xuất sắc về phát hiện tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài.
Ban Tổ chức cũng sẽ trao giải thưởng cho 15 cơ quan báo chí, hội nhà báo và ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức tham gia hưởng ứng giải.
Đáng chú ý nữa là, Ban Tổ chức chọn một số nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải để biểu dương, khen thưởng.
Loạt bài “Khát vọng... “lên bờ” gồm 3 bài: (Bài 1) Những giấc mơ xuyên thế hệ. (Bài 2) Thực thi nhiệm vụ bằng “trái tim nóng”. (Bài 3) Không để ai bị bỏ lại phía sau của nhóm tác giả Lê Dung, Minh Hiếu, Đỗ Đức đã đi sâu phân tích hiện thực khách quan, lý giải nguyên nhân cuộc sống khó khăn của người dân vạn chài từ bao đời nay, và bối cảnh kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, đúc kết thành luận cứ, luận chứng khẳng định ý nghĩa, tính nhân văn trong chủ trương, chính sách và quyết tâm cao qua nhiều thập kỷ của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh để đưa đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Chủ trương này đã khẳng định trách nhiệm, quyết tâm cao và tinh thần “đi trước một bước”, chung tay cùng cả nước vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông qua chuyên đề này, nhóm tác giả đã làm nổi bật sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ đó tạo thành phong trào rộng lớn, thu hút sự quan tâm tham gia của Tòa Giám mục Thanh Hóa, các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm chăm lo cuộc sống cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế. Quyết tâm đưa đồng bào sinh sống trên sông lên bờ của tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong nỗ lực chăm lo cuộc sống cho người dân và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khi đa phần bà con sinh sống trên sông là đồng bào có đạo. Đó cũng là hành động cụ thể, thiết thực làm nền tảng vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ cổ vũ Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa nỗ lực lớn, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TU, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện chuyên đề, ngoài bám sát chủ trương, chính sách, công tác tổ chức thực hiện chủ trương đưa đồng bào sinh sống trên sông lên bờ của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhóm tác giả đã có nhiều ngày lăn lộn tại cơ sở, xuống thuyền cùng ăn, cùng ở, cùng lênh đênh trên những khúc sông để tìm hiểu đời sống lao động, sản xuất, phong tục, tập quán và những mong muốn của bà con vạn chài. Từ đó xây dựng kế hoạch đề cương, xác định luận cứ, luận chứng thực hiện tác phẩm.
Loạt bài “Bổ sung nguồn lực kế cận cho Đảng: Nhận thức đúng - hành động quyết liệt” gồm 5 bài: (Bài 1) Nhận diện những “điểm nghẽn”. (Bài 2) “Luồng gió mới” từ Chỉ thị 05. (Bài 3) “Quả ngọt” từ sự quyết tâm. (Bài 4) Xây dựng đội dự bị tin cậy cho Đảng từ học sinh, sinh viên. (Bài 5) Trách nhiệm và hành động của nhóm tác giả Quốc Hương, Thu Vui, Thanh Huê, Lê Phượng, Phan Nga.
Thông qua tác phẩm, nhóm tác giả đã phản ánh được những kết quả bước đầu tỉnh Thanh Hóa khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để kết nạp vào Đảng trong khối doanh nghiệp, trường học và một số địa phương trong tỉnh. Theo đó, trong 2 năm (2021, 2022) tỉnh Thanh Hóa đã hái được nhiều “quả ngọt” kết nạp được hàng nghìn đảng viên ưu tú vào Đảng, vượt chỉ tiêu, trong đó có nhiều đảng viên đang làm việc trong doanh nghiệp, đảng viên là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, với tinh thần không chạy theo số lượng, thành tích mà xem chất lượng là tiêu chí hàng đầu, các cấp ủy đảng luôn chú trọng phát triển đảng viên mới đi đôi với sàng lọc và củng cố, bảo đảm cả “chất” và “lượng”, để đội ngũ đảng viên thật sự là “hạt nhân” trong tổ chức, lãnh đạo thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.
Để thực hiện chuyên đề này, phóng viên đã có những chuyến khảo sát kỹ, thâm nhập sâu tại nhiều địa phương, doanh nghiệp, trường học để khai thác, phản ánh trung thực, sinh động, qua đó “mềm hóa” một vấn đề lâu nay được xem là khô khan, thu hút được đông đảo bạn đọc quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác phát triển đảng viên trong các tổ chức, cơ sở đảng.
Lễ trao giải sẽ được Báo Thanh Hóa thông tin chi tiết vào 20h tối nay trên Báo Thanh Hóa điện tử.