Chuyên đề 'Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới Đô thị di sản thiên niên kỷ'

Chiều 27/4, Hội thảo khoa học quốc tế 'Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới' tiếp tục với phiên thảo luận 'Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới Đô thị di sản thiên niên kỷ'.

Quang cảnh Phiên thảo luận chuyên đề.

Quang cảnh Phiên thảo luận chuyên đề.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS.Nguyễn Quốc Thông - Hội Kiến trúc sư Việt Nam; đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch đồng chủ trì phiên thảo luận. Cùng dự có các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu trong nước và quốc tế; đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh: Ninh Bình là một trong những địa phương điển hình có Di sản thế giới trong lòng trung tâm đô thị - một biểu hiện hiếm hoi của yếu tố đô - thị đang tồn tại song hành; yếu tố đô thị - nông thôn có tương hỗ cùng phát triển.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch phát biểu khai mạc Phiên thảo luận.

Tuy nhiên, di sản đang đứng đứng trước những thách thức, đó là xung đột, mâu thuẫn trong quá trình phát triển, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên thế giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nhất là khi Ninh Bình thực hiện Quyết định số 821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2023 "Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/3/2024, việc quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An hướng tới xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới là yêu cầu bức thiết.

Chính vì vậy, việc quy hoạch phải đảm bảo yếu tố tôn vinh những giá trị "độc nhất vô nhị" của Khu di sản, đồng thời giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, bất cập và khó khăn. Do đó, việc quy hoạch đối với khu Di sản thế giới Tràng An đòi hỏi phương pháp tiếp cận sáng tạo, tích hợp các chức năng trong quá trình quy hoạch để chuyển hóa năng lực di sản thành động lực tăng trưởng mới, đồng chí Giám đốc Sở Du lịch mong muốn với tâm huyết, kinh nghiệm thiết thực đã, đang áp dụng thành công ở các khu di sản của Việt Nam và thế giới, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ đóng góp, đề xuất các ý kiến, giải pháp cụ thể gắn với quy hoạch thực tiễn ở địa phương.

Bà Nao Hayashi, Chuyên gia chương trình Trung tâm di sản thế giới UNESCO phát biểu tại Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm như chuyển biến không gian đô thị Ninh Bình qua các thời kỳ, lấy di sản Tràng An làm trung tâm; Quy hoạch, kết nối, quản lý vùng lõi và vùng đệm khu di sản với các khu vực lân cận; Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới; Phân vùng tổ chức không gian cảnh quan sinh thái, vai trò hệ thống thủy lợi, dòng sông cổ, địa chất, địa mạo trong cảnh quan khu di sản; Số hóa và tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch bảo tồn và thiết lập sản phẩm du lịch đặc thù…

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội KTS Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận.

Phát biểu bế mạc phiên thảo luận, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Với vai trò là nhà quản lý, đại diện cho chính quyền địa phương và đơn vị đồng tổ chức hội thảo, đồng chí trân trọng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Những căn cứ quan trọng này góp phần hiện thực hóa mục tiêu tỉnh mà Ninh Bình đã đề ra đó là từng bước trở thành Đô thị Cố đô di sản. Đây là mục tiêu lớn với tầm nhìn dài hạn, vì vậy tỉnh luôn xác định quan điểm thực hiện từng bước một cách thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Phiên thảo luận.

Thời gian qua, Ninh Bình đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quan trọng nhằm bổ sung những luận cứ khoa học làm sáng tỏ hơn những lợi thế nổi trội, riêng có để hoạch định những chiến lược dài hạn cho Ninh Bình phát triển. Tỉnh luôn trân trọng tình cảm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến để hiện thực hóa khát vọng đã đề ra.

Ngay từ những năm 2000, Ninh Bình đã sớm nhận diện một cách đầy đủ về tiềm năng giá trị của không gian văn hóa Hoa Lư - Tràng An để chuyển hướng phát triển theo hướng xanh, hài hòa và bền vững. Trải qua 1/4 thế kỷ, nhất là trong 10 năm trở lại đây Ninh Bình luôn kiên trì, kiên định với định hướng đó, vì vậy đã thu được những kết quả nhất định. Đây là nền tảng cả về lý luận và thực tiễn để Ninh Bình đặt ra một tầm nhìn mới, đó là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố Di sản, thành phố sáng tạo trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Đồng chí cũng đã thông tin về phương án sắp xếp hợp nhất 2 đơn vị hành chính là thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành thành phố Hoa Lư, trong đó phần lõi bao trùm là Di sản Tràng An và Cố đô Hoa Lư, đây được xem là hạt nhân để lan tỏa các giá trị di sản, là trụ cột làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị di sản văn minh, hiện đại - thành phố trực thuộc Trung ương.

Với định hướng phát triển như vậy, Ninh Bình đang từng bước xây dựng, kế hoạch, chiến lược trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ. Đây là một việc khó chưa từng có tiền lệ, chưa có mô hình nào ở Việt Nam, do đó Ninh Bình vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa học hỏi một cách thận trọng từ kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài nước. Ninh Bình kiên định mục tiêu không xây dựng thành phố Ninh Bình thành đô thị nén, đô thị bê tông hóa, quan điểm của Ninh Bình trong suốt 30 năm tái lập tỉnh là xây dựng đô thị theo hướng lan tỏa, hài hòa.

Chia sẻ những quan điểm phát triển của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong rằng trong thời gian tới Ninh Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước để Ninh Bình làm tròn trọng trách thay mặt Nhân dân cả nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy tài sản vô giá của dân tộc và nhân loại đó là Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An.

Song Nguyễn-Minh Hải-Anh Tuấn

Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới"

Phiên tổng thể "Kết nối Đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO"

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-quy-hoach-bao-ton-va-phat-huy-toan-dien-gia-tri-di/d2024042718385183.htm