Chuyên đề năm 2022 (tiếp theo kỳ trước)

CHUYÊN ĐỀ NĂM 2022

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”

(tiếp theo kỳ trước)

Cùng với đức và tài, người cán bộ phải có phong cách công tác quần chúng, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người yêu cầu cán bộ càng phải: “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi,... Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (1).

Muốn dân tin yêu, kính trọng, người cán bộ phải biết tránh xa những căn bệnh, những thói xấu thường gặp và dễ mắc phải như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, bệnh cá nhân chủ nghĩa... và: “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(2).

Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Học tập càng khá, giải quyết các vấn đề càng dễ dàng, công việc càng trôi chảy. Để học tập tiến bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học ở nhân dân là một khuyết điểm rất lớn”.

III. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Khi ở địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Hồ Chí Minh càng ra sức tự hoàn thiện, trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, làm gương trong anh em, và khi đi công tác, làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: quyết tâm, trí tâm, đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí thành công”(3). Hồ Chí Minh cho rằng, con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông, coi trọng thực tiễn hơn là lý thuyết; “Đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4). Chính vì vậy, Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(5). Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Để giáo dục tiên phong, gương mẫu, Người chủ trương “Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(6). Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Người luôn theo dõi những điển hình tiên tiến được phản ánh trên các báo để tổng hợp và tìm cách nhân rộng; trước lúc đi xa, Người đã cùng đồng chí Hà Huy Giáp tuyển chọn những gương tiêu biểu xuất bản thành sách Người tốt việc tốt để mọi người học tập, làm theo lan tỏa những cái tốt, cái đẹp trong xã hội.

Hồ Chí Minh thấy được một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; luôn quyết tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Bao trùm lên tất cả ở Hồ Chí Minh là sự quên mình vì mọi người, chính là sự ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc của Người là làm sao mang lại thật nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước. Cuộc sống hoàn toàn không chút bợn riêng tư, đã tạo nên ở Người một cái gì vô cùng trong sáng”.

Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

IV. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cần làm tốt công tác cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng là để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề, là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ đó đòi hỏi Đảng phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, trong đó đức là quan trọng hàng đầu.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những yêu cầu đối với Đảng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là:

1. Phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thành bại của sự nghiệp cách mạng tùy thuộc vào công tác cán bộ: “Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước”(7). Từ đó, Người căn dặn “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(8).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”(9); huấn luyện cán bộ phải lấy chất lượng làm trọng, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, gắn liền với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể (trong cán bộ có cán bộ đảng, nhà nước, đoàn thể; cán bộ ở Trung ương, địa phương và cơ sở), “làm việc gì học việc ấy”(10); phải huấn luyện toàn diện về nghề nghiệp, chính trị, văn hóa, lý luận đi đôi với thực hành, cả đức và tài; phải có kế hoạch rõ ràng, tổ chức khoa học, phải lựa chọn rất cẩn thận những người phụ trách việc huấn luyện đó. Huấn luyện cán bộ cần tiến hành thường xuyên, công phu, lâu dài, phải kiên trì và bền bỉ, bởi vì “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt”(11).

Với Người, công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả mai sau: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(12).

Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ, mở 3 lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên ưu tú Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào những năm 1925-1927, với tổng số 75 người. Kết thúc khóa học, Người đã gửi một số thanh niên sang học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông, Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 10/1940, khi còn ở Trung Quốc, sau khi biết thông tin hơn 40 thanh niên các dân tộc ở Cao Bằng vì bị bọn Pháp, Nhật khủng bố đã tạm lánh sang Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), nhận thấy đây là những hạt giống tốt để gầy dựng phong trào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo mở lớp và trực tiếp huấn luyện cho những thanh niên này. Đây chính là những “hạt giống đỏ” trung kiên, nòng cốt được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, gieo trồng, chăm sóc, trưởng thành, để từ đó đem ánh sáng của Đảng, ánh sáng của Bác Hồ thấm sâu vào lòng nhân dân, góp phần quan trọng vào việc gầy dựng, tổ chức và phát triển các phong trào cách mạng trong nước; và họ cũng chính là những trái ngọt đầu mùa từ quan điểm “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, ở thời kỳ nào của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chú trọng huấn luyện, đào tạo cán bộ bằng hai cách chủ yếu: đào tạo qua trường lớp và đào tạo từ thực tế đấu tranh cách mạng. Đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tháng 9/1949, Người đã lưu lại trên trang đầu cuốn Sổ vàng của nhà trường những lời dạy vô cùng quý giá: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(13).

Thấm nhuần, vận dụng và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ là một việc làm hết sức cần thiết để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần tạo nên một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước, của địa phương, đơn vị.

(còn nữa)

-----------------------------

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.286

2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.252

3- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.150

4- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.263

5- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.552.

6- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.558.

7- Lời Bác căn dặn cán bộ, Báo Nhân dân, ngày 19/8/1997

8- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.269

9- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.273

10- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.270

11- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.282

12- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bố năm 1969

13- Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.684

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/272292/chuyen-de-nam-2022-tiep-theo-ky-truoc.html